Mục đích là để giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn ra thế giới, ý thức dược sự thay dổi mang tính toàn cầu, nhận thức dược nhiều cơ hội sẵn có và chủ dộng tự trui rèn phẩm chất cũng như kỹ năng để có thể đáp ứng được nhu cầu lao động ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Ngày nay nhiều thanh niên thường tự hỏi liệu họ có nên vào đại học? Với tư cách là một giáo sư, tôi bao giờ cũng khuyên thanh niên nên phấn đấu vào đại học để được giáo dục một cách bài bản. Tôi thường bảo họ rằng, những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg đều là trường hợp ngoại lệ và rất hiếm khi xảy ra; và rằng đừng để vài trường hợp “đột biến” trở thành kim chỉ nam, định hướng cho tương lai của bản thân mà cần phải nhìn vào thực tại.
Như các bạn đã biết, hiện nay người thất nghiệp ngày càng nhiều, cơ hội kiếm được việc làm tốt mà không có bằng đại học thực sự rất ít. Không chỉ thế, cơ hội khởi nghiệp kinh doanh mà không có nền tảng giáo dục tốt còn ít hơn nữa. Xin lưu ý rằng Steve Jobs, người sáng lập ra thương hiệu Apple, là một người không có tri thức về quản lý. Ông phải thuê người thay ông quản lý công ty. Chính vì không có tri thức về quản lý, Steve Jobs đã cho phép những người này kiểm soát mọi thứ. Ông tin họ nhưng họ đã lợi dụng lòng tin này, sa thải Steve Jobs và tổ kỹ thuật, chiếm hết tiền bạc, rồi bỏ mặc cho Apple phá sản.
Steve Jobs từng thừa nhận với sinh viên tại Đại học Stanford rằng: “Nếu tôi mà học quản lý, nếu tôi biết chút ít về tài chính thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi đã quá ngây thơ để rồi buộc phải học một bài học khắc nghiệt. Tôi đã nuốt phải viên thuốc đắng. Nhưng tôi hy vọng các bạn không cần phải nếm thử vị đắng này vì tất cả các bạn đều đã được giáo dục”.
Chính phủ Mỹ có dữ liệu thống kê về sự khác biệt trong cuộc sống của những người tốt nghiệp đại học và những người không có bằng đại học. Một nhân viên có bằng đại học thu nhập trung bình nhiều hơn một nhân viên không có bằng cấp tới 60%. Tỷ lệ việc làm cũng cao hơn rất nhiều. Những người có bằng cấp có cơ hội nhận được việc làm nhiều gấp đôi những người không có bằng cấp. Hơn nữa, những dữ liệu thống kê còn cho thấy những người có bằng cấp thường khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và nói chung là hạnh phúc hơn những người không có bằng cấp.
Tất nhiên, bằng đại học không đảm bảo cho thành công. Để thành công, bạn cần tri thức và kỹ năng, động cơ và quyết tâm, nhiệt tình và đam mê với công việc bạn đang làm. Nhiều sinh viên tin rằng chỉ cần có bằng cấp trong tay, họ có thể kiếm được việc làm và mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng thực tế không như vậy, bằng cấp chỉ là mảnh giấy, nó có thể giúp bạn kiếm được việc làm (nhiều việc làm yêu cầu bằng đại học) nhưng không đảm bảo cho thành công trong tương lai của bạn.
Nhiều sinh viên thường phàn nàn: “Thật không công bằng, tôi đã học tập rất vất vả để có được bằng cấp và bây giờ tôi không thể kiếm được việc làm. Học đại học thật uổng phí”. Trước khi trách cứ và đổ lỗi, bạn cần nhận thức được rằng cuộc sống không bao giờ công bằng với tất cả mọi người. Nhưng bạn cũng nên biết rằng Trời không phụ lòng người. Điều bạn cần làm là trang bị cho mình nhiều thứ hơn, đừng chỉ nhắm đến việc kiếm lấy một tấm bằng đại học.
Tất nhiên, bạn đến trường đại học để được giáo dục. Nhưng bạn không thể học mọi thứ từ các chương trình và giáo án được áp dụng trong trường đại học. Về căn bản, trường đại học là “thế giới thu nhỏ”, nơi bạn có thể thử nghiệm nhiều điều mà không cần phải lo lắng đến “những rủi ro và hậu quả khủng khiếp” mà thực tế có thể mang lại.
Khi bạn còn học trong trường đại học, bạn có thể sai lầm cũng có thể thất bại. Nhưng khi bạn đã bước chân vào “thế giới thật” bên ngoài cổng trường đại học, bạn sẽ phải đối mặt với những “điều tồi tệ” có thể khiến mọi cố gắng và nỗ lực một đời sụp đổ chỉ trong nháy mắt.
Bằng cấp cung cấp một mức độ tín nhiệm. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà bằng đại học là giấy thông hành trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta đang sống trong xã hội nơi giá trị của bằng cấp vẫn được tôn sùng và đánh giá cao. Mọi người sẽ nhìn vào bằng cấp của bạn và định giá, rằng bạn đã được giáo dục ở mức độ nào.
Vào đại học hay không là quyết định của bạn, tùy thuộc vào khả năng và mong đợi, tùy thuộc vào động cơ và quyết tâm của mỗi người. Nếu bạn không thể tự mình xác định rằng bản thân có gì, muốn trở thành người như thế nào và sẽ phát triển ra sao thì không có bất cứ sự giáo dục nào có thể giúp bạn thành công trong thế giới này.
>> Khởi hành kỳ 2: Tại sao nên vào đại học
Theo Khởi hành (Departure) - NXB Tổng hợp TP.HCM - First News |