Trong thời đại thay đổi như vũ bão ngày nay, khả năng đổi mới một cách linh hoạt, liên tục và hiệu quả có lẽ là lợi thế duy nhất giúp các tổ chức duy trì sự cạnh tranh. Những doanh nghiệp có khả năng không ngừng sáng tạo sẽ sống sót, còn những doanh nghiệp từ chối đổi mới hoặc không thể đổi mới sẽ bị bỏ lại phía sau.
Hiểu được điều đó, nhóm tác giả Linda A. Hill – Greg Brandeau – Emily Truelove – Kent Lineback đã dày công nghiên cứu và chỉ ra những ý niệm sai lầm về thuật lãnh đạo mà trước nay mọi người vẫn hiểu và áp dụng. Chẳng hạn, nhà lãnh đạo “giỏi” trong tất cả khía cạnh khác thì cũng sẽ thành công trong công tác đổi mới. Hay, nhắc đến đổi mới thì nhà lãnh đạo mới là người đóng vai trò then chốt thay vì tập thể.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc đa phần những nhà lãnh đạo truyền thống được dạy một khái niệm lãnh đạo xưa cũ, mà theo các tác giả đó là “một kiểu khái niệm bóp chết khả năng đổi mới”.
Những nhà lãnh đạo này cho rằng nhiệm vụ của mình là nghĩ ra những ý tưởng lớn và điều động nhân sự để thực thi chúng. Bằng cách nào đó, họ nghĩ rằng bản thân là người tạo ra sự đổi mới. Hay đôi lúc, sự đổi mới đến từ những ý tưởng mới mẻ và tuyệt vời được tuôn trào từ trí óc của một thiên tài đơn thương độc mã trong một khoảnh khắc xuất thần.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn đa chiều của các tác giả, đổi mới là một quá trình của thử và sai, một quá trình giải quyết vấn đề, nghĩa là phải tìm kiếm giải pháp bằng cách tạo ra và thử nghiệm hàng loạt ý tưởng. Và nhiệm vụ của người lèo lái “con thuyền đổi mới” là thiết lập những điều kiện cho phép và khuyến khích tất cả những điều đó xảy ra, hết lần này đến lần khác.
Qua quá trình nghiên cứu một loạt cá nhân và tổ chức, các tác giả đã khái quát vai trò của nhà lãnh đạo trong công cuộc đổi mới, chính là: “Thay vì cố gắng đặt ra một tầm nhìn và tự mình tạo ra sự đổi mới, nhà lãnh đạo đổi mới sẽ thiết lập một nơi chốn – một bối cảnh, một môi trường – mà ở đó mỗi mảnh ghép thiên tài của từng cá nhân có thể được kết hợp nhằm tạo nên một thiên tài tập thể nhờ vào việc hợp tác, học hỏi thông qua quá trình khám phá và ra quyết định tích hợp”.
Thông qua 424 trang sách, các tác giả dần hé lộ những góc khuất về quản trị sáng tạo, đồng thời dẫn dắt người đọc khám phá những câu chuyện đổi mới của nhiều tổ chức như Pixar, Google, eBay, IBM, Volkswagen, Pfizer... qua đó trả lời cho câu hỏi: “Tại sao sự đổi mới lại đòi hỏi một hình thức khác của lãnh đạo”.
“Thiên tài tập thể” không chỉ hữu ích cho việc trau dồi khả năng lãnh đạo mà còn giúp bạn đọc có thêm nền tảng kiến thức chuyên môn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuốn sách đã vẽ ra một bộ khung mà bất kỳ nhà lãnh đạo đương nhiệm nào cũng có thể áp dụng để “dọn sẵn sân khấu”, tạo sân chơi cho tổ chức của mình chủ động sáng tạo, cải tiến và bứt phá.
Giản lược về mặt tình tiết, sâu sắc về mặt nội dung, “Thiên tài tập thể” chính là sự thu gọn tới cực hạn về mặt chi tiết các câu chuyện phức tạp nhưng vẫn giữ được trọn vẹn thông điệp mà các tác giả muốn truyền tải đến bạn đọc. Một cuốn sách ngồn ngộn tư liệu về nghệ thuật lãnh đạo đổi mới, được diễn giải tường tận, chi tiết dưới ngòi bút giàu kinh nghiệm của nhóm tác giả.
Bắt đầu với cơ sở khẳng định “một nhà lãnh đạo giỏi không đồng nghĩa với một nhà lãnh đạo biết cách dẫn dắt sự đổi mới”, cuốn sách đi qua các bước khảo sát và phân tích kiểu lãnh đạo khác biệt có thể tạo ra sự đổi mới không ngừng.
Họ có thể là những nhà lãnh đạo sẵn lòng tạo ra môi trường khuyến khích sự sáng tạo từ những cấp bậc thấp nhất trong tổ chức, nhưng cũng không ngần ngại đưa ra những giới hạn và luật lệ cho nhân viên. Họ đề ra định hướng cho mọi người, nhưng không theo cách “vẽ sẵn lối đi” hay “áp đặt tư duy”, mà để tạo ra một nơi có thể sản sinh sự sáng tạo.
Như lời Vineet Nayar – cựu CEO HCL Technologies chia sẻ trong cuốn sách: “Nếu một nhà lãnh đạo luôn xem mình là người làm chủ và nắm mọi hành động, anh ta sẽ không bao giờ đạt được thành tựu nào... Nhà lãnh đạo đổi mới sẽ không tự tay làm bất kỳ điều gì. Họ chỉ tạo điều kiện cho mọi người theo đuổi những gì mà sâu thẳm trái tim họ tin là đúng. Đó chính là tương lai của nghệ thuật lãnh đạo”.
Có thể thấy, tuy viết về thuật lãnh đạo nhưng “Thiên tài tập thể” không bàn về các triết lý hay kỹ năng lãnh đạo đã được mổ xẻ trong nhiều đầu sách cùng chủ đề. Ngược lại, cuốn sách thách thức lối tư duy lãnh đạo thông thường, đào sâu vào một chủ đề ít được bàn luận hoặc hiểu thấu – tinh thần lãnh đạo và đổi mới, hay còn có thể hiểu là vai trò của lãnh đạo trong việc tạo dựng một tổ chức sáng tạo hơn.
Cuốn sách như quyển cẩm nang đặc sắc cung cấp các hướng dẫn cụ thể và chi tiết về quá trình đổi mới sáng tạo thông qua việc khắc hoạ chân dung các nhà lãnh đạo xuất sắc trong công cuộc dẫn dắt đổi mới, nuôi dưỡng những hạt mầm thiên tài sáng tạo trong tổ chức.
“Thiên tài tập thể” được Chủ tịch Ford Foundation - Darren Walker - đánh giá như một “cú đấm thức tỉnh” về chủ đề lãnh đạo đổi mới. Tác phẩm cung cấp những hiểu biết tuyệt vời, mang lại góc nhìn mới mẻ về chủ đề lãnh đạo và đổi mới, tổng hợp các kiến thức này thành một bộ công cụ giúp doanh nghiệp liên tục tái tạo và trường tồn.