Khởi hành kỳ 6: Hai điều sinh viên cần lưu ý trong học tập

03/08/2018 09:36
Khởi hành kỳ 6: Hai điều sinh viên cần lưu ý trong học tập

Nhiều sinh viên bước vào đại học với thái độ và thói quen học tập khi còn là một học sinh trung học. Đó là sai lầm lớn. Kỹ năng học tập mà sinh viên học được ở trường trung học thực sự không đủ để đáp ứng các yêu cầu thực tế khi vào đại học.

NHỮNG SAI LẦM SINH VIÊN THƯỜNG MẮC PHẢI

Bởi vì chương trình đào tạo đại học đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn, nguồn tài liệu cũng đa dạng và phong phú hơn so với trung học. Nếu không chuẩn bị bài thật kỹ ở nhà, sinh viên sẽ không thể theo kịp chương trình giảng dạy trên lớp. Do đó, tôi cho rằng các sinh viên nên chú ý và cân nhắc việc điều phối lượng thời gian dùng để TỰ HỌC TẠI NHÀ với lượng thời gian tham gia các hoạt động khác. Nói cách khác, sinh viên cần phải ý thức và cống hiến nhiều thời gian “học tập trong trường đại học” hơn mới có đủ hành trang cần thiết để vào đời. Đừng bao giờ quên, bạn vào đại học là để được giáo dục và chuẩn bị cho tương lai, không phải để phí hoài và thất vọng.

Đại học là khoảng thời gian của nhiều sự thay đổi. Khi bạn vào đại học, bạn cần học cách tự lập và trưởng thành, học cách chịu trách nhiệm cho mọi hành động của bản thân. Một trong những chìa khóa thành công ở đại học là học cách quản lý thời gian, phân bổ thời gian để học tập, làm quen với bạn mới và mở rộng các mối quan hệ xã hội cần thiết cho tương lai, tham gia các hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội để có thêm kinh nghiệm. Để làm được điều đó, sinh viên phải học cách thu xếp, ưu tiên và xác định tầm quan trọng của từng hoạt động trong từng thời điểm. Tôi luôn khuyên các sinh viên của tôi đặt việc học lên đầu tất cả các danh sách ưu tiên. Tôi yêu cầu họ đọc tài liệu trước khi tới lớp để chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho thảo luận, đặt câu hỏi và cùng tìm kiếm câu trả lời thay vì ngồi nghe bài giảng một cách bị động theo phương pháp dạy và học truyền thống.

Một trong những sai lầm mà sinh viên thường mắc phải khi vào đại học là “bỏ lớp”. Do mới chuyển từ môi trường học tập “bị giáo viên kiểm soát” sang môi trường học tập tự do, sinh viên thường có xu hướng nghỉ học và bỏ tiết nhiều hơn so với lúc còn học trung học. Khoảng thời gian này thường được sinh viên tiêu phí vào nhiều hoạt động mang tính giải trí và tụ tập. Đây là sai lầm lớn vì các chương trình đào tạo đại học thường có xu hướng dồn nhiều nội dung khó vào một bài giảng, tốc độ chạy bài rất cao nên giảng viên thường cháy giáo án khi cố gắng đi chi tiết vào từng mảng kiến thức một.

Với nhịp điệu giảng dạy nhanh và khối lượng kiến thức nhiều như vậy, bỏ lớp chính là cách khiến bạn tụt lại. Nếu bạn tụt lại và không thể tiếp thu hết nội dung đào tạo, bạn sẽ không theo kịp lớp, đồng thời không thể hoàn thành các tín chỉ cần thiết để lấy được bằng. Đừng bao giờ nghĩ rằng giáo sư đại học sẽ theo sát và giúp đỡ bạn nhiều như giáo viên trung học. Không ai quan tâm tới việc bạn bị tụt lại. Bạn cũng đừng nghĩ đến chuyện “chơi cho hết năm nhất” rồi mới bắt đầu học đàng hoàng. Một khi bạn đã bỏ lớp, bạn sẽ tiếp tục trượt dài.

Một số sinh viên nghĩ rằng họ có thể ghi nhớ tài liệu ngay tại lớp và dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra. Điều đó có thể đúng khi bạn còn học phổ thông nhưng không đúng khi bạn vào đại học. Bạn không thể học nhồi nhét mọi thứ trong thời gian ngắn. Thứ nhất, khối lượng kiến thức và tài liệu trong chương trình đào tạo đại học không giống với bậc phổ thông, bạn không được “giới hạn” trong bộ sách giáo khoa nào cả; chúng đủ nhiều để nhấn chìm bạn. Thứ hai, sinh viên không nên nghĩ chỉ cần học thuộc lòng tài liệu là có thể đáp ứng yêu cầu. Học thuộc kiến thức thôi chưa đủ, bạn phải áp dụng kiến thức sẵn có trong đầu, kết hợp với khả năng tự luận để trả lời câu hỏi.

Vào trường đại học, trung thực là một đức tính vô cùng quan trọng. Là một sinh viên, bạn phải tránh gian lận và không để bản thân mình lâm vào tình huống “tổn hại danh dự”. Gian lận bao gồm cả cho, nhận hay sử dụng sự trợ giúp không trung thực trong bất cứ hoạt động nào ở trường đại học.

Sao chép công trình của bạn bè là điều sinh viên thường mắc phải. Về căn bản khi bạn gian lận để vượt qua sự đánh giá của nhà  trường,  bạn  đang gian  lận  với  chính mình.  Gian  lận khiến bạn tuột mất cơ hội học hỏi. Xin hãy xem xét việc này một cách nghiêm túc. Bạn tới trường để học. Nếu bạn không học và tìm cách để gian lận thì bạn cần tự hỏi bản thân mình: “Mình đang làm gì ở đây?”, “Tại sao mình lại phí hoài thời gian của bản thân và tài chính của gia đình như vậy?”…

Đại học là khoảng thời gian căng tràn nhiệt tình tuổi trẻ trong cuộc đời của mỗi người. Bạn sẽ gặp gỡ bạn bè mới, có thêm trải nghiệm mới, tham gia các hoạt động mới,… tất cả những điều đó đều đòi hỏi thời gian và sức lực. Bạn không thể trở thành một sinh viên tốt nếu bạn để bản thân bị kiệt sức bởi các hoạt động giao lưu và giải trí. Bạn mệt mỏi; điều đó có nghĩa là bạn không thể duy trì sự tỉnh táo trong lớp, đồng thời cũng có nghĩa là bạn không thu thập được gì cho tương lai của bạn.

Trở thành sinh viên đại học, bạn có tương lai rộng mở nhưng bạn chỉ có khoảng bốn năm để biến giấc mơ tương lai trở thành hiện thực. Bạn chỉ có bốn năm để chuẩn bị và xây dựng nghề nghiệp trong suốt quãng đời còn lại. Cho nên tôi hy vọng các bạn sẽ coi trọng khoảng thời gian này thay vì để mọi thứ trôi qua vô ích.

HAI ĐIỀU SINH VIÊN CẦN LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP

Điều đầu tiên sinh viên phải làm là tổ chức thời gian biểu và lịch học. Nắm được nội dung của các lớp bạn phải dự trong năm và lên kế hoạch cho thời gian biểu TỰ HỌC TẠI NHÀ tương ứng. Quy tắc đơn giản là: để chuẩn bị cho 1 giờ trên lớp bạn phải dành ít nhất 2 giờ tự học tại nhà và ít nhất 1 giờ học nhóm cùng bạn bè trong lớp. Nếu bạn học hành nghiêm chỉnh thì bạn sẽ thấy rằng bạn không còn mấy thời gian dành cho những hoạt động khác; nhưng đồng thời bạn sẽ nhận ra bạn học được nhiều thế nào.

Sinh viên nên lựa chọn cẩn thận và tự tạo ra nhóm học tập của mình. Một nhóm học tập nhỏ từ 3 tới 5 người (không tổ chức nhóm nhiều hơn 7 người) cần đọc qua tài liệu (không gộp chung khoảng thời gian tự học một mình) ít nhất 2 giờ TRƯỚC KHI gặp nhau tại nhóm học tập. Các sinh viên trong một nhóm có thể chia sẻ kế hoạch học tập với nhau và nhắc nhở nhau tuân thủ nguyên tắc của nhóm.

Mục đích sinh viên học theo nhóm là để ôn lại tài liệu và tự đặt ra câu hỏi trong trường hợp còn vấn đề bản thân chưa hiểu dù đã tham gia đầy đủ các bài giảng trên lớp. Nếu cả nhóm đều không hiểu rõ, sinh viên có thể hỏi giáo sư và đề nghị giáo sư giải thích trên lớp. Đó là lý do sinh viên cần hình thành và duy trì nhóm học tập.

Điều thứ hai sinh viên phải làm là tuân thủ chương trình môn học một cách cẩn thận. Chương trình môn học thể hiện sự mong đợi của giảng viên và nhà trường bao gồm: chính sách chuyên cần, chính sách cho điểm, danh sách tài liệu tham khảo, cách thức phân công và hình thức của các bài kiểm tra xuyên suốt các tiết học. Nếu bạn chủ động lên kế hoạch học tập tương ứng từ sớm và tuân thủ kế hoạch này, bạn sẽ không bao giờ phải học nhồi nhét trước mỗi kỳ thi. Hãy tạo ra thói quen đến lớp sớm và chuẩn bị các câu hỏi về những điều bạn không hiểu. Điều đó sẽ lôi kéo sự chú ý của giảng viên, giúp giảng viên quan tâm đến bạn hơn và hỗ trợ bạn khi cần. Tạo ra thói quen ngồi ngay tại hàng ghế đầu của lớp để dễ nhìn thấy bảng hay máy chiếu.

>> Khởi hành kỳ 7: Một số điều sinh viên nên biết


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025