Khởi hành kỳ 7: Một số điều sinh viên nên biết

07/08/2018 09:28
Khởi hành kỳ 7: Một số điều sinh viên nên biết

Văn hóa châu Á đánh giá cao những người được giáo dục bài bản. Đó chính là lý do khiến các bậc phụ huynh châu Á luôn muốn cho con cái họ tới trường để đảm bảo rằng chúng được giáo dục trở thành công dân tốt và có khả năng đóng góp cho xã hội.

MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NÊN BIẾT VỀ THỊ TRƯỜNG TUYỂN DỤNG

Trong nhiều năm, bằng cấp là biểu tượng của người được giáo dục và có tri thức; nhưng ngày nay có nhiều trường cấp bằng mà không thực sự cung cấp chương trình đào tạo nghiêm chỉnh, đồng thời cũng có nhiều sinh viên theo đuổi bằng cấp nhưng chỉ tập trung thi cho qua môn chứ không học được gì trong suốt quá trình học tập. Đó là lý do tại sao hiện nay nhiều người có bằng cấp nhưng lại không có tri thức cơ sở, không có kỹ năng và tất nhiên là không có việc làm. Vì nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động của công nghệ, bằng cấp không còn đảm bảo cho khả năng làm việc cụ thể. Phần lớn các công ty đều có cách kiểm tra riêng để tuyển lựa những người có kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Chúng tôi không quan tâm bằng cấp. Chúng tôi chỉ cần nhân viên làm tốt công việc.

Vấn đề là nhiều sinh viên KHÔNG biết điều này. Thay vì tập trung học cách vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng, sinh viên chỉ chăm chăm vào việc làm thế nào để có được bằng cấp. Điều đó làm phát sinh nhiều vấn nạn, chẳng hạn như mua điểm, mua bằng giả, thuê người thi hộ… Đồng thời cũng là lý do tại sao nhiều bậc phụ huynh cảm thấy thất vọng khi “con cái có bằng cấp” nhưng không thể kiếm được việc làm; còn sinh viên sau khi tốt nghiệp thường cảm thấy thất vọng khi bằng cấp không giúp họ kiếm được việc làm họ muốn.

Ngày nay, hầu hết các công ty đều KHÔNG muốn đào tạo lại nhân viên vì thanh niên thường có xu hướng “nhảy việc” trong trường hợp cảm thấy không hài lòng ngay sau khi công ty đào tạo lại. Trong thế giới cạnh tranh này, người tốt nghiệp đại học phải chứng minh rằng họ có đủ kỹ năng để đáp ứng công việc, đồng thời còn cần tới khả năng tiếp tục tự học và cập nhật kiến thức mới để giữ việc làm của họ. Nhưng phần lớn những kỹ năng này không được dạy trong chương trình đào tạo tại trường đại học. Trong khi “thế giới bên ngoài” liên tục thay đổi với tốc độ chóng mặt dưới sự tác động của công nghệ thì “thế giới bên trong” cánh cổng trường đại học lại chuyển mình chậm chạp.

Vậy sinh viên phải làm sao mới có thể biết được rằng những kỹ năng nào đang được cần và những công việc nào đang tuyển dụng? Những thông tin này có sẵn trên Internet. Nhưng sinh viên thường không nhận thức được công việc có sẵn xung quanh họ. Đó chính là lý do sinh viên bị động trong  việc  tìm  kiếm thông tin. Họ không biết phải làm sao để có được thông tin cần thiết, càng không có khả năng phân biệt đâu là nguồn thông tin chất lượng và đâu là nguồn thông tin lừa đảo, thất thiệt.

Phần đông sinh viên cầm hồ sơ đi xin việc không biết công ty mà họ xin vào hoạt động trong lĩnh vực nào, thậm chí có cả những sinh viên không biết tên đầy đủ của công ty là gì; họ càng không biết các công ty cần thuê người có những kỹ năng nào, bằng cấp ra sao và thường bị lẫn lộn giữa các loại hình công ty. Điều đáng lo ngại là hiện nay sinh viên quá thụ động. Họ không nỗ lực tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng; không biết cách tạo hồ sơ xin việc sao cho phù hợp với từng công ty trong từng lĩnh vực cụ thể (đa số chỉ nghĩ rất đơn giản là ra nhà sách mua một bộ hồ sơ rồi khai đúng theo mẫu).

Nhiều sinh viên phó mặc và chờ đợi. Họ mong nhà tuyển dụng chấp nhận mình nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm hiểu xem nhà tuyển dụng cần gì để có thể chuẩn bị những điều này ngay trong khoảng thời gian được đào tạo trong trường đại học.

Ngày nay, phần lớn các công ty thường tập trung  tuyển dụng những người có kỹ năng giải quyết vấn đề. Họ dùng các kỹ thuật phỏng vấn theo kịch bản để kiểm tra khả năng của người xin việc. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không có kinh nghiệm với những kỹ thuật kiểm tra này nên không biết cách chuẩn bị câu trả lời sao cho phù hợp.

Sau đây là một vài ví dụ:

Đối với vị trí quản lý dự án, công ty có thể hỏi: “Với tư cách là người quản lý dự án, bạn được cấp một khoản ngân sách. Bạn sẽ làm gì để đánh giá mức ngân sách này? Bạn sẽ làm gì nếu ngân sách ít hơn nhiều so với những gì mà dự án cần? Bạn sẽ làm gì nếu các yêu cầu thay đổi nhưng ngân sách không đổi?”.

Với công việc marketing, công ty có thể hỏi: “Bạn được tuyển vào bộ phận marketing cho một công  ty  lớn.  Công  ty phát triển một sản phẩm mới và muốn quảng cáo sản phẩm này thông qua các phương tiện xã hội thay vì trên báo chí. Nếu việc này được giao cho bạn thì bạn sẽ sử dụng những công cụ nào? Những công cụ này sẽ tiếp cận những nhóm khách hàng nào? Và bạn sẽ làm gì để thông tin về sản phẩm được truyền đi khắp nơi trên Internet?”.

Hiện nay, sinh viên đại học thường không được tuyển dụng vì hai lý do: Một, họ không có đủ tri thức và kỹ năng. Hai, họ không biết họ muốn gì trong lĩnh vực mà họ theo học. Về căn bản, phần lớn sinh viên chỉ nghĩ họ muốn có việc làm và cho rằng họ xứng đáng có việc làm tốt bởi vì họ có bằng cấp (đa số sinh viên thậm chí còn không giải thích được “tốt” ở đây có nghĩa là gì, họ thường nói chung chung kiểu “việc làm có lương cao”). Khi được hỏi “Kế hoạch phát triển nghề nghiệp của bạn trong vòng 3 năm tới là gì?”, phần lớn sinh viên không thể đưa ra câu trả lời thích hợp.

Đáng buồn là nhiều người tốt nghiệp đại học không được hướng dẫn cũng không được giáo dục cách lập kế hoạch nghề nghiệp, đồng thời không ý thức được việc mình cần phải bổ sung những mảng kiến thức và kỹ năng nào để đáp ứng cho nghề nghiệp sau này. Họ có thể dành nhiều thời gian để học nhưng hiếm khi học thêm bất kỳ cái gì khác bên ngoài giáo trình nhà trường cung cấp. Họ không đọc thêm cũng không theo dõi xu hướng thị trường cho dù những thông tin này không hề khó kiếm.

Người thành công hiểu nhu cầu của thị trường lao động. Họ biết cách lập kế hoạch nghề nghiệp, họ được chuẩn bị để giải quyết vấn đề và sẵn sàng đóng góp cho công ty. Bên cạnh đó, những người thành công thường là những người có thái độ đúng đắn trong việc tự học và học suốt đời. Họ liên tục cập nhật tri thức để chuẩn bị cho mọi biến động có thể xảy đến trong tương lai. Họ cảm nhận được quá trình toàn cầu hóa. Họ nhìn vào bức tranh lớn, nhìn vào thị trường thế giới thay vì giới hạn bản thân trong thị trường lao động tại địa phương. Họ học ít nhất một ngoại ngữ vì họ biết rằng đây chính là vũ khí quan trọng giúp họ phát triển nghề nghiệp và giúp họ tiếp nhận những thử thách mới trong công việc.

Trong thị trường việc làm hiện tại, tri thức chuyên môn vẫn rất quan trọng nhưng các kỹ năng mềm khác như: trao đổi, làm việc nhóm, lãnh đạo và tri thức tổng quan về doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Để thành công, sinh viên còn cần tự rèn luyện đạo đức và phẩm chất cá nhân, siêng năng và có tinh thần trách nhiệm. Nếu hệ thống giáo dục không dạy điều đó cho bạn thì bạn phải tự mình đầu tư cho bản thân. Tôi chỉ muốn nhắc lại một điều: Tương lai của thanh niên chính là tương lai của đất nước.

>> Khởi hành Kỳ 8: Vào đại học phải học có mục đích


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025