Thiền là một khái niệm lâu đời trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Nó được xem như một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người, giúp họ tìm lại sự kết nối với bản thân và thế giới. Thế nhưng, khác với nhiều truyền thống thiền định có lịch sử lâu đời và hệ thống nghi lễ nghiêm ngặt, Krishnamurti - một trong những nhà triết học và nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ 20 - không đặt nặng việc thực hành thiền theo một kỹ thuật cụ thể hay tuân thủ một quy trình nghi thức nào. Thay vào đó, ông nhấn mạnh sự tự nhận thức, sự tự do khỏi các cấu trúc tâm lý, và sự khám phá cá nhân như những yếu tố chính trong việc đạt được trạng thái của thiền.
Ông nói: “Sẽ không có thiền nếu không có sự tự biết mình. Sẽ không có thiền nếu không có một nền tảng đúng đắn. Đặt ra được nền tảng đúng đắn cũng là thiền. Nền tảng đó phải thoát khỏi những khao khát, đố kỵ và tham lam, thoát khỏi thói quen tôn sùng thành công. Tức là, thiền chỉ bắt đầu với sự tự biết mình. Nếu không có sự tự biết mình thì sẽ không có thiền. Và những thứ mà bạn gọi là thiền ngoài kia thực chất là tự đánh lừa hoặc tự huyễn hoặc, chứ không có bất cứ một ý nghĩa nào cả. Những phương pháp và hệ thống mà người ta đặt ra để hướng dẫn cách thiền, tất cả đều cực kỳ nông cạn. Chúng ta đang nói về thiền khi được đặt trên nền tảng đúng đắn”.
Trong cuốn sách “Thiền là gì?”, Krishnamurti đã đưa ra lập luận rằng mọi kỹ thuật hay phương pháp đều có thể dẫn đến sự hình thành của thói quen tâm lý, và do đó, nó có thể trở thành một trở ngại trong việc khám phá bản chất thực sự của tâm trí. Vì lẽ đó, ông cho rằng thiền chỉ thực sự bắt đầu khi chúng ta nhận thức được và vượt qua những rào cản của tâm trí, thay vì cố gắng theo đuổi một mục tiêu cụ thể.
Xuyên suốt những trang sách của “Thiền là gì?”, Krishnamurti không mang đến cho chúng ta một phương pháp hay kỹ thuật hành thiền cụ thể nào. Thế nhưng, mỗi câu chữ đều như khai sáng và dẫn dắt chúng ta đi đến quá trình tự khám phá bản thân và vượt qua các ràng buộc tâm lý. Điều này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân mà còn giúp chúng ta sống một cuộc sống chân thực và tự do hơn.
Như ông đã nhận định: “Thiền là tìm hiểu về bản ngã. Nếu không có sự tìm hiểu này thì cái gọi là thiền, dù dễ chịu hay đau đớn, cũng chỉ đơn thuần là một dạng tự huyễn hoặc”.