Sếp tồi - Nghệ thuật đàm phán với… sếp

Quìn14/11/2024 08:00
Sếp tồi - Nghệ thuật đàm phán với… sếp

Bạn muốn từ chối nhận thêm việc sếp giao? Bạn cần trao đổi với sếp về tác động mà hành vi của họ đang gây ra cho bạn? Bạn muốn đàm phán về điều mình không thể tiếp tục chấp nhận ở công việc hiện tại?

Tiến sĩ, tác giả nổi tiếng Brené Brown từng gọi những cuộc trò chuyện và những hành động để giải quyết vấn đề là “những khoảnh khắc trên đấu trường”. Đây là những thời điểm mà bạn cần phải xuất hiện, dũng cảm và tiến vào “đấu trường” bất chấp những nỗi sợ của mình.

Trong cuốn sách “Sếp tồi” (tựa gốc: “Bad Boss”), tác giả Michelle Gibbings đã đề ra một vài bí quyết để tăng tỷ lệ thành công khi bạn tiến vào những “đấu trường” để đối mặt với sếp của bạn. Hãy cùng tham khảo nha

Đừng yêu cầu điều mà đối phương không thể đồng ý

Trước khi tham gia bất kỳ cuộc trò chuyện khó khăn nào, bạn cần ghi nhớ một quy tắc đàm phán cơ bản: nếu muốn thành công thì đừng yêu cầu điều mà đối phương không thể đồng ý.

Trong các mối quan hệ cũng vậy, nếu bạn muốn kết thân với sếp trong khi sếp không phải kiểu người thích kết bạn với nhân viên thì rõ ràng bạn đã đặt kỳ vọng sai chỗ. Tương tự, nếu bạn muốn sếp làm việc một cách có kế hoạch và đáng tin cậy trong khi họ vốn là kiểu người vô tổ chức, bạn đang tự chuốc lấy thất vọng…

Nghiên cứu… sếp

Hãy tìm cách hiểu sếp của bạn - nghĩa là hiểu phong cách làm việc, các công việc cũng như nhu cầu của họ và những điều họ quan tâm. Bạn càng hiểu họ, bạn càng biết rõ họ có khuynh hướng ủng hộ hay phản đối điều gì.

Bạn cần phải hiểu tình hình tổng thể và biết sếp đang gặp vấn đề gì. Hãy kiểm tra xem liệu có vấn đề gì mà bạn chưa nhận thức được có thể ảnh hưởng đến các quyết định của sếp hay không.

Chuẩn bị nhiều giải pháp khác nhau

Hãy dành thời gian để hiểu rõ các phương án và hiểu cách làm cho đề xuất của bạn đáp ứng được nhu cầu của sếp.

Một việc tối quan trọng nữa trước khi đàm phán với sếp là bạn nên xác định sẵn nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề mà bạn muốn thảo luận.

Bên cạnh đó, hãy xác định rõ ràng những điều bạn không chấp nhận thương lượng và những điều mà bạn sẵn lòng nhượng bộ.

Chọn thời điểm thuận lợi

Các cuộc đàm phán thường phát sinh những tình huống bất ngờ và tình hình rất dễ leo thang. Khi đó, bạn cần phản ứng một cách thận trọng thay vì bốc đồng, thế nên đừng đàm phán hoặc tham gia vào những cuộc trò chuyện khó khăn khi bạn đang mệt mỏi.

“Thời điểm trình bày có thể là yếu tố vô cùng quan trọng, vì bối cảnh bắt đầu một cuộc đàm phán có thể ảnh hưởng đến kết quả của nó”, Michelle Gibbings cho hay.

Đừng để nỗi sợ kìm hãm bạn

Mọi hành động đều đi kèm với cả lợi ích lẫn rủi ro, nên bạn cần sẵn sàng hành động trong khi vẫn ý thức được các rủi ro tiềm ẩn. Như thủ tướng, chính khách kiêm tiểu thuyết gia người Anh Benjamin Disraeli đã viết: “Không phải lúc nào hành động cũng có thể mang đến hạnh phúc, nhưng người ta sẽ không có được hạnh phúc nếu không hành động”.

Còn tác giả Michelle Gibbings thì nhắc nhở bạn đọc trong “Sếp tồi”: “Lần đầu tiên bắt đầu cuộc trò chuyện với sếp, bạn sẽ rất căng thẳng. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, nhưng đừng để nỗi sợ kìm hãm bạn. Trong sự nghiệp của tôi, có vô số lần việc chủ động và sớm lên tiếng đã giúp tôi hình thành mối quan hệ tốt đẹp với sếp của mình”.

“Sếp tồi”: Chỉ dẫn 4 bước đối mặt với ‘sếp tồi’. Vì một công sở hạnh phúc hơn cho bạn và cho tất cả mọi người. Lọt top ‘sách hay nhất về quản lý và nhân sự’ tại Úc.


Gửi bình luận
(0) Bình luận