Brad Stulberg là một chuyên gia về hiệu quả làm việc, hạnh phúc và thành công bền vững. Trong sự nghiệp tư vấn và đào tạo của mình, khi làm việc với nhiều doanh nhân, nghệ sĩ và vận động viên, Brad Stulberg dần nhận ra một vấn đề chung: Dường như những người chăm chỉ, bận rộn và có nhiều thành tựu lại thường xuyên cảm thấy bất an, cô đơn, kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.
Có phải xã hội đang chuộng một kiểu thành công sai cách? Trong cuốn sách “Nghệ thuật sống vững vàng”, Brad Stulberg chỉ ra những điểm sai lầm và kém bền vững trong cách số đông theo đuổi thành công; đồng thời, ông gợi ý một tầm nhìn dài hạn và lâu bền hơn, có thể giúp bạn đạt đến những thành tựu xuất sắc trong cuộc sống với một tâm trạng thoải mái hơn.
1, Thành công không phải là ngồi lì cả ngày trong phòng máy lạnh
Đã bao giờ bạn mải mê làm việc đến mức trễ giờ cơm, thiếu ngủ, ngồi lì cả ngày trong những khối nhà bê tông; và vì thế thiếu thời gian vận động và hoà mình vào thiên nhiên?
“Trước cuộc cách mạng công nghiệp, con người làm việc quần quật trên các nông trường. Trước đó nữa, chúng ta săn bắt và hái lượm cả ngày. Trước đây, giống loài của chúng ta chỉ có cơ hội ở yên một chỗ khoảng 0,1% thời gian cuộc đời mình”, Brad Stulberg viết. Ấy vậy mà ngày nay, lối sống ít vận động núp dưới danh nghĩa “tối ưu hóa tính hiệu quả” đã chiếm ưu thế và góp phần gây ra cho chúng ta các chứng bệnh mạn tính, bệnh tâm lý và tình trạng suy kiệt.
Tương tự, con người có niềm khao khát tự nhiên được hoà mình vào thiên nhiên. Nói như Brad, khao khát này “vốn đã nằm trong ADN của loài người”. Điều này lý giải vì sao chúng ta vô thức cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm khi được sống giữa thiên nhiên, chứ không phải trong thành phố hay các đô thị.
Nếu như công việc bận rộn của bạn đang ép bạn lùi xa những nếp sống tự nhiên vốn có của loài người; đã đến lúc xem lại lối sống đó. Thật vô lý nếu tôn sùng một ý niệm thành công tách xa ta khỏi những bản năng “rất người” của mình.
2, “Nếu cô đơn trên đỉnh thành công, hẳn bạn đã trèo lên đỉnh sai cách”
Theo Brad Stulberg, cũng tương tự như nhu cầu về vận động hay kết nối với thiên nhiên, gắn kết với cộng đồng chính là một bản năng và nhu cầu cơ bản của con người.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại thường liên tục thôi thúc chúng ta phải trở nên “năng suất”, “tối ưu hóa” và “hiệu quả”, và nỗ lực này thường chiếm hết thời gian và năng lượng mà đáng ra nên được dùng để tạo dựng những mối quan hệ bền chặt. Như theo kết quả của một nghiên cứu được dẫn ra trong sách, tỷ lệ người Mỹ cảm thấy cô đơn đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng ba thập niên trở lại đây, từ 11% vào những năm 1980 đến khoảng 40% vào năm 2010. Còn theo một cuộc thăm dò ý kiến năm 2018, 50% người Mỹ cho biết họ cảm thấy cô đơn.
“Nghịch lý là những mối gắn kết không chỉ giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, mà còn giúp chúng ta đạt được những thành tích cao hơn nữa”, Brad Stulberg viết trong “Nghệ thuật sống vững vàng”.
“Nếu thấy cô đơn trên đỉnh vinh quang, hẳn bạn đã trèo lên đỉnh sai cách”, tác giả cho hay. Trong cuốn sách, tác giả đưa ra nhiều phương thức để chúng ta thiết lập một cuộc sống với sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ hơn: Tìm kiếm và gia nhập một tập thể - những người có sở thích hoặc giá trị tương đồng với ta; xây dựng một “mạng lưới tri thức” có thể chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong các khía cạnh cá nhân lẫn công việc…
3, Thành công không nhất thiết phải đến nhanh
Một hiểu lầm khác về thành công mà Brad Stulberg chỉ ra trong cuốn sách: Chúng ta đang quá đề cao những thành công cấp tốc, các giải pháp nhanh gọn, các mẹo vặt và trào lưu…
Chúng ta cũng vì thế mà dễ nôn nóng muốn thành công của mình đến sớm, hối hả đến kiệt sức khi thấy thành tựu chưa xuất hiện hay bản thân dậm chân tại chỗ trong thời gian quá lâu. Phần đông dễ quên sự thật tất yếu rằng tất cả mọi thứ đều cần thời gian để nảy mầm và phát triển. “Sự tiến bộ thường diễn ra rất chậm, và điều đó hoàn toàn bình thường”, Brad Stulberg nói.
Trong cuốn sách, Brad nhấn mạnh về vai trò của lòng kiên nhẫn, chấp nhận những giai đoạn tĩnh, cũng như sẵn lòng để sự việc tiến triển theo nhịp độ tự nhiên. Brad dẫn ra triết lý vô vi của Lão Tử - nghĩa là “thực hành việc không làm gì”, ủng hộ những hành động được thực hiện một cách chậm rãi, ổn định và hài hòa.
4, Thành công không có nghĩa là vắng bóng thất bại và tổn thương
Cuối cùng, theo tác giả, thành công không phải là sống bất khả chiến bại, nói không với cảm giác yếu đuối hay tổn thương. Brad viết: “Những vị tổ tiên sống sót được của chúng ta không phải là những người mạnh khỏe nhất theo tiêu chuẩn truyền thống, mà là những người có khả năng chia sẻ với nhau một cách hiệu quả những điểm yếu của mình, đồng thời biết hợp tác để cùng nhau khắc phục những điểm yếu đó”.
Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo một cách hoàn hảo, ngay cả những người có vẻ thành công và vững như bàn thạch cũng thế. Đừng ép bản thân phải luôn luôn chiến thắng, mạnh mẽ; mà bỏ qua cơ hội được bộc lộ điểm yếu và khía cạnh dễ tổn thương của mình trong công việc lẫn các mối quan hệ cá nhân. Khi làm được điều này, bạn không những đỡ kiệt quệ và lo âu; mà còn xây dựng những mối quan hệ giàu ý nghĩa, sống trọn vẹn và chân thực hơn.
Brad Stulberg |
Trong “Nghệ thuật sống vững vàng”, Brad Stulberg đưa ra nhiều nguyên tắc giúp độc giả sống hài hoà với những giá trị nội tâm, tạo nền tảng vững vàng để chinh phục các mục tiêu cuộc sống.
Những nguyên tắc mà Brad Stulberg đề cập giống như những “bộ rễ” cần thiết cho thành công có thể vươn ra vững chắc. “Chúng ta phải dừng việc dành quá nhiều thời gian để lo lắng về tán lá trên cao hay những nhành cây đang vươn lên không ngừng của mình; thay vào đó, chúng ta cần tập trung nuôi dưỡng bộ rễ nằm sâu bên trong. Đó mới là thứ giữ cho chúng ta đứng vững trước mọi kiểu thời tiết. Đó mới chính là nền tảng thật sự”, Brad cho biết.