Sự khác biệt giữa sinh viên thành công và sinh viên thất bại là động cơ học tập. Sinh viên có động cơ học tập thường học hành chăm chỉ và luôn nỗ lực học nhiều nhất có thể được. Sinh viên thiếu động cơ học tập thường bị nhấn chìm bởi bài tập trên lớp và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của trường đại học. Khi không có động cơ học tập, sinh viên dễ dàng bị bạn bè và môi trường xung quanh ảnh hưởng, thường xuyên xao nhãng và tiêu tốn nhiều thời gian vô ích vào các hoạt động giải trí thay vì học tập.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới động cơ của sinh viên: mức độ quan tâm của sinh viên đối với môn học, cảm nhận của sinh viên về tính ứng dụng của môn học, tham vọng thành đạt của sinh viên, sự tự tin và kiên nhẫn của sinh viên. Tất nhiên, bên cạnh những động lực trên, một số sinh viên sẽ có động lực học tập khi được gia đình và bạn bè ủng hộ.
Nhiều sinh viên thường xuyên chểnh mảng học hành sau khi vào đại học vì họ KHÔNG có mục đích nghề nghiệp rõ ràng. Trong trường hợp này, gia đình cần yêu cầu sinh viên suy nghĩ, tìm hiểu và tự mình tạo ra mục đích nghề nghiệp dựa trên khả năng và sở thích của họ. Sinh viên cần được nhắc nhở, rằng những mục đích cá nhân ngắn hạn có thể xung đột với những mục đích nghề nghiệp dài hạn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần ý thức được gia đình là yếu tố động viên số một của hầu hết các sinh viên. Để sinh viên có thêm động lực học tập và phấn đấu, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến mối liên hệ giữa mình và con cái.
Trong nhiều năm dạy đại học, tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều sinh viên giỏi và nhận ra rằng các sinh viên thành công thường có một điểm chung: Những sinh viên này đều có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng và tuân thủ bản kế hoạch này một cách cẩn thận. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên về sức mạnh của việc đặt mục đích và lập kế hoạch nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều người trong số họ đã học tốt hơn so với những gì họ từng nghĩ trước khi bước chân vào đại học. Về sau, những sinh viên này thường có xu hướng tư duy và nhìn nhận vấn đề trên nhiều khía cạnh; đồng thời biết cách phát triển kế hoạch chi tiết về những điều họ muốn làm và những nơi họ muốn đi.
Một sinh viên đã nói với tôi rằng: “Khi em thực hiện từng bước dựa trên bản kế hoạch nghề nghiệp, không ngừng hướng tới mục đích nghề nghiệp mà em đã đặt ra cho bản thân, em liên tục cảm nhận được cảm giác ‘thành công’ và ‘thành đạt’. Em cảm thấy tích cực và được động viên hơn. Em dần dần kiểm soát được cuộc sống của riêng mình. Em cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Cuối cùng, em có sẵn đà phát triển về mặt tinh thần, nhờ đó em dần hình thành khả năng vượt qua mọi chướng ngại khi tiến tới mục đích của mình”.
Lập kế hoạch nghề nghiệp bắt đầu bằng việc xác định bạn muốn làm gì với tri thức và kỹ năng của bạn. Tri thức của bạn là con thuyền của bạn, kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình, còn mục đích nghề nghiệp là đích đến. Có mục đích nghề nghiệp, bạn sẽ có phương hướng trong suốt quá trình học tập tại trường đại học.
Sinh viên thành công là những sinh viên biết rõ họ muốn gì và cần phải làm gì để đạt được mong muốn đó. Sinh viên không thành công là những sinh viên không biết họ muốn gì, cũng không chắc chắn về sự chọn lựa hay tương lai của họ. Những sinh viên này thường thay đổi phương hướng và mục đích mỗi khi phải đối diện với chướng ngại và khó khăn. Họ bước vào đại học nhưng không có tham vọng thành công, không có mục đích nghề nghiệp, thậm chí nhiều người còn không biết mình ở đây để làm gì. Họ chỉ nghĩ về bằng cấp và việc làm. Nhưng không biết mình muốn làm gì, càng không biết mình có thể làm gì.
Nhiều người lạc lối và bỏ phí nhiều năm trong trường đại học vì họ không có bất cứ lộ trình nào. Không có phương hướng rõ ràng, cũng không có mục đích cụ thể, họ chỉ trôi dạt từ lớp này sang lớp khác, rất nhiều người trở nên chây ì và chán nản đến mức liên tục bỏ lớp và trở thành gánh nặng của gia đình. Một số có thể tốt nghiệp nhưng chẳng biết phải làm gì. Khi mọi chuyện diễn ra thuận lợi, họ tin rằng họ may mắn; khi mọi chuyện trở nên khó khăn, họ oán trách số phận hoặc đổ vấy cho gia đình, xã hội.
Biết cách định hướng và có mục đích rõ ràng là khởi đầu tốt cho quá trình hình thành sự tự tin, lòng tự trọng và tính cách cá nhân của sinh viên. Hãy nghĩ về điểm mạnh của bạn, khát vọng của bạn, ước mơ của bạn rồi tự mình cam kết theo đuổi nó. Thông qua đó, bạn mới có thêm quyết tâm và sức mạnh tinh thần, mới có thể phát huy năng lực và tự bổ khuyết những thiếu sót của bản thân để hoàn thành mục đích. Viết ra mục đích nghề nghiệp của bạn! Lập bản kế hoạch và từng bước cụ thể để đạt được mục đích đã đề ra! Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và không ngừng nỗ lực để đạt được điều bản thân mong muốn. Cuộc đời của bạn nằm trong tay bạn.
>> Khởi hành Kỳ 9: Thiết lập mục đích học tập ở đại học
Trích Khởi hành