Kết thúc chuyến giao lưu ấn tượng ngoài mong đợi tại thành phố cảng, trên đường về La Khê, Hà Đông, chiếc xe chở chúng tôi ghé Hà Nội thăm thầy Hoàng Như Mai.
Thầy vui lắm khi vị cán bộ ty giáo dục hồ hởi chia sẻ:
- Thưa thầy! Chúng em không ngờ chuyến đi của anh Ký về Hải Phòng lại thành công đến vậy. Lâu nay, các em và cả các thầy cô giáo chỉ biết anh Ký đi học qua trang sách. Nay thì bằng xương bằng thịt, anh xuất hiện ngay tại sân trường khiến ai cũng trầm trồ háo hức.
Nhiều trường theo kế hoạch, anh chỉ đến giao lưu buổi sáng. Thấy xúc động, họ nài nỉ mời anh bằng được cả buổi chiều. Có trường ở huyện Vĩnh Bảo thấy anh vừa đến cổng, học sinh đã ùa ra vây kín, ríu ran hô lớn: “Nguyễn Ngọc Ký! Nguyễn Ngọc Ký!”.
Nhóm bảo vệ, giám thị và cả giáo viên vất vả lắm mới mở được lối đưa anh vào văn phòng. Trong lúc ban giám hiệu đang tiếp chuyện anh, mọi người bất ngờ thấy một khoảng sáng từ trên mái nhà cùng tiếng trẻ trầm trồ ríu ran. Hóa ra, một tốp học sinh hiếu kỳ đã manh động trèo lên mái nhà văn phòng dỡ ngói ra để sớm được nhìn thấy anh.
Mọi người cùng cười ồ vui vẻ. Vị cán bộ ty giáo dục chờ xong tràng cười, nhẹ nhàng mở cặp lấy ra một văn bản có lẽ tới gần bốn trang đánh máy, trịnh trọng đưa thầy Mai:
- Thưa thầy, còn đây là bản báo cáo tổng kết về toàn bộ chuyến đi vừa qua của anh Ký về với Hải Phòng. Xin gửi thầy như một lời tri ân sâu sắc của lãnh đạo ty giáo dục cũng như của thường vụ Thành Đoàn. Đúng là nhờ thầy chắp nối giúp đỡ quê hương đất cảng chúng em mới có được một đợt ngoại khóa giàu sức lan tỏa và ý nghĩa đến vậy. Cảm ơn thầy, cảm ơn anh Ký và anh Hòa nhiều lắm ạ!
- Hải Phòng chu đáo quá. - Thầy Mai cười xởi lởi - Thực ra trong chuyện này, anh Ký phải cảm ơn các anh nhiều. Nhờ các anh mà Ký có chuyến tập việc thật tuyệt vời đấy. Trước khi đến với bục giảng chính thức, đây là cơ hội Hải Phòng đã giúp Ký làm quen với sân trường, với học sinh và biết nhập vai người thầy thế nào cho tốt nhất trước hàng trăm, hàng nghìn con mắt tò mò háo hức của tuổi thơ. Chỉ ít ngày nữa thôi, Ký sẽ trở thành ông giáo chính thức. Kỷ niệm về chuyến giao lưu ở đất cảng chắc sẽ mãi là hành trang quý để Ký thêm tự tin, nhất là ở giai đoạn chập chững bước lên bục giảng nay mai.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: P.Q / Lao Động. |
- Dạ! Vậy Ký sắp có quyết định về quê dạy rồi hả thầy? - Hòa cắt lời thầy bằng một câu hỏi khấp khởi mừng vui.
Không để mọi người phải thắc thỏm lâu, thầy mở tủ lấy ra tờ quyết định vừa đưa Hòa cầm giúp tôi vừa tươi cười thông báo:
- Đây! Quyết định về Ty Giáo dục Nam Hà nhận việc của Ký đây. Văn phòng trường mới chuyển về cho thầy chiều hôm qua.
- Dạ, thưa thầy! Để có tờ quyết định này chắc là đã có sự can thiệp của bác Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) phải không ạ? - Hòa tự tin hỏi thầy.
- Thì thầy đã nói với hai cậu ngay trước ngày đi Hải Phòng rồi đấy. Khi anh Việt Phương báo cáo sự việc với bác Đồng, bác đã cho người về làm việc ngay với Tỉnh ủy Nam Hà và cả Bộ Giáo dục nữa. Nghe đâu Thứ trưởng Lê Liêm còn trực tiếp viết thư tay cho Trưởng ty Giáo dục Hoàng Trung Tích yêu cầu giúp đỡ Ký đấy. Thôi, mọi chuyện vậy là tốt đẹp rồi.
Thầy Mai dừng lời, ra nước mời tiếp mọi người. Thầy cũng nâng ly nhấp một ngụm. Tay vẫn cầm ly, thầy nhìn thẳng mắt tôi thong thả nói với giọng tâm tình vừa có ý dặn dò, vừa thể hiện nỗi băn khoăn lo lắng như nỗi lòng một người cha đầy trách nhiệm trước ngưỡng cửa vào đời của đứa con yêu:
- Thực ra lâu nay, thầy cũng như nhiều người luôn quan tâm muốn tìm cho Ký một chỗ làm thích hợp. Thầy đã nói với giáo sư Ngụy Như Kon Tum muốn giữ Ký ở lại khoa để phụ trách dạy một mảng văn học hiện đại. Giáo sư rất ủng hộ. Song, nay thì mọi chuyện đã ngã ngũ.
Được Thủ tướng quan tâm tạo điều kiện đưa Ký về dạy cấp 2 ngay tại quê hương mình, suy cho cùng, thế là thuận lợi, phù hợp nhất đấy. Vấn đề là Ký sẽ dạy như thế nào để có hiệu quả, để học trò yêu say, để khẳng định được bản thân khi điều kiện giảng dạy của mình hoàn toàn không giống ai. Khó lắm đây.
Thử thách lắm đấy. Song thầy tin với tính sáng tạo và kiên trì vốn có, Ký sẽ vượt qua tất cả và sẽ thành công như cậu đã thành công trên bục giảng đường những năm qua.