Với kiến thức, kinh nghiệm dày dạn, cùng những dẫn chứng sinh động bằng chính tuổi thơ của mình, và từ nhiều trường hợp tư vấn thành công cho khách hàng, tác giả đã mang đến cho người đọc một “Phương pháp Chữa lành tận gốc” thú vị, và đầy thuyết phục.
“Vết thương” cội nguồn
Bắt đầu bằng chính câu chuyện tuổi thơ của mình với ám ảnh sợ hãi và nỗi đau phải chịu đựng từ người cha, Vienna Pharaon dẫn dắt người đọc quay về với vấn đề gia đình cội nguồn.
Theo tác giả, không một ai trong chúng ta có tuổi thơ hoàn hảo, ai cũng từng gặp những hành vi không có lợi, những hành vi thật sự khiến chúng ta tổn thương.
Khi đang ở trong một mối quan hệ tình cảm, tình bạn và nuôi dạy con cái, chúng ta gần như chắc chắn sẽ nhận thấy mình đang lặp lại những vết thương đã trải nghiệm lúc nhỏ. Vết thương này của cha mẹ trở thành vết thương của chúng ta, vết thương của chúng ta lại trở thành vết thương của con cái. Điều này là bình thường, nhưng không nhất thiết cứ phải diễn ra như vậy.
Quá khứ tạo ra những khuôn mẫu, nhưng chúng ta có thể thay đổi những khuôn mẫu đó cho tốt hơn… bằng những công cụ phù hợp. Phá vỡ khuôn mẫu đó (hoặc chí ít là nhận ra nó) chính là mục đích của cả đời người. “Phá vỡ khuôn mẫu” mở ra một hành trình chữa lành, giúp chúng ta hiểu về gia đình cội nguồn của mình - nơi chúng ta lớn lên - đồng thời tìm hiểu xem điều gì đã ảnh hưởng trong hệ thống đó.
Một số rối loạn chức năng cụ thể (hay “vết thương”) ở gia đình cội nguồn sẽ thể hiện ra hành vi của chúng ta khi trưởng thành theo những con đường kỳ lạ, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra. Nhưng tin tốt là, nếu hiểu rõ về quá khứ, chúng ta sẽ có thể cải thiện đáng kể các mối quan hệ và cuộc sống của mình trong tương lai.
Gia đình cội nguồn là nơi bắt đầu hình thành nền tảng cho cách chúng ta liên hệ với người khác, với bản thân và thế giới xung quanh. Tất cả những mối quan hệ trong thời niên thiếu - những mối quan hệ đã có, đã không có, đã phớt lờ hay đã cảnh giác thái quá - đều tác động đến cách bạn nhìn nhận mọi thứ trong đời sống hiện tại.
Phần lớn những khó khăn về mối quan hệ đều bắt nguồn từ nỗi đau và sang chấn đã có từ lâu nhưng chưa được xử lý triệt để của những mối quan hệ trước, đặc biệt là trong gia đình cội nguồn. Nếu không chữa lành tận gốc thì nỗi đau và sang chấn sẽ không được xử lý triệt để… Bạn cần một giải pháp để giải quyết từ ngay bên trong mình nếu muốn được chữa lành, giải pháp đó đòi hỏi bạn phải hiểu và nhận thức được những vết thương cội nguồn đang đeo bám bạn.
Hiểu được vết thương cội nguồn, và những khuôn mẫu tiêu cực kéo dài mà nó dẫn đến, sẽ rất có ích cho việc giải quyết các mâu thuẫn và hành vi gây phiền toái cho bạn trong thời điểm hiện tại.
Hành trình “chữa lành tận gốc”
Vienna Pharaon đã dẫn dắt người đọc khám phá năm vết thương phổ biến nhất: vết thương xứng đáng, vết thương thuộc về, vết thương ưu tiên, vết thương tin tưởng, vết thương an toàn. Tác giả cũng giới thiệu toàn bộ quá trình thực hiện phương pháp chữa lành tận gốc. Trong đó bạn sẽ được hướng dẫn tự mình thực hiện qui trình bốn bước để chữa lành, giúp bạn tìm ra con đường để tiến về phía trước. Giúp bạn có thể sống theo cách mà bạn biết và lấy lại những gì đã mất bằng lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, cảm thông dành cho bản thân và những người xung quanh.
Nếu bạn không thể thừa nhận vết thương của mình, quá trình chữa lành sẽ rất khó diễn ra. Và nếu thừa nhận nó không đúng cách, bạn rất có thể đang trong một hành trình chữa lành sai lệch.
Bạn sẽ học cách gọi tên vết thương của mình, cách quan sát và tôn trọng nỗi đau trong quá khứ, nỗi thương tiếc đi kèm với cơn đau đó, sau đó xoay chuyển, tìm cách tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống cũng như những khuôn mẫu của bạn. Đây chính là “Phương pháp Chữa lành tận gốc” mà bạn sẽ tìm hiểu trong quyển sách.
Tác giả chỉ ra, bạn không thể thay đổi cuộc sống nếu cứ che đậy sự tổn thương và nỗi đau với chính mình. Bạn cũng không thể sống khác đi nếu cứ ngăn bản thân nhìn thấy những thứ cần được chú tâm. Bạn chỉ có thể đối mặt với vết thương để chữa lành nó một cách xứng đáng. Bạn cần phá vỡ khuôn mẫu để có những thay đổi tích cực thật sự cho cuộc đời mình.
Có những trải nghiệm tuổi thơ để lại những nỗi đau “nguồn cội” cho một đứa trẻ, chi phối đời sống họ ở tuổi trưởng thành, mà nếu không quay lại nhận diện đầy đủ, họ sẽ không thể nào tiếp cận đúng và “chữa lành” được cuộc sống trong hiện tại.
Chẳng hạn, trừng phạt bằng cách từ chối trao tình yêu, không giao tiếp hay không tha thứ có thể là một trong những trải nghiệm đau khổ và là đòn tâm lý đau đớn nhất mà một đứa trẻ phải trải qua. Hay một lời nhận xét gây tổn thương của cha mẹ, như “sao con không thể học hành chăm chỉ như chị.”, hoặc “nếu con giống chị hơn thì đời cha đỡ khổ rồi”, có thể để lại trong đứa trẻ những ảnh hưởng lâu dài, nó có thể tạo nên phong thái và một câu chuyện về giá trị của người nghe suốt hàng chục năm sau.
Theo tác giủa, nếu không thể nhìn vào câu chuyện cội nguồn của mình, nếu không thể nhìn vào nỗi đau và sang chấn của bản thân, nếu cứ mắc kẹt trong việc giảm nhẹ hay phóng đại những gì mình đã trải qua thay vì sự thật về nó, thì bạn rất có nguy cơ sẽ trở thành người đứng bên lề cuộc sống của chính mình”.
Hãy nhớ rằng, những gì bạn bị tước đoạt sẽ không mất đi mãi mãi. Bạn có thể giành lại sự xứng đáng, thuộc về, ưu tiên, an toàn và tin tưởng của mình. Bạn có thể giành lại cảm giác xứng đáng, thoải mái và vui vẻ.
Đọc “Phá vỡ khuôn mẫu”, hi vọng bạn sẽ có thêm niềm tin, động lực và phương pháp để hành động ngay từ bây giờ, và nghĩ về một cái kết viên mãn phía trước.