Sinh viên đại học ngày nay cần được hướng dẫn nhiều hơn, cần biết cách lập kế hoạch nghề nghiệp, phát triển kỹ năng cần thiết và chuẩn bị tinh thần cạnh tranh ngay khi họ vừa tốt nghiệp.
Cả phụ huynh và sinh viên đều cần ý thức được sự khác biệt giữa bằng cấp và kỹ năng. Hiện tại, các công ty ngày càng ít chú ý tới bằng cấp hơn so với trước đây. Dù họ mong đợi các ứng viên có bằng đại học nhưng họ vẫn quan tâm tới kỹ năng làm việc và khả năng thích ứng với công việc nhiều hơn. Điều này đòi hỏi phụ huynh và sinh viên cần phải chuẩn bị nhiều hơn trước khi bước vào cổng trường đại học để có thể vạch ra một lộ trình phù hợp và đúng đắn nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động.
Không may, nhiều sinh viên hiện nay vẫn vào đại học mà không hề có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng. Cách học này khiến sinh viên phí hoài nhiều thời gian và nỗ lực, bởi sau khi tốt nghiệp, họ không thể tìm được công việc xứng đáng với những phí tổn mà họ đã tiêu tốn trong mấy năm học đại học. Một số trở lại trường và bắt đầu học lại hoặc học lên cao hơn nữa trong khi vẫn không định hướng được mục đích nghề nghiệp là gì.
Năm ngoái, một người tốt nghiệp đại học tới gặp tôi để xin lời khuyên. Anh ta nói: “Em không thể tìm được việc làm dù đã có bằng cử nhân văn học. Em muốn quay trở lại trường và học công nghệ thông tin để có thể kiếm được việc làm tốt”.
Tôi hỏi anh ta: “Em nghĩ em sẽ làm gì với bằng khoa học máy tính?”. Anh ta có vẻ hoang mang: “Em không biết. Em chỉ hy vọng kiếm được việc làm như phần lớn những người tốt nghiệp ngành khoa học máy tính khác. Sinh viên tốt nghiệp từ ngành này thường kiếm được việc làm tốt”.
Đây là trường hợp điển hình của những sinh viên không có kế hoạch nghề nghiệp, không có phương hướng rõ ràng. Anh ta chỉ muốn kiếm được việc làm.
Tôi hỏi: “Đó có phải công việc em thực sự muốn làm không?”. Anh ta nói: “Em thích viết, em chọn chuyên ngành văn học vì em muốn là nhà văn”. Tôi bảo anh ta: “Có những công việc cần tới kỹ năng viết trong ngành công nghệ thông tin. Em có thể viết tài liệu sử dụng, tài liệu hướng dẫn, thủ tục và đề xuất các tiêu chuẩn. Có những công việc liên quan đến viết lách như quản trị nội dung cho web, blog hoặc viết tin cho một số công ty. Em có thể kết hợp kỹ năng viết của em và chọn học để lấy thêm bằng cấp liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu của những công việc cần tới kỹ năng này”. Anh ta ngạc nhiên vì chưa bao giờ anh ta nghĩ về điều đó. Tôi đoán anh ta thậm chí còn không đọc các mô tả việc làm khi đi tìm việc.
Đây là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên. Khi bước vào trường đại học, họ chỉ nghĩ đơn giản “Vào đại học rồi học đại cho xong, có bằng rồi sẽ đi tìm việc”. Nhưng thực tế không giống như sinh viên đã nghĩ. Ngày nay, tấm bằng đại học không còn là tờ giấy thông hành, đảm bảo “có bằng đại học nhất định sẽ có việc làm” như trước nữa.
Với các học sinh vừa tốt nghiệp trung học, việc chọn lĩnh vực học tập/chuyên ngành đại học có lẽ là quyết định khó khăn nhất nhưng đồng thời cũng là quyết định quan trọng nhất; vì đó chính là phương hướng giúp học sinh tập trung hơn trong việc học và cho phép họ lập kế hoạch nghề nghiệp từ sớm.
Không may, phần lớn các bậc phụ huynh hiện tại không đủ khả năng cũng không thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ con cái lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Họ có thể cho con quần áo đẹp, thức ăn ngon, không ngần ngại mua cho con những thứ mà con muốn nhưng khi con chuẩn bị vào đại học thì bố mẹ lại chỉ có thể hướng dẫn một cách sơ sài: “Vào đại học, học chăm chỉ, lấy bằng cấp rồi tìm việc làm”. Với họ, lấy được bằng đại học là mục đích lớn nhất.
Nhưng bây giờ không còn như ngày trước nữa. Thời đại đã thay đổi. Ngày nay bằng đại học không còn “giá trị” như ba mươi hay bốn mươi năm trước. Ngày nay sinh viên đại học cần được hướng dẫn nhiều hơn, cần trau dồi và phát triển nhiều kỹ năng hơn mới có thể đáp ứng được những yêu cầu mà các công việc sẵn có đòi hỏi. Sau khi tốt nghiệp, họ phải có khả năng kiếm sống một cách độc lập trên cơ sở tri thức và kỹ năng của họ. Phụ huynh và sinh viên phải nhận thức được rằng, tiêu chí tuyển dụng hiện nay của các công ty không chỉ dựa trên bằng cấp mà còn đòi hỏi năng lực làm việc và các kỹ năng mềm.
Giáo dục đại học hiện tại yêu cầu sinh viên phải lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai TRƯỚC khi sinh viên vào đại học. Họ cần phải nghiên cứu thị trường việc làm, xác định những nghề phù hợp và có tiềm năng phát triển sự nghiệp nhất. Họ cần phải khảo sát và tìm hiểu những công việc nào có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương nơi họ sinh ra và phổ dụng toàn cầu. Họ cần phải tiếp cận những người đã đi làm để lấy những thông tin cần thiết, chẳng hạn như một người tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực/chuyên ngành này có thể làm được những công việc gì, lương bổng ra sao, những kỹ năng/thế mạnh được thị trường ưa chuộng là gì?... Chính sinh viên phải chủ động tìm hiểu, tìm hiểu một cách tích cực. Không chỉ thế, còn phải liên tục so sánh thông tin thu thập được từ nhiều nguồn với nhau, tự mình hình thành cảm nhận về “độ chính xác” và “mức độ đáng tin” của những nguồn thông tin này.
Nhiều thanh niên có xu hướng chọn lĩnh vực/chuyên ngành đại học dựa trên sở thích cá nhân hoặc thành tích học tập trong quá khứ. Nhưng rất ít người tự đặt ra câu hỏi “Có bao nhiêu việc làm được mở ra cho những người tốt nghiệp đại học của lĩnh vực/chuyên ngành này?”. Nhiều người thường lẫn lộn giữa sở thích và nghề nghiệp. Sở thích là thứ mà bạn có thể tận hưởng; nhưng sở thích không phải lúc nào cũng có thể trở thành nghề nghiệp, mang lại lợi ích và thu nhập, giúp bạn kiếm sống. Trong trường hợp học sinh trung học không phân biệt được việc “làm vì yêu thích” và “làm để kiếm sống” thì các bậc phụ huynh cần giúp họ phân biệt và hướng dẫn thật kỹ càng.
Một số sinh viên xem ti vi hay đọc tạp chí, họ nghĩ: “Việc này có vẻ vui. Mình có thể làm việc này”. Họ chọn vì họ nghĩ công việc này vui và hấp dẫn nhưng không hề ý thức được nhu cầu của thị trường. Vài năm trước, một sinh viên chia sẻ với tôi rằng: “Trước đây, em từng xem một chương trình trên ti vi, thấy họ trang trí nhà cửa và em nghĩ em muốn làm điều đó. Công việc có vẻ vui, hơn nữa em còn rất thích trang trí mọi thứ. May mắn thay, ngay trong năm nhất đại học em kiếm được việc làm thêm vào mùa hè. Em được nhận vào làm nhân viên trang trí nội thất cho một công ty. Trong suốt mùa hè đó, em chỉ làm duy nhất một công việc là giao dịch để bán đồ đạc và trả lời điện thoại. Thực tế, em chẳng cần được giáo dục đại học để làm việc đó. Đó cũng chính là lúc em nhận ra sự khác biệt giữa những câu chuyện được chiếu trên ti vi và thực tại. Đây cũng là lý do tại sao em chuyển sang học ngành khoa học máy tính”.
Các bậc phụ huynh và sinh viên cần phải hiểu rằng không phải mọi lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành đào tạo được dạy trong trường đại học đều có giá trị và khả năng mang lại lợi ích ngang nhau. Tất nhiên, tất cả đều cung cấp bằng cấp sau khi sinh viên hoàn thành khóa học, nhưng chúng không đảm bảo việc làm. Khi bạn chọn một lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành nào đó, hãy tự đặt câu hỏi kiểu như: Những người tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này có thể làm những công việc gì? Những sinh viên đã tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này (của trường đại học nơi bạn định thi vào) hiện tại đang làm việc ở đâu? Mức lương tối thiểu mà một sinh viên mới ra trường nhận được là bao nhiêu? Cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của lĩnh vực/chuyên ngành này như thế nào? Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ lĩnh vực/chuyên ngành này hiện có làm việc đúng ngành đúng nghề mà họ đã học hay không? Các công ty hoạt động trong lĩnh vực/ chuyên ngành này thường ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp từ trường nào?...
Bạn không nên chọn một nghề đặc biệt nào đó khi nghề này không có tương lai và không có việc làm. Trong thế giới lý tưởng, bạn có thể học mọi thứ bạn quan tâm và gắn bó với công việc bạn yêu thích suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên, trong thế giới cạnh tranh nơi chúng ta đang sống, sinh viên cần cân nhắc tới cuộc sống thực tế của bản thân sau khi tốt nghiệp.
>> Khởi hành kỳ 6: Hai điều sinh viên cần lưu ý trong học tập