Niềm tin thông minh: Học cách tin người để được người tin mình

21/11/2020 08:30
Niềm tin thông minh: Học cách tin người để được người tin mình

Chúng ta thường nhìn thế giới qua hai loại kính khác nhau, được hình thành bởi nhiều yếu tố trong suốt cuộc đời mình. Covey và Link đặt tên cho nó là lăng kính tin tưởng mù quáng và lăng kính ngờ vực và đưa ra giải pháp thay thế thứ ba: lăng kính tin cậy thông minh.

Thật lạ khi nói về niềm tin trong thời đại mà sự tin tưởng là một thứ rất khó tìm và thậm chí còn khó hơn để trao đi. Các tin tức dồn dập trên mạng tô vẽ một thực tại mà ở đó sự dối trá, gian lận, giả dối, và thậm chí lừa đảo trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Trong một thế giới mà mọi người từ CEO đến các bà nội trợ đều được dạy phải cẩn trọng như vậy, liệu có còn tồn tại một chiến lược kinh doanh dựa trên lòng tin?

"Chắc chắc có", đó là khẳng định của hai chuyên gia về niềm tin Stephen Covey và Greg Link trong cuốn "Niềm tin thông minh". Và họ không chỉ chứng minh những lợi ích khổng lồ mà doanh nghiệp có thể tích lũy được khi áp dụng “Smart Trust”, mà còn cho thấy các công ty thành công trên toàn cầu hiện đang sống với triết lý đó như thế nào.

Chúng ta thường nhìn thế giới qua hai loại kính khác nhau, được hình thành bởi nhiều yếu tố trong suốt cuộc đời mình. Covey và Link đặt tên cho nó là lăng kính tin tưởng mù quáng và lăng kính ngờ vực và đưa ra giải pháp thay thế thứ ba: lăng kính tin cậy thông minh.

Nhìn đời qua lăng kính tin tưởng mù quáng tạo ra một thế giới quan ngây thơ, “nhẹ dạ cả tin” với hầu hết mọi người và ở mọi nơi. Loại kính này rất dễ đeo vì chúng không đòi hỏi nhiều nỗ lực hay suy nghĩ. Ai cũng muốn mọi việc diễn ra tốt đẹp, vì vậy họ bỏ qua các bằng chứng trái chiều. Thật không may, những chiếc kính này đã mở ra cánh cửa cho mọi cách thức lừa đảo và mưu mô.

Do đó, những tấm kính ngờ vực thường là lựa chọn của số đông sau khi bị vỡ mộng do đặt niềm tin “vô tội vạ”. Trong một thế giới đầy lừa lọc, sự hoài nghi dường như là một phản ứng tự nhiên. Họ có thể cảm thấy an toàn hơn, ít rủi ro hơn và có cảm giác kiểm soát nhiều hơn khi luôn đặt mình trong thế cảnh giác. Trong khi hầu hết mọi người nhận ra cái giá phải trả của việc tin tưởng quá nhiều, họ lại không dừng lại để xem xét mình sẽ mất gì khi không còn tin một ai. Các tác giả gọi đây là “thuế lãng phí”, có thể dẫn đến các kết quả không mong muốn, như sự hoài nghi không cần thiết.

Cuốn sách lấy ví dụ về một doanh nghiệp bán kính chống nắng. Do nghi ngờ hành vi trộm cắp của khách hàng hoặc nhân viên (hoặc cả hai), ông đã thiết lập một hệ thống dây buộc trên mỗi khung để người ta không thể kéo kính ra khỏi kệ. Tỉ lệ thất thoát giảm nhanh chóng từ 2% xuống 0,2%. Nhưng thật không may, vì khách hàng không thể thử kính, doanh số bán hàng giảm tới 50%. Sự thiếu tin tưởng không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và tình cảm nhân viên trong và ngoài công ty.

Vì vậy, tin tưởng mù quáng hay không tin tưởng đều là các giải pháp không bền vững trong dài hạn. May mắn thay, có một giải pháp thay thế thứ ba: sự tin tưởng thông minh (Smart Trust). Đó là một năng lực và một quá trình cho phép mọi người hoạt động với độ tin cậy cao trong một thế giới có độ tin cậy thấp. Netflix, eBay và L.L. Bean là những ví dụ về các công ty sử dụng triết lý mới này trong các hoạt động hàng ngày của họ. L.L. Bean có chính sách hoàn trả cực kỳ hào phóng, đặt niềm tin vào khách hàng, trong khi cả eBay và Netflix đều lấy lòng tin của người dùng làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh.

Niềm tin thông minh giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa tiềm năng bằng cách tối ưu hóa hai yếu tố quan trọng: xu hướng tin cậy và năng lực phân tích tình huống. Xu hướng đặt lòng tin ngay từ đầu gần như luôn cung cấp điểm khởi đầu tốt nhất cho sự tin tưởng thông minh. Phân tích tình huống được tạm dừng lại cho đến khi có những tín hiệu xấu được phát ra.

Tất nhiên, "chọn mặt gửi vàng" không có nghĩa là người kia sẽ mãi có được sự tin cậy. Đây là lúc người ta cần vận dụng năng lực phán xét của lý trí. Ba biến số quan trọng trong phân tích niềm tin thông minh là cơ hội, rủi ro và uy tín. Ví dụ, Warren Buffet và Jon Huntsman là những người đã xây dựng được chữ "tín" cho mình. Biết rằng bạn có thể tin cậy được đối tác làm ăn sẽ mang lại nhiều lợi ích, và các giao dịch đôi khi được kết thúc chỉ bằng một cái bắt tay.

Một ví dụ khác về niềm tin thông minh, khác xa với giới kinh doanh, là thành phố Bogota, Columbia. Từng là một đô thị đầy tội phạm, Bogota có tỷ lệ giết người thấp nhất so với bất kỳ thành phố lớn nào ở Columbia vào năm 2010. Tất cả là do vị thị trưởng ở đây đã thiết lập chính sách tin cậy thông minh giữa người dân và cảnh sát.

Tất nhiên, niềm tin không phải là thuốc giải cho mọi vấn đề. Sai lầm đôi khi sẽ xảy ra. Tuy nhiên, mọi người càng thực hành sự tin tưởng và phân tích lý trí thì họ càng thành công hơn trong việc tạo ra sự tín nhiệm cao trong các mối quan hệ, cũng như gia tăng sự thuận lợi, năng lượng và hạnh phúc. Niềm tin hoạt động theo cả hai chiều. Bạn càng tin, bạn sẽ càng được tin tưởng. Bạn càng cho đi lòng tin của mình, người khác sẽ càng đặt sự tin tưởng vào bạn. Mỗi hành động dựa trên niềm tin sẽ phục hưng lại giá trị niềm tin, thứ đang ngày càng thoái trào trên khắp thế giới.

Nói tóm lại, mỗi người đều có thể chung tay giúp thế giới này trở thành một nơi đáng tin cậy hơn. Ngay cả một cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Một người có vẻ không nhiều, nhưng giống như hiệu ứng hòn tuyết lăn, ngay cả chỉ mình bạn chọn tin tưởng cũng là sự bổ sung đáng kể cho tổng thể vĩ đại. “Đó là mong muốn của chúng tôi và hy vọng rằng bạn sẽ cùng tham gia với tư cách là người đồng xúc tác, cùng với vô số người khác, tìm cách mang lại sự phục hưng toàn cầu cho niềm tin vì lợi ích của mọi người ở khắp mọi nơi,” Covey và Link kết luận.

Nhập mã TIKITDT10 giảm thêm 5% khi mua sách "Niềm Tin Thông Minh" do Tiki Trading phân phối: https://bit.ly/niemtinthongminh-tk. Thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/11/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.

Trạm Đọc


Gửi bình luận
(0) Bình luận