Được cô tổ trưởng L. đề xuất, cả tổ Văn đồng loạt ủng hộ, đầu năm học 1971-1972, tôi miễn cưỡng đại diện tổ đi tham dự hội giảng cấp cụm trường. Với sự chuẩn bị công phu chu đáo cùng cách dạy, cách viết bảng đã định hình, tôi bất ngờ giành giải nhất.
Vậy là hơn một năm học đứng trên bục giảng đã trôi qua với bao bỡ ngỡ, mày mò trong bộn bề kỷ niệm khó quên, gian nan nhiều, thất bại cũng không ít. Song cái quý nhất là tôi ngày càng khẳng định được mình trong lòng học trò và đồng nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu. |
Những tiết dạy của tôi từng bước chiếm được sự hứng thú, yêu thích của các em. Nếu trước đây, khi đồng nghiệp nào đó có việc bận đột xuất, họ thường “lo sợ” đủ điều nên đâu dám nhờ tôi dạy thay, thì nay lại rất tha thiết.
Tôi luôn sẵn sàng với niềm vui được sẻ chia. Và hạnh phúc nhất mỗi lần đeo túi xách bắt đầu bước vào cửa những lớp được dạy thay ấy, bao giờ tôi cũng nhận được từ các em những tràng pháo tay đón chào giòn giã.
Kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ II, lớp Văn của tôi vươn lên tốp dẫn đầu trường trong khi học kỳ I luôn ở nhóm cuối khối.
Bước vào năm học mới 1972-1973, tôi được ban giám hiệu tin tưởng phân công dạy Văn 2 lớp và chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi cho khối Văn lớp 6 toàn trường. Kết quả kỳ thi cấp huyện, lớp Văn do tôi bồi dưỡng giành giải nhất.
Tiếng lành đồn xa, thầy Bính cán bộ phụ trách môn Ngữ văn của Phòng giáo dục huyện Hải Hậu liền về trường chúc mừng, động viên và trao tôi một công việc mới: Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn khối 6 cho cả huyện. Không chút giấu giếm, tôi thành thật nói với thầy những băn khoăn của mình:
- Thầy ơi! Em rất vinh dự được thầy tin tưởng trao cho trọng trách này. Song thầy hiểu cho. Em học tổng hợp, kiến thức sư phạm hầu như chẳng có gì. Hơn nữa vừa mới đứng trên bục giảng hơn một năm, kinh nghiệm còn non yếu. Mong thầy thông cảm! Hơn nữa, thầy biết rồi đấy, em về quê Hải Thanh này dạy để tiện việc đi lại. Giờ nếu về huyện phải xuống tận xã Hải Hùng (nơi mở các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của Phòng giáo dục) cách xa nhà tới 7, 8 cây số, em làm sao đi được ạ!
Thầy Bính cười rất tươi, vỗ vai tôi, giọng niềm nở thân tình:
- Việc đấy bọn tớ đã tính cả. Ký yên tâm. Ký vẫn cứ dạy bình thường ở xã mình thôi. Phòng Giáo dục sẽ đưa riêng lớp Văn 6 về Hải Thanh. Buổi sáng học chung lớp cậu dạy, buổi chiều bồi dưỡng thêm. Mỗi tháng cũng chỉ một tuần thôi. Sau đó lại trả các cháu về trường. Bọn mình tin cậu làm tốt mà!
Không còn lý do để chối từ tôi đành gượng cười phân bua:
- Thôi được, em sẽ cố gắng. Nhưng nếu kết quả đội tuyển không được như ý, thầy cũng đừng trách em nhé!
Thêm việc thêm trọng trách, thêm vất vả, lo âu, song cũng thêm niềm vui khôn tả. Vì là những học sinh giỏi tiêu biểu của các trường được chọn về nên cả 10 em đều rất ngoan. Các em nhanh chóng hòa nhập với lớp.
Sau mỗi tiết dạy, các em lại quấn quýt bên tôi như hình với bóng. Chiều chiều, sau buổi bồi dưỡng, tôi lại dẫn các em về nhà; thầy trò cùng quây quần bên rổ khoai lang luộc “cây nhà lá vườn” nghi ngút khói mà bà xã tôi vừa bê từ bếp lên. Tất cả cùng ăn cùng chuyện trò vui vẻ.
Để khơi nguồn, khích lệ năng khiếu văn chương cho cả lớp bồi dưỡng, tôi tìm cách đưa các em vào quỹ đạo đam mê việc đọc sách. Mỗi tuần, bao giờ kết thúc buổi học bồi dưỡng cuối cùng cũng là chương trình thi kể chuyện và thuyết trình về các cuốn sách mở rộng trong chương trình và những cuốn các em yêu thích.
Để giúp trò phát triển trí tưởng tượng, nâng cao ý thức chân - thiện - mỹ truyền thống và rèn kỹ năng viết lách, tôi hướng dẫn tỉ mỉ rồi ra đề cho các em tập viết chuyện cổ tích. Để nuôi hứng thú cho học trò trong việc này, cùng với việc giảng lý thuyết, tôi luôn cùng các em sáng tác.
Các em rất hào hứng đón nhận những câu chuyện cổ tích tôi viết mỗi tuần.