Nhưng chính trong câu chuyện cội nguồn liên quan đến sự gắn bó và chân thật ấy, lần đầu tiên bạn học cách phản bội bản thân hết lần này đến lần khác.
Lúc nhỏ, hẳn bạn đã nghe vô số lời khuyên rằng phải ngoan ngoãn thì mới được yêu thương, rằng bạn phải cố gắng không ngừng để được công nhận, kết nối, quan tâm hoặc khẳng định từ cha mẹ hoặc người chăm sóc của mình. Hoặc cũng có thể, bạn được “huấn luyện” để luôn tuân theo những thông điệp mà cha mẹ đã nhắn nhủ, dù cho điều ấy khiến bạn không còn là mình nữa.
Và đoán xem bạn đã làm gì nào?
Bạn hẳn đã làm theo ý mọi người, vì bạn được lập trình để tìm kiếm sự gắn bó mà. Vì gắn bó là điều cần thiết cho sự sinh tồn của bạn. Và vì bạn cần được yêu thương, mong muốn, lựa chọn, bảo vệ, ưu tiên và an toàn hơn bất kỳ thứ gì khác.
Như tác giả Vienna Pharaon đã chỉ ra trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”: “Khi còn bé, chúng ta từng đánh đổi sự chân thật để lấy sự gắn bó. Tất nhiên, chúng ta phải làm vậy, vì gắn bó là mạch sống quan trọng hơn. Điểm số tuyệt đối sẽ làm cho cha vui vẻ. Im lặng sẽ giúp mẹ bớt cáu kỉnh. Giảm cân sẽ khiến mọi người để ý đến bạn. Lúc nào cũng ổn thì cha mẹ sẽ bớt bị áp lực. Nổi loạn thì cha sẽ không làm tổn thương em gái của bạn nữa.
Đồng ý với mọi việc thì sẽ giữ được hòa khí. Giúp đỡ mẹ thì mẹ sẽ bớt buồn. Bạn học được cách điều chỉnh bản thân để đảm bảo cha mẹ sẽ không bỏ rơi, từ chối, ghét bỏ, chỉ trích, phán xét hay không thừa nhận bạn. Nhưng điều đáng buồn là, đến lúc trưởng thành, chúng ta vẫn giữ những hành vi này. Đó là vì chúng ta đã bị quy định phải làm vậy. Đó cũng là vì chúng ta đã học được rằng sự xứng đáng, cảm giác thuộc về, ưu tiên, tin tưởng và an toàn chỉ được trao khi chúng ta đã chỉnh sửa và thay đổi bản thân cho phù hợp với những người khác”.
Chính trong câu chuyện cội nguồn liên quan đến sự gắn bó và chân thật ấy, lần đầu tiên bạn học cách phản bội bản thân hết lần này đến lần khác, bạn đã chối bỏ con người thật của mình để lấy sự gắn bó. Đó là lúc bạn học được cách biến hóa, thay đổi con người hiện tại để nhận được những gì mà bạn tin là minh cần. Bạn tin rằng trở thành một con người khác là cách duy nhất giúp bạn có được thứ bạn mong muốn: Nếu tôi trở thành con người như ý bạn cần, tôi chắc chắn sẽ có được tình yêu, sự kết nối, chấp thuận, an toàn và công nhận.
Đây là một hình thức tự bảo vệ bản thân và bạn cố hết sức để thích ứng. Nhưng trở thành một người giỏi biến hóa không có phải lúc nào cũng tốt. Bởi lẽ, sự chân thật cũng không kém gì nhu cầu gắn bó. Sự chân thật là gốc rễ để chúng ta tồn tại, và nếu không có nó, bạn sẽ bắt đầu chết từ bên trong.
“Dù bạn được công nhận nhờ đạt nhiều điểm A, lập được cú hat trick hay bớt bộc lộ cảm xúc, thì sâu bên trong bạn vẫn biết có gì đó không đúng. Khi bạn nhìn thấu mọi thứ và biết rằng nếu sự công nhận được trao vì bạn thiếu chân thật, thì nó cũng không đáng tin. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta trở thành những người trưởng thành dễ dao động, không chắc chắn, hay nghi ngờ bản thân và người khác. Chẳng có gì lạ khi chúng ta thấy thật khó có thể thể hiện con người thật của mình và tin ai khác sẽ yêu thương, chọn lựa, tôn trọng và nể trọng bạn” - Vienna Pharaon chỉ ra.
Lúc này, điều quan trọng bạn cần làm là quay trở lại với chính mình, xác nhận nguồn gốc vết thương bắt đầu từ đâu, và thực hiện phương pháp chữa lành phù hợp để thoát khỏi khuôn mẫu này. Trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”, Vienna Pharaon sẽ cùng bạn khám phá từng loại trong số các vết thương do câu chuyện cội nguồn gây ra. Đồng thời, cô cũng hướng dẫn bạn chữa lành vết thương của mình với phương pháp Chữa lành tận gốc.
Như Vienna Pharaon đã nhìn nhận: “Thời gian có thể giúp một số nỗi đau trở nên nhẹ nhàng hay dễ chịu hơn, nhưng những nỗi đau sâu sắc cần đến sự chú tâm, sự hiện diện, cảm xúc và cả nghị lực của bạn. Ngay cả lúc đó, chúng vẫn cần được bạn chăm sóc. Vết thương không tự biến mất, chúng chỉ mờ dần mà thôi”.