Bất chấp sự khác biệt tôn giáo, vùng miền, chính trị.., những cộng đồng này có thể chung sống “hòa nhập mà không hòa tan”; có nền nếp gia phong nằm trong tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương; có sự hòa nhập, cải biên nhưng cũng không làm mất đi nét riêng và phong vị của quê nhà. Và đến hôm nay, cộng đồng Bắc 54 đã trở thành một phần máu thịt của vùng đất Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.
Từ nhỏ tôi ở Sài Gòn. Thuở đó, tôi được bà ngoại dắt vào chợ mua cho hộp bánh đậu xanh nặn hình trái cây bọc thạch rau câu. Đó là hương vị tôi nhớ cả đời. Thời gian trôi, thứ bánh ký ức ấy trôi theo khoảng không xa xôi. Dù sau này, nhiều cửa hàng có loại bánh đậu xanh ấy, nhưng hương vị không còn như xưa. Đơn giản vì hộp bánh ngày đó của tôi có vị của ký ức. Mà ký ức thì vô giá.
Tôi nghĩ, tác giả Cù Mai Công nặng lòng với Sài Gòn. Vì lẽ đó, Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó! tập 1 mới ra đời. Đó không chỉ là câu chuyện văn hóa, mà còn là chuyện người, chuyện đời. Những câu chuyện mà hẳn các bạn trẻ nghe thấy sao xa lạ quá. Những câu chuyện về một thời chưa quá đủ đầy các phát minh nhân loại mà chất chứa bao nhiêu ký ức bộn bề. Bạn có biết vì sao khu Ông Tạ có nhiều nghĩa địa không? Bạn có từng nghe “review” về hàng bún chả Ngọc Hà nức tiếng? Bạn có hiểu câu nói “Ăn Bắc mặc Kinh” của ông bà xưa? Tất cả sẽ được tác giả Cù Mai Công giải đáp cặn kẽ.
Hồi đó, tôi vẫn nghe người lớn trong nhà nhắc về khu Ông Tạ “trong truyền thuyết”. Dĩ nhiên với một đứa nhỏ 5 tuổi, tôi không thể rảo bước đi vào từng con hẻm, lê la từng hàng quán để có được cuốn phim ký ức sinh động như tác giả Cù Mai Công. Ký ức tôi có phần mơ hồ, thứ tôi nhớ duy nhất là cảm giác. Thứ cảm giác khơi gợi nhiều hoài niệm mỗi khi đọc được thêm câu chuyện về Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!. Cuốn sách như tập cẩm nang du lịch thời gian, ghi lại nếp sống của thị dân Bắc 54 sống ở khu Ông Tạ. Từ đó, nổi bật lên cái đẹp về tình người gần gũi, đơn giản mà sống động.
Thị dân như tác giả Cù Mai Công, như tôi... luôn nhớ về Sài Gòn thuở ấy. Mà đã trót nhớ, đọc Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó! tập 1 sẽ lại càng nhớ sâu sắc hơn. Nhớ từng con đường, tiệm thuốc, giáo xứ, lò heo... Nhớ hương vị hàng quán phở, giò chả... Nhớ cả chuyện anh Lại Văn Báu cất công từ Miền Tây tìm tới khu Ông Tạ chỉ để sửa chiếc đồng hồ cho đúng ý cụ nhà vì thợ nơi đây làm ăn uy tín... Càng đọc càng nhớ rất nhiều ngày đó!