Bộ sách 'Đủ duyên ta lại tương phùng' - Hạnh phúc, chỉ cần quay về ta sẽ thấy

Thu An21/04/2024 09:00
Bộ sách 'Đủ duyên ta lại tương phùng' - Hạnh phúc, chỉ cần quay về ta sẽ thấy

Nếu bạn đang trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc; muốn thoát khỏi khổ đau, bế tắc; muốn sống một cuộc đời bình an, đầy trí tuệ, hãy đọc bộ ba cuốn sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu”, “Tịch tịnh” của Đại đức Thích Đồng Tâm.

Gặp nhau là duyên

“Sát-na này là thiên thu” của Đại đức Thích Đồng Tâm được viết và hoàn thành trong thời gian Đại đức du học Phật pháp tại đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan). Sách gồm 25 bài viết ngắn chứa đựng những cảm nhận, trải nghiệm quí báu của Đại đức trong quá trình tu học về con người, về cuộc sống, được soi rọi dưới góc nhìn của Phật pháp.

Đưa những triết lý Phật giáo vào những trang viết tưởng tản mạn nhưng vô cùng cô đọng, súc tích, câu chữ trong “Sát -na này là thiên thu” cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, ngập tràn cảm xúc mà khơi gợi những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Nói về giá trị của phút giây hiện tại, Tác giả dẫn Kinh Bhaddekaratta (Kinh Trung bộ) về thời khắc hiện tại, và diễn đạt lại bằng những câu chữ thật dung dị nhưng thật thấm: Mỗi thời khắc trôi qua là chúng ta đã bước sang một hiện tại mới… Dù có gặp lại nhau người ta cũng không thể gặp nhau với những cảm xúc như những giây phút ban đầu. Sự thay đổi liên tục mà nhà Phật gọi là “vô thường”, là một việc ta phải học mỗi ngày.

Vì vô thường nên điều gì cũng có thể xảy ra, bất kể ta thích hay không thích… Khi ai đó bước ngang cuộc đời ta, dù chỉ trong giây phút hay đi cùng ta trong nhiều năm tháng thì nên biết rằng họ đến với một sứ mệnh đặc biệt nào đó… Họ có thể mang đến hạnh phúc hay khổ đau, bình yên hay sóng gió… Tất cả đều để chỉ cho ta cuộc sống vô thường đến thế nào, và thời khắc hội ngộ hiện tại là thời khắc duy nhất và vô cùng quí giá.

Vậy nên, tác giả chia sẻ “gặp nhau là duyên, sống cho hết mình với nhau bây giờ, ngay đây, trong hiện tại! Đời mình, phút giây này sẽ còn bao nhiêu lần gặp lại? Chỉ có một lần này thôi. Thương thì đừng nên phí phạm!”. Nhận ra lẽ vô thường ở một góc cạnh thật tích cực, tác giả viết: “Vô thường rất đẹp, cũng rất từ bi. Thế nên đừng trách vô thường, người thương nhé!”.

Cũng với những trang viết đầy thấu cảm như vậy, tác giả lần lượt chia sẻ với người đọc “Học cách buông bỏ từ đôi tay mình”, “Những kỹ năng sinh tồn giúp sống sót qua đau khổ”, “ Tám hiểu biết để yêu thương không đau khổ”, “Yêu thương bây giờ”…

Hiểu được vô thường, học cách buông bỏ, biết kỹ năng sinh tồn qua đau khổ, thật sự trân quí hiện tại và biết ơn cuộc sống, bạn sẽ thấy thế giới này thật nhiệm màu.

Thế gian này điều gì là khó làm nhất?

“Đủ duyên ta lại tương phùng” cũng là quyển sách chứa đựng những bài viết đầy triết lý và thấu cảm nhân sinh. “Đủ duyên ta lại tương phùng” bắt đầu với mẩu viết ngắn “Buông”. “Buông” bắt đầu với câu hỏi “Thế gian này điều gì là khó làm nhất?”. Câu trả lời, cũng là một câu hỏi: “Phải chăng là níu giữ thứ mà ta vẫn hằng say đắm, yêu thích không rời?”. Và vì chạy theo níu giữ, nên con người trầm luân trong khổ đau, bất hạnh.

Trong triết lý Phật giáo, sát-na (Ksana) là một đơn vị phân chia thời gian vô cùng nhỏ. Mà mọi thứ thay đổi, biến chuyển liên tục, không ngừng. Một sat-na (bằng 0,013 giây) trôi qua đã có muôn vàn sự đổi thay sinh diệt. Nhưng con người nhiều lúc vẫn không ngộ ra được điều đó để trân trọng phút giây hiện tại mình đang sống.

Những câu chữ trong sách như quán chiếu cho ta: chỉ có “buông” mới cứu nổi mình. Nhưng đọc đến điều này mới thấm: “Và ta chưa thực sự thương mình. Hóa ra ta mới là một chúng sanh đầy khổ nạn cần cứu vớt hơn bao giờ hết. Mình chưa cứu nổi mình, mình cứu nổi cho ai?”.

Cũng với triết lý vô thường, đại đức Thích Đồng Tâm đặt câu hỏi “Thương một người lâu bao nhiêu?”. Và đây là điều để người đọc suy ngẫm “Theo lý thuyết về vô thường thì cái gì một khi đã sinh thì sẽ đi đến hoại - diệt, gặp nhau một lần là đang tiến tới gần hơn ngày cách biệt, chia lìa”. Theo tác giả, “Thương yêu xét cho cùng cũng chỉ là một tập hợp nhiều ý niệm có cùng khuôn dạng, bản chất tương tự tiếp nối nhau liên tục không ngừng. Vì những ý niệm thương yêu cứ liên tục nối nhau nên người ta ngộ nhận mình có thể thương một ai dài lâu, vô cùng tận”.

Cuối cùng điều rút ra là “Đừng tự huyễn hoặc mình về một tình thương thiên trường địa cửu. Chẳng ai có thể mãi mãi dành tình thương của mình cho một ai đó và cũng đừng mơ có một ai có thể trao gởi tình thương mãi mãi cho mình. Thương một người dài bằng ý niệm… Thương yêu ai cũng được, thương được bao nhiêu thì thương, nhưng chớ có mong mỏi, đợi chờ”. Đọc đến đây, có thể nhiều người sẽ cảm thấy một chút buồn, nhưng là một nỗi buồn thật dễ chịu khi đã thấu hiểu lẽ đời. Bên cạnh đó là một cảm nhận bình an vô cùng trong tâm tưởng.

Không chỉ có vậy, càng đọc, ta càng thấy một năng lượng tích cực đang lan tỏa; một triết lý đạo- đời đang hoà hợp. Như những câu chữ này: “Thương thôi thì chưa đủ, tình thương cần phải đi đôi với hành động thiết thực, để nó bảo hộ và nâng đỡ cho tình thương của mình”. Hay “Ngoài kia mưa gió nhiều, mệt mỏi lắm phải không? Về đây đi, có trà, có hoa vẫn cùng em bầu bạn!”

Với 27 mẫu viết súc tích, nhẹ nhàng như những lời tâm sự, tác giả lần lượt dẫn dắt người đọc đến với những cảm nhận, hồi tưởng, những triết lý, đúc kết dung dị mà sâu sắc.

Chấp niệm vào cái gì khi đã buông tay?

“Tịch tịnh” lại là tập hợp những mẩu viết thật súc tích nhưng chứa đựng những triết lý sâu xa, thấm đẫm chất thiền. Nó mang đến cho người đọc những cảm xúc thật đẹp, thật bình an; những năng lượng thật tích cực… Ví dụ: “Tôi biết mình rất đẹp. Tôi đẹp vì trái tim tôi mang đầy thương tích! Những khổ đau mà tôi đã đi qua…chúng thật hiền và thật đẹp đẽ biết bao!”. Hay “Người thương! Mỗi bước chân của người đang đi đã ghi trọn vẹn hình hài của hiện hữu, mỗi nụ cười an nhiên tự tại của người đều chứa đựng cả tạng Pháp vô biên. Người đã là tình thương, là ánh sáng sẵn rồi, không cần cố gắng trở thành bất cứ một điều gì nữa…!”.

Từ “tịch tịnh” có nguồn gốc từ tiếng Pali, trong các thư tịch Phật giáo cổ, có nghĩa là sự an lành, tĩnh tại, vắng lặng và giải thoát khỏi sự trói buộc của vô minh, phiền não. Những bài viết ngắn, rất ngắn trong “Tịch tịnh” nói về cái thấy, cái biết về thực tại Pháp có mặt trong sự tương giao mầu nhiệm, đẹp đẽ giữa con người và cuộc đời. Mỗi bài viết trong cuốn sách đều bắt đầu bằng nhân xưng “người thương”. Theo tác giả “đây là từ mình dùng để gọi mọi người, mọi loài, mọi tương giao trong vũ trụ, và nhắc chính mình rằng giữa chúng ta chỉ có duy nhất tình thương và sự hiểu biết là thật sự giá trị “.

“Tịch tịnh” gồm 75 mẩu viết ngắn, với những cái tựa cũng rất ngắn, như: Chạm, Duyên, Nắm, Buông, Tịch, Vỡ, An, Vọng, Ảo, Ngộ, Đẹp… Với “Nắm”, tác giả viết: “Nắm chặt mớ cỏ xước đầy gai nhọn trong tay, có lúc vì đau quá cũng nghĩ tới buông bỏ nhưng lại không đành lòng. Càng nắm chặt tay càng bươm rách. Đến một lúc không còn giữ được, buông tay ra thì cũng chẳng còn gì. Trải nghiệm nỗi đau phải thật đau, đau đến mức chẳng còn trong giới hạn có thể chịu đựng thì nỗi đau mới có thể hóa thành trí tuệ”.

Trong “Buông”, tác giả như tâm tình: “Trong bình diện sát-na tâm sinh diệt, một tư tưởng hay một nỗi nhớ, một ký ức về ai đó chỉ kéo dài trong khoảng mười bảy sát-na. Tiến trình tâm ấy sinh khởi và đoạn diệt trong chớp nhoáng như vậy, nên nỗi nhớ hay ký ức về một người vô cùng ngắn ngủi. Chưa kịp chạm vào, nỗi nhớ đã vụt qua, tan biến… Đoạn ký ức về nhau, mỗi giây qua đi đã không còn nguyên vẹn, vậy thì chấp niệm vào cái gì khi đã buông tay?”

Thật thông tuệ và cũng thật thú vị.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024