Khởi hành kỳ 4: Có nên chọn ngành nghề mình thích

01/08/2018 07:30
Khởi hành kỳ 4: Có nên chọn ngành nghề mình thích

Lời khuyên thông thường mà nhiều người sẽ nói là: “Lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành  mà  bạn  thích.  Hãy  học thứ mà bạn muốn”. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung thêm một lời khuyên thực tế: “Và hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó”.

Thanh niên thường lựa chọn lĩnh vực học tập dựa trên nhiều yếu tố nhưng phần lớn KHÔNG chú ý tới tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào hiện đang có nhu cầu nhân lực cao, cũng không biết khu vực nào đang tăng trưởng với nhiều tiềm năng phát triển.

Thanh niên ít khi tính tới việc “liệu lương bổng nhận được trong ngành/nghề này có đủ để chu cấp cho cuộc sống tương lai” của họ hay không. Thậm chí có nhiều thanh niên còn cố gắng thuyết phục bạn bè chọn học cùng lĩnh vực mà họ chọn, trong khi không nhận ra rằng khi vào đại học mọi thứ sẽ thay đổi và phần lớn tình bạn ở trường trung học sẽ không còn như trước khi bước vào đại học. Bạn không nên để bạn bè ảnh hưởng tới quyết định riêng của bạn. Lựa chọn của bạn là tương lai của bạn, là cuộc sống của bạn, không phải của họ.

Có nên chọn ngành nghề mà phụ huynh mong muốn?

Ngày nay các bậc phụ huynh thường quá bận rộn. Họ không có thời gian để nghiên cứu thị trường việc làm, cũng không nhận thức đủ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con trẻ. Thật nguy hiểm khi các bậc phụ huynh dung túng và tạo cơ hội cho thanh niên đẩy hết mọi trách nhiệm liên quan đến việc chọn lựa tương lai cho bản thân lên vai bố mẹ. Khi họ thất bại, họ đổ lỗi và cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của họ.

Hiện tượng này khiến cho phần lớn sinh viên ra trường trở nên ỷ lại và bị động đến mức không có khả năng để tự lo liệu và xử lý vấn đề của bản thân. Có rất nhiều sinh viên thậm chí còn không biết cách chuẩn bị hồ sơ xin việc làm, cũng không có kỹ năng tối thiểu để thích ứng với công việc để rồi bị đào thải, trở thành phần tử thất nghiệp, không có ý chí, không có tương lai.

Một số thông tin về thị trường việc làm

Từ năm 2010 cho tới năm 2020, mức lương cao nhất và việc làm tốt nhất thuộc về các ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Trong khu vực khoa học có: y, dược và chăm sóc sức khỏe. Trong khu vực công nghệ có: công nghệ thông tin (khoa học máy tính, kỹ nghệ phần mềm và quản trị thông tin), công nghệ sinh học và công nghệ nano. Trong khu vực kỹ thuật có: kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Trong toán học có: kê khai, kế toán, thống kê và toán học ứng dụng.

Theo những báo cáo này,  các  lĩnh  vực  như  kinh  doanh, tài chính, bán hàng và tiếp thị (marketing) vẫn còn phát triển nhưng không tăng trưởng nhanh như vài năm trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Do cung “từ các trường đại học” quá nhiều so với “thực tế của thị trường” khiến mức độ cạnh tranh trong môi trường làm việc của các ngành này ngày càng dữ dội; đồng thời mức lương cũng sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới.

>> Khởi hành kỳ 5: Vào đại học, học đại được chăng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024