“Tự do đích thực liên quan đến sự cân bằng giữa việc chủ động đối phó với môi trường xung quanh mình và tôn trọng nó. Tự do về mặt tâm lý đòi hỏi một thái độ chấp nhận người khác. Chúng ta không chỉ sống riêng mình mà còn là một phần của hệ thống rộng lớn hơn, và bởi vì bản ngã đích thực có những xu hướng kép hướng về sự tự chủ và gắn kết với người khác, nên người nào có hành động xuất phát từ một bản ngã được phát triển tốt sẽ chấp nhận những người khác và tôn trọng môi trường xung quanh, cũng như chủ động tác động đến cả hai”. (Trích dẫn sách “Sao Ta Làm Điều Ta Làm”, Edward L. Deci và Richard Flaste)
Đằng sau mỗi hành động của chúng ta là một hệ thống các lập luận, động lực, hành vi, tính cách, kết hợp với các diễn biến xung quanh trong quá trình chúng ta đưa ra các quyết định của mình. Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có những động cơ, động lực khác nhau, và quá trình để cá nhân tiến tới những quyết định đó sẽ hé lộ rất nhiều điều về tính cách, định hướng của bản thân cũng như xu hướng của xã hội nói chung. Cho dù chúng ta đến với quyết định của mình trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều có những phạm vi tự chủ và ràng buộc nhất định. Những điều kiện này là một phần tất yếu xoay quanh cuộc sống và con người chúng ta. Vì sao chúng ta quyết định hành động theo ý muốn của bản thân, tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách “Sao Ta Làm Điều Ta Làm” được chắp bút bởi hai tác giả Edward L. Deci và Richard Flaste.
Khi đứng trước những quyết định trong cuộc đời, dù nhỏ nhặt hay trọng đại, chúng ta đều phải ngẫm đi ngẫm lại những thứ như: Lý do khiến chúng ta đi đến quyết định này? Điều kiện ngoại cảnh cho chúng ta những cơ hội ra sao? Động lực nào thúc đẩy chúng ta có những quyết định như vậy? Trong quá trình đưa ra quyết định đó chúng ta bị ràng buộc, hạn chế bởi những điều kiện như thế nào? Chúng ta có thật sự hài lòng và cảm thấy nhẹ nhõm trước những quyết định đó không? Rõ ràng, động lực đằng sau mỗi lời nói, hành động, quyết định, những đường đi nước bước của chúng ta là một câu chuyện phức tạp.
Dưới góc nhìn của hai tác giả Edward L. Deci và Richard Flaste, động lực của con người được nghiên cứu dựa trên hai chiều hướng: bị kiểm soát và tự chủ. Trong quá trình đi đến những quyết định, có lẽ chúng ta chưa thể nhận thức được rõ ràng những động lực nằm trong và ngoài tầm kiểm soát của mình. Những động lực gợi sự tự chủ xuất phát từ những mong muốn và nguyện vọng của cá nhân, chẳng hạn như sự tò mò, yêu thích đối với một vấn đề nào đó. Ngược lại, những động lực bị kiểm soát nằm trong sự chi phối của những người tạo ra động lực đó cho chúng ta, có thể xuất hiện dưới dạng là phần thưởng, hoặc hình phạt.
Trong cuộc đời, hầu hết chúng ta đều từng một lần có những động lực ấy, hoặc tạo ra những động lực mang tính ràng buộc cho những người xung quanh. Chúng ta có thể khơi gợi sự tự chủ hoặc đặt ra sự kiểm soát với những người mà chúng ta làm việc cùng. Và trên thực tế, việc kiểm soát và việc khơi gợi sự tự chủ đều có mặt tốt và ngược lại, và quan trọng hơn là đều có thể có ích cho việc tạo ra động lực ở mỗi cá nhân. Khi nhìn vào hai khía cạnh này, chúng ta sẽ bắt gặp những câu hỏi như: Vậy thì với cương vị hay địa vị hiện tại của mình, chúng ta phải “thắt chặt kiểm soát” bằng những lời hứa hẹn về khen thưởng, những lời “đe dọa” về sự trừng phạt hay tạo điều kiện để “gợi mở sự tự chủ”? Trong xã hội với những tình huống muôn hình vạn trạng, có lẽ không có câu trả lời nào xác thực hay cố định.
Một điểm mà tôi đồng ý với tác giả của cuốn sách chính là việc họ đã đề xuất giải pháp hướng đến sự tự chủ của mỗi con người. Sự tự chủ cũng là sự kiểm soát của cá nhân đó, tạo ra những động lực nội tại vô cùng mạnh mẽ. Phần lớn sự kiểm soát sẽ tạo ra những động lực “không phải thuộc về cá nhân đó”, không thực sự là những nguyện vọng cốt lõi của con người. Về bản chất, sự kiểm soát không hoàn toàn tiêu cực, nhưng nếu sự kiểm soát tồn tại trong thời gian dài và chi phối nhiều hoạt động của con người, nó sẽ làm mất đi những động lực cơ bản nội tại của con người, làm cho con người mất dần sự hứng thú, tận tâm với những công việc mà mình làm. Một ví dụ điển hình nhất chính là những động lực xoay quanh tiền bạc.
Trong sách, các thí nghiệm nghiên cứu cho thấy các giải pháp lấy tiền làm động lực dần dần tạo cho con người một “thói quen” làm việc vì tiền, dần mất kết nối với bản ngã, đam mê, với những động lực sâu bên trong. Và đây cũng là cái giá phải trả cho những thói quen vì tiền của con người.
Các giải pháp hướng đến sự kiểm soát không hoàn toàn tiêu cực. Tôi đồng ý với việc đặt vấn đề của tác giả về sự kiểm soát như sau: “Thay vì kiểm soát hãy trao quyền lựa chọn, là khía cạnh trung tâm trong việc ủng hộ quyền tự chủ của một người. Điều cốt yếu của một lựa chọn có ý nghĩa là nó sinh ra sự tự nguyện. Chính vì vậy, những người ở vị thế có uy quyền cần phải bắt đầu cân nhắc về cách trao đi nhiều quyền lựa chọn hơn”.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể bác bỏ những khía cạnh của sự kiểm soát mà con người có thể phát huy. Nếu như không có sự kiểm soát, sự tự chủ sẽ không thể hình thành. Sự kiểm soát, nếu được thực hiện một cách thiện chí và chừng mực, sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để con người tìm ra được sự tự chủ của bản thân. Phải chăng, nếu như tác giả có thể cân nhắc đưa vào thêm những khía cạnh mà con người có thể phát huy của sự kiểm soát, hoặc những lời khuyên về sự kiểm soát tích cực, có lẽ cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn khi nói về hai khía cạnh của động lực con người.
Lời kết:
Với những phân tích, nghiên cứu, góc nhìn chân thực của hai tác giả, cuốn sách “Sao Ta Làm Điều Ta Làm” là một cuốn sách có sức hút và gần gũi trong lĩnh vực tâm lý học. Không chỉ nghiên cứu, các tác giả còn đưa ra những lời khuyên giúp chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với bản thân, giúp đỡ những người xung quanh. Có lẽ, cuốn sách giống như một “hồi chuông cảnh tỉnh” cho chúng ta khi đứng trước những lựa chọn, những sự việc trong cuộc đời. Phải chăng, thấu hiểu về sự tự chủ và kiểm soát có thể giúp chúng ta thấu hiểu về con người và cuộc sống? Hy vọng cuốn sách sẽ có thể phát huy tác dụng trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta.