Hiện nay tuy nhân loại đang đi vào giai đoạn Hoại và Diệt nhưng mọi người phải tin rằng việc thay đổi tâm thức vẫn có thể xảy ra. Phải có lòng tin vững chắc về việc chuyển đổi nghiệp quả thì mới có thể vượt qua các khó khăn, không để cho những sự kiện xáo trộn bên ngoài ảnh hưởng. Nếu không nhận thức rõ ràng thì rất dễ bị các sự kiện đó lay chuyển.
Mọi sự xảy ra trên thế gian này đều là nhân quả, không có việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Tất cả đều là những bài học để nhân loại học mà thôi. Có bài học cho từng cá nhân và có những bài học cho từng quốc gia. Nếu không học được lúc này thì sẽ phải học lại vào lúc khác. Mọi tai ương hiện nay đều do nghiệp lực chiêu cảm mà đến. Nếu đã hiểu như thế thì phải biết tìm cách làm những việc thiện lành để hóa giải nghiệp lực và thay đổi vận mệnh của mình cũng như kêu gọi mọi người chung tay làm những việc tốt giúp chuyển hóa cộng nghiệp cho xã hội. Lúc đó, khi bệnh đến thì sẽ có thuốc hay. Việc dữ sẽ biến thành việc lành.
Nghiệp lực đang chi phối nhân loại hiện nay bắt nguồn từ việc giết chóc và tham lam. Nhìn quanh thế giới, chỗ nào cũng có tranh giành, thù hận, nơi nào cũng có giết hại, sát sinh nên thiên tai, dịch bệnh là việc hiển nhiên.
Chỗ nào có nhiều giết chóc, chỗ đó tai nạn đầy rẫy; chỗ nào ít thù hận, nơi đó được an lành. Tai ương, dịch bệnh, chiến tranh đều do con người tạo ra nhưng nếu đã biết quy tắc để chuyển nghiệp, làm việc thiện với tâm thành vì biết đó là việc phải làm cho quyền lợi chung thì không có gì phải lo.
Hiện nay còn có sự khác biệt rất lớn giữa những người tu tập so với ngày xưa. Vào thời tinh hoa của đạo Phật còn hưng thịnh, các tăng sĩ đều nắm vững lời dạy của Đức Phật. Ngày nay, trải qua bao thăng trầm, số người thật sự tu học ngày càng ít, một số chỉ dựa vào tôn giáo như nghề nghiệp mưu sinh, hòng bảo đảm cho đời sống an toàn thoải mái.
Một số lớn người tu hành không còn giữ đúng giới luật hay đặt trọng tâm tu hành là giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, mà chỉ lo kêu gọi mọi người tu phước, cúng dường, xây chùa lớn, tạc tượng lớn và những hình thức bề ngoài khác. Họ gán cho mình những chức tước, địa vị, đề cao bản ngã, dù công phu tu hành không được bao nhiêu. Đã thế nhiều người còn đề cao phương pháp tu hành của họ, tự coi là cao siêu hơn nơi khác, tuyên bố tông phái này tốt hơn tông phái kia và kéo theo một số người đi vào con đường phân biệt, tranh chấp.
Bởi vì, Phật giáo được chia làm ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Trong thời kỳ Chánh Pháp, mọi người đều tinh tấn tu tập thiền định (Thiền định kiên cố). Trong thời kỳ Tượng Pháp, đa số chỉ chú trọng xây chùa dựng tháp để lấy phước (Tự miếu kiên cố), những người thật sự tu tập ngày một ít đi. Trong thời kỳ Mạt Pháp, người tu học càng ít, mọi người chỉ tranh đấu chống đối lẫn nhau, không ai chịu nhường ai (Đấu tranh kiên cố). Các tu sĩ không còn giữ vững giới luật mà chỉ chú ý vào các nghi thức cúng bái, quyên góp, để xây dựng tên tuổi, địa vị cho mình.
Muôn kiếp nhân sinh 3 l Nguyên Phong.