Thiên tài tập thể - Sung-joo Kim kỳ 1: Không bỏ rơi bất kỳ mảnh ghép thiên tài nào

Quang Thanh30/07/2023 09:00
Thiên tài tập thể - Sung-joo Kim kỳ 1: Không bỏ rơi bất kỳ mảnh ghép thiên tài nào

Nhờ sự cam kết trong việc bồi dưỡng và trao quyền cho những người yếu thế, Sung-joo Kim đã xây dựng được một đội ngũ sáng tạo toàn cầu đủ khả năng cạnh tranh với những gã khổng lồ trong ngành.

Thường thì những hành vi như giữ vai trò dẫn dắt cuộc họp, nghiêm khắc với mọi người, hoặc thể hiện hình ảnh biết tuốt và luôn là người thông minh nhất trong nhóm vẫn được coi là những dấu hiệu của tiềm năng lãnh đạo. Trớ trêu thay, những hành vi này đại diện cho những nét tính cách có thể kìm hãm khả năng và sự sẵn sàng của người khác trong việc tạo ra những sự đột phá mới mẻ và hữu ích.

Khách hàng “những du mục toàn cầu”

Sung-joo Kim, chủ tịch kiêm giám đốc tầm nhìn chiến lược của một tập đoàn xa xỉ phẩm toàn cầu đặt trụ sở tại Hàn Quốc, tin rằng thành công khác thường mà tổ chức của bà đạt được đều nhờ vào cách tiếp cận theo định hướng sứ mệnh của bà.

Cuối những năm 1990, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến Sungjoo Group, một thương hiệu bán lẻ thời trang cao cấp ở Hàn Quốc, dưới sự dẫn dắt của bà với vai trò chủ tịch kiêm giám đốc điều hành đứng trước bờ vực phá sản, Kim đã cố gắng đạt được các thỏa thuận nhượng quyền độc quyền với các nhà bán lẻ châu Âu. Đó là Marks & Spencer và các công ty xa xỉ như Gucci, Yves Saint Laurent, Sonia Rykiel và MCM Products AG, một thương hiệu lớn của Đức, được các siêu mẫu và những người sành điệu yêu thích.

Do sự quản lý yếu kém của đội ngũ Đức, MCM đã mất đi sức hấp dẫn ở mọi thị trường, ngoại trừ Hàn Quốc. Năm 2005, Kim đã thực hiện một nước đi chiến lược và táo bạo khi mua lại MCM và chuyển trụ sở chính của công ty này đến Seoul. Mục tiêu của bà là phát triển MCM trở lại thành một thương hiệu cao cấp toàn cầu. Kim hiểu rằng châu Á – cụ thể là Trung Quốc – là tương lai của tất cả các thương hiệu xa xỉ.

Như bà và các đồng nghiệp đã nhận thức được, khách hàng của các thương hiệu xa xỉ ở châu Á trẻ hơn so với khách hàng ở phương Tây. Họ thông thạo khía cạnh kỹ thuật và nhanh chóng trở thành thứ mà Kim gọi là “những người du mục toàn cầu”. Chiến lược toàn cầu của bà là tạo danh mục sản phẩm cho MCM với chủ đề chung nhưng được tùy chỉnh cho các thị trường địa phương.

Kim nhận ra trở ngại lớn nhất mà bà phải đối mặt. Văn hóa kinh doanh tại Hàn Quốc vốn mang đặc điểm: thống trị bởi nam giới, đậm tính gia trưởng và đút lót, hối lộ là chuyện thường. Các vị trí hàng đầu và các cơ hội thăng tiến nhanh đều thuộc về nhóm nam giới đặc quyền và phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi trong môi trường công ty. Kim nói: “Họ phải bưng trà rót nước cho ông chủ. Còn ở nhà, họ phải là những người vợ trầm lặng và luôn hành xử như thể họ không biết gì. Tôi tin rằng cách duy nhất để Hàn Quốc có thể gia cố sức cạnh tranh toàn cầu của mình là thức tỉnh phụ nữ và trang bị cho họ những năng lực đẳng cấp thế giới.”

Dễ dàng tiếp cận CEO việc chưa từng có tiền lệ

Ngay từ khi thành lập công ty, Kim đã xác định rõ ràng quan điểm xây dựng một nền văn hóa chào đón và hòa nhập. Bà tuyển dụng những phụ nữ Hàn Quốc giống mình, nhiều người trong số đó là mẹ đơn thân. Vào thời điểm Sungjoo Group mua lại MCM, 90% trong số 200 nhân viên của họ là phụ nữ và nhiều sản phẩm của họ được sản xuất tại 190 cơ sở thủ công tại nhà ở Hàn Quốc, những cơ sở này đều do phụ nữ điều hành, một điều không phải là tập quán tiêu chuẩn ở quốc gia của họ.

Kim đã thực hiện sứ mệnh trao quyền của mình khi tập hợp các đội ngũ để tái ra mắt MCM trên toàn cầu. Phụ nữ được bổ nhiệm vào mọi cấp bậc trong công ty, bao gồm cả vị trí quản lý của các văn phòng toàn cầu ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, châu Âu và Trung Quốc. Bà không hướng về những nhà thiết kế tên tuổi hay tự ái, thay vào đó chọn những nhà thiết kế trẻ, nhiều triển vọng, những người thể hiện thiện chí hợp tác.

Bà cũng đã đền đáp cho lòng trung thành của những nhân viên đã gắn bó với Sungjoo Group ngay từ đầu, ngay cả khi họ không nói được tiếng Anh hoặc không có kinh nghiệm bên ngoài Hàn Quốc. “Tôi đã cho nhóm của mình thấy rằng tôi đối xử công bằng với họ, nam hay nữ hoàn toàn không quan trọng. Tôi đề bạt họ. Tôi ủng hộ họ”, bà chia sẻ. Văn hóa thứ bậc của Hàn Quốc là một trở ngại khác, và Kim biết rằng bà cần lãnh đạo khác đi để đội ngũ của mình có thể cạnh tranh trên toàn cầu.

Kim còn cho cài đặt một mạng nội bộ vô cùng phong phú, mục đích là cung cấp cho mọi người trong công ty một phương tiện để thể hiện tiếng nói của mình. Đối với phần lớn nhân viên của Kim, mức độ cởi mở và khả năng tiếp cận với CEO như thế này là việc chưa từng có tiền lệ.

Khi chương trình ra mắt toàn cầu của MCM được tiến hành, việc đàm phán trong sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và quan điểm nghệ thuật đã tỏ ra là một thách thức. Tuy nhiên, Kim coi trải nghiệm làm việc với những kiểu người đa dạng như một lò thử thách để phát triển và bà nắm bắt mọi cơ hội để gắn kết đội ngũ của mình với nhau.

Đối với nhiều nhân viên, đây là lần đầu tiên họ xuất ngoại. Một nhà quản lý trẻ đã mô tả cô học hỏi được nhiều như thế nào từ những lần tương tác của cô với các nhóm nhà quản lý trẻ và dày dạn kinh nghiệm ở châu Âu và Hoa Kỳ, mặc dù công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thêm vào đó, bởi vì quy mô khiêm tốn, tốc độ tăng trưởng và dấu ấn toàn cầu của MCM, nên tất cả các nhà quản lý đều học cách làm nhiều hơn những gì mà công việc chính thức của họ đòi hỏi – đây là điều mà các công ty lớn với nguồn lực đáng kể thường không đòi hỏi.

Kỳ tới: Người phụ nữ quyền lực có ảnh hưởng nhất ở châu Á


Gửi bình luận
(0) Bình luận