Con người khi sinh ra đã phải đối diện với nhiều nỗi sợ: sợ đau, sợ mất mát, sợ không đạt được, sợ hủy diệt, sợ điều không chắc chắn... nhưng nỗi sợ lớn nhất, khó nhận dạng nhất chính là nỗi sợ cô đơn.
Khi chúng ta nghĩ mình ổn nhất, tươi cười cùng mạng xã hội, cùng chiếc điện thoại, cùng các trò game... hóa ra lại là lúc chứng sợ cô đơn đang ở gần ta nhất.
“Trong tâm ta vốn có sẵn nỗi sợ này, sợ cô đơn khiến chúng ta có xu hướng tìm đối tượng bên ngoài để khỏa lấp cảm giác cô đơn trong tâm thức. Nếu bạn không thể ngồi yên một mình mà không dán mắt vào điện thoại, tay không ngừng lướt web, miệng không ngừng trò chuyện, nghe nhạc, xem phim, không thể ngưng những hoạt động dù trong chốc lát để thư giãn và làm mới chính mình (ngoại trừ lúc ngủ) thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng sợ hãi cô đơn...”
Chúng ta vẫn gọi trần gian là cõi tạm. Cõi tạm là nơi mỗi con người phải trải qua tất cả buồn vui đau khổ. Nơi thử cách cam go với những bài học đắt giá nhất. Ở cõi tạm, ta sẽ học cách nhận dạng hạnh phúc. Rằng ngày nào chúng ta còn bám víu tìm cảm giác hoan hỉ đâu đó, nghĩa là bên trong của chúng ta vẫn còn bất ổn. Sự bất ổn đó đang được che đậy bởi niềm vui bên ngoài. Đến một lúc, mọi thứ sẽ vỡ òa như ngọn thác phá vỡ núi đá lao xuống vực. Con chó đen trầm cảm sở hữu tâm trí ta. Chúng ta kiệt quệ, đau khổ và chẳng còn thiết tha một thứ gì khác trên đời.
Gần 2.600 năm trước, đức Phật đã nhận ra vấn đề. Vì thế, người mang bài học chánh niệm truyền đến các môn đệ. Chánh niệm là ghi nhận cảm xúc bên trong không phán xét. Một niềm vui qua, chúng ta biết đó là vui, một cơn giận qua chúng ta biết đó là giận... Chúng ta biết nhận diện nỗi sợ cô đơn và tìm cách chuyển hóa.
Thật ra, nỗi sợ cũng rất đáng thương. Chúng chỉ là cảm xúc tồn tại nhất thời bên trong mỗi con người. Tuy nhiên, trái với niềm vui, con người thường muốn xua đuổi nỗi sợ, vì nó cho ta cảm giác không thoải mái. Ngày nào chúng ta biết chánh niệm, biết xây dựng tâm tĩnh lặng, ngày đó nỗi sợ sẽ chỉ còn là cảm xúc. Mà cảm xúc đến đi là lẽ thường.
Bộ sách gồm 3 quyển: “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu” và “Tịch tịnh” của Đại đức Thích Đồng Tâm ghi nhận lại những gì khiến con người rơi vào đau khổ. Thông qua những bài viết ngắn, tác giả hướng chúng ta đến chân trời an trời an lạc. Rằng an lạc tưởng xa hóa ra rất gần. An lạc nằm trong tâm mỗi người, chẳng qua chúng ta chưa nhận ra đấy thôi.