Những người hiểu biết, dù bị đối xử bất công, vẫn biết tha thứ, không trả thù. Những người đã ý thức được nhân quả sẽ biết chấp nhận, không than van oán trách, đồng thời phát triển lòng từ bi hướng đến người xung quanh.
Khi trải qua vô lượng kiếp sống, chúng ta khó lòng biết được đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả. Một hoàn cảnh xảy ra đôi khi có thể khiến chúng ta nghĩ rằng nó trái với luật Nhân quả, nhưng thật ra còn những cái nhân sâu xa vốn được tích tụ từ lâu mà chúng ta không biết được.
Ví dụ, bà có thể chứng kiến những người hung ác, xấu xa, tham lam, ích kỷ lại sống sung sướng trong sự giàu sang tột bực, trong khi người hiền lành, tốt bụng lại chịu nhiều nỗi đau khổ, gian truân. Tại sao thế? Đó là bởi những cái nhân mà họ đã gieo từ nhiều kiếp trước. Sự giàu sang của họ trong kiếp này là nhờ những nhân lành mà họ đã gieo từ trước, còn những việc làm xấu xa của họ ở kiếp này thì cũng đến lúc phải trả mà thôi. Không lúc này thì lúc khác, không kiếp này thì kiếp khác. Luật Nhân quả không bao giờ sai đâu.
Luật Nhân quả đã thu xếp cho chúng ta sinh vào một tộc người, một quốc gia, hay một hoàn cảnh gia đình cụ thể để trả những nghiệp quả đã gây từ trước và đồng thời cũng tạo cơ hội cho chúng ta học hỏi để hiểu biết và tiếp tục tiến lên đời sống cao cả của các bậc thánh nhân.
Trải qua vô lượng kiếp, tất cả chúng ta đều có sẵn một số nghiệp tích tụ, những nhân đã gieo từ kiếp trước và phải trả ở kiếp sau. Những nghiệp tích tụ này rất nhiều, không thể trả hết một lúc, nên chúng ta phải trải qua nhiều kiếp sống để trả dần. Vì nghiệp quả liên hệ đến nhiều người, mà mỗi lần chuyển kiếp thì người sinh ở nơi này, người sinh ở nơi khác, cũng có khi những đối tượng ân nợ của ta vẫn còn làm súc sinh chưa chuyển kiếp thành người, nên chúng ta không thể gặp hết để trả hay đòi trong một kiếp được.
Một số nghiệp được thu xếp để trả ở kiếp này, một số trả ở kiếp khác. Tuy nhiên, nghiệp quả không phải là định mệnh, vì chúng ta có thể hành động để chuyển nghiệp được. Nghiệp quả chỉ là những động lực theo thời gian sẽ xảy ra nhưng chúng ta có thể tạo ra các động lực mới để sửa đổi chiều hướng của nó, khiến việc nặng có thể chuyển thành nhẹ.
Những người được sinh vào cùng một nơi chốn hay quốc gia thường do sự sắp xếp để trả quả chung, mà ta gọi là cộng nghiệp. Do đó, các thiên tai như động đất, bão lụt, chiến tranh hay dịch bệnh ở một nơi chốn hay quốc gia nào đều ít nhiều do các nghiệp nhân của những con người tại đây đã gây từ trước mà nay họ phải sinh ra tại nơi này để trả. Tuy nhiên, những thiên tai, dịch bệnh này dù ghê gớm đến đâu thì vẫn có người không hề hấn gì. Có thể vì họ không gây nhân nên không phải trả quả, cũng có thể vì họ đã làm việc lành thiện nên chuyển từ nghiệp nặng thành nhẹ.
Mỗi quốc gia có thể xem như một cá nhân trong vòng sinh hóa của trái đất. Tùy hành động vị tha hay ích kỷ mà quốc gia đó trở nên hùng cường hay suy bại. Không một quốc gia nào làm những điều hung ác như xâm lăng, chiếm đoạt, giết chóc mà có thể hưng thịnh lâu dài. Những đế quốc như Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ,... chỉ hùng cường một thời gian rồi suy sụp.
Cho đến nay, trải qua thời gian dài, những quốc gia này vẫn chưa vãn hồi được sự hưng vượng khi xưa. Con người sinh ra ở xứ nào là để học hỏi các đức tính của dân tộc xứ đó, vì mỗi nơi đều có những đặc thù văn hóa hay điều kiện đặc biệt giúp cho sự phát triển của họ.
Một quốc gia phát triển thịnh vượng là nhờ những người tài giỏi được nhân quả thu xếp đến giúp cho quốc gia đó trở nên hùng cường. Một đất nước bị suy vong là do những người xấu xa, thấp kém được nhân quả đưa đến đó để làm cho lụn bại. Nếu một cá nhân có thể học hỏi để chuyển nghiệp thì một quốc gia cũng thế. Khi người dân xứ đó biết ý thức về nhân quả, biết làm điều lành, việc thiện, biết phát triển tình thương, biết giúp đỡ nhau, biết làm việc vì quyền lợi chung, thì xứ đó có thể giảm được rất nhiều tai kiếp.
Trích sách Muôn kiếp nhân sinh 2 | Nguyên Phong.