Khi nghe đến từ vết thương, hẳn trong đầu bạn sẽ hiện ra vết thương thể chất trước, như một vết rách trên đầu gối khi té ngã, hoặc một đường cắt dài khi đứt tay. Qua thời gian, những vết thương ấy rồi sẽ đóng mày. Thế nhưng, vết thương cội nguồn thì không như thế. Nó vẫn ở đó, dù cho hàng tháng, hàng năm, thậm chí là hàng chục năm đã trôi qua. Nó sẽ tạo thành những khuôn mẫu định hình cách ứng xử của bạn với công việc, với những mối quan hệ xung quanh, và cả cách bạn nhìn nhận về bản thân mình.
Như Vienna Pharaon đã chỉ ra trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”: “Di sản, bí mật gia đình, nỗi sợ hãi và bất an thường được truyền từ đời này sang đời khác. Một số được công khai đề cập và lựa chọn – như những nghi thức bày tỏ sự gắn kết trong ngày lễ, những câu châm ngôn của gia đình hay kiểu tối thứ Ba là ăn bánh thịt chiên. Nhưng cũng có những truyền thống gia đình không những không lành mạnh mà còn nguy hiểm.
Một người phụ nữ ngày càng xét nét chuyện cân nặng của con gái mình giống hệt như cách mẹ của cô từng chỉ trích cô. Một người cha bắt đầu mất kiên nhẫn với các con vì chúng không đáp ứng được những kỳ vọng thiếu thực tế của ông, dù trước đó ông từng ghét cha mình bởi sự cứng nhắc và những luật lệ làm ông cảm thấy bị kiểm soát. Một cuộc tình vụng trộm không được nói ra vì sợ những người khác trong cộng đồng đánh giá, hay cái chết của một đứa bé không bao giờ được nhìn nhận và thương tiếc trọn vẹn”.
Nếu muốn được chữa lành, bạn cần phải hiểu và nhận thức được những vết thương cội nguồn đang đeo bám bạn. Một khi đã hiểu thấu đáo vết thương cội nguồn, bạn sẽ sẵn sàng nhận ra rằng vết thương và khuôn mẫu mà bạn học được từ hệ thống gia đình vẫn thường xuyên ảnh hưởng đến hành vi của bạn trong các mối quan hệ hiện tại nhiều đến mức nào.
Trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”, Vienne Pharaon sẽ dẫn dắt bạn khám phá năm vết thương cội nguồn phổ biến, bao gồm: vết thương xứng đáng, vết thương thuộc về, vết thương ưu tiên, vết thương tin tưởng và vết thương an toàn. Trên thực tế, có thể bạn sẽ có nhiều hơn một vế thương trong số đó. Có thể bạn từng phải vật lộn với cảm giác không xứng đáng với tình yêu đang lớn dần. Có thể bạn từng cảm thấy mình không thuộc về. Có thể bạn từng tự hỏi mình có đủ quan trọng để được ưu tiên không. Có thể bạn từng cảm thấy khó mà tin tưởng những người gần gũi với mình nhất, hoặc bạn cảm thấy không an toàn về thể chất hay tinh thần.
Thế nhưng, việc mang những vết thương từ thời thơ ấu không có nghĩa là chúng ta buộc phải lặp lại những khuôn mẫu đó. Nếu có thể dừng lại một chút để tìm hiểu những vết thương này đến từ đâu và có phương pháp chữa lành phù hợp, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực để cải thiện cuộc sống của mình theo hướng tốt hơn.
Như Vienna Pharaon đã chỉ ra: “Cuộc sống của bạn không tìm cách trừng phạt bạn. Nó chỉ muốn được chữa lành. Vết thương của bạn cũng không muốn làm hại bạn; chúng đang níu lấy bạn vì bạn xứng đáng được giải thoát. Hành trình tìm lại chính mình và làm chủ cuộc sống là một hành trình dài, một quá trình đang diễn ra. Nhưng khi nhận ra ảnh hưởng của vết thương cội nguồn và nỗ lực giảm bớt tác động của chúng lên hành vi hôm nay, bạn có thể bắt đầu hành trình chữa lành cần thiết”.