Tôi đã phần nào thành công với những tiết dạy được đầu tư công phu trong khâu giáo án và trong nghệ thuật lên lớp. Song sau mỗi giờ dạy, soi vào ánh mắt mỗi trò, tôi vẫn nhận ra một thoáng gì đó thiêu thiếu, thèm thèm nơi tâm thức các em. Vâng, có lẽ đó vẫn là sự trống vắng của khâu viết bảng.
Tôi lại trăn trở, lại suy nghĩ về nó. Nhiều buổi, học sinh về hết, tôi một mình ngồi trầm tư nơi chỗ hàng bàn đầu lớp, mắt đăm đăm hướng lên bảng cố nghĩ ra cách viết bảng mới.
Sau nhiều ngày đêm thao thức, lóe sáng trong tôi một ý tưởng. Tôi sẽ viết sẵn nội dung bài dạy ở nhà vào tờ giấy Roky , đến lớp tôi sẽ nhờ học sinh treo lên bảng.
Để nét chữ đủ lớn cho các em ở bàn cuối lớp vẫn nhìn rõ, tôi ra bờ tre tìm một chiếc vòi tre bánh tẻ hơi non to bằng chiếc đũa, đưa về vát thật bén theo hình lưỡi đục, chấm mực làm bút viết.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: PQ/Báo Lao động. |
Dạy được mấy tiết với mô hình bảng này, thấy các em hào hứng, tôi cũng vui vui. Một hôm, cô L. vào dự giờ, góp ý rất chân thành:
- Nghệ thuật dạy học là dẫn dắt học trò đi từ cái chưa biết đến cái cần biết. Nếu anh dùng bảng kiểu này thì mọi vấn đề sẽ lộ diện hết. Tính bất ngờ đâu còn nữa.
Nhận ra điều phi sư phạm rất vỡ lòng này, tôi chỉ biết nhìn L. mà cười trừ cho đỡ ngượng. Một lần nữa, tôi lại thất bại việc viết bảng.
Ít ngày sau, bình tâm suy nghĩ tìm hiểu lại, tôi liền thể nghiệm cách thay đổi nhỏ. Vẫn tấm bảng phụ đã viết sẵn ấy, giờ lên lớp các em vẫn giúp tôi treo lên bảng. Song thay việc treo ở trước bảng thì nay lại treo giấu sau bảng.
Bằng một hệ thống dây kéo cân bằng trọng lực, tiết dạy diễn ra đến đâu, tôi dùng chân phải kẹp chặt một đầu dây, kéo tấm bảng giấy đã được đính vào đầu sợi dây từ từ hiện ra trên mặt bảng theo quy trình từ dưới lên. Khi tiết học kết thúc thì bố cục bài cũng xuất hiện trọn vẹn trên bảng đen.
Cách này có vẻ tạm ổn. Song cái khó của nó là đường dây kéo quá vòng vèo. Phải thiết kế một đường kéo lên vắt qua cạnh trên của bảng rồi mới thả xuống sau bảng. Vì đường đi của sợi dây nối với 2 đầu chiếc bảng phụ bằng giấy quá nhiêu khê nên khi kéo thường dễ trục trặc. Có lúc bị tắc nghẽn không sao nhúc nhích được. Lại có lúc kéo mạnh quá làm tấm bảng phụ vuột lên quá nhanh khiến ý cần giấu lại “vô duyên” hiện hữu một cách “không thể chấp nhận”.
Tôi lại mày mò tìm giải pháp khắc phục. Tôi quyết định thử nghiệm cách kéo tấm bảng phụ giấu sau bảng xuất hiện theo chiều ngược lại: Từ trên xuống chứ không từ dưới lên nữa. Cách này đường dây kéo đơn giản hơn, ngắn hơn, khi kéo xem ra cũng trơn tru thuận lợi hơn.
Song điều trớ trêu là khi bài giảng kết thúc, xuất hiện trên bảng đen: Tấm bảng phụ với một bố cục lộn ngược. Đầu bài lại nằm dưới, kết bài lại “chềnh ềnh” ngự trị phía trên cùng.
Không thể chấp nhận. Không thể đầu hàng. Tôi lại miệt mài đầu tư thời gian, tâm lực tìm tòi với hy vọng sẽ tìm ra giải pháp tối ưu. Trăn trở mãi, thao thiết mãi. Cuối cùng, niềm hy vọng bừng sáng. Tôi đã tìm ra cách viết bảng ưng ý.
Vẫn tờ giấy Roky viết sẵn ở nhà bằng chân rất chỉnh tề, nắn nót với nội dung thật then chốt, ngắn gọn. Đến lớp, trước giờ học, các em lại giúp tôi treo nó lên bảng. Và lần này, nó được treo trước bảng chứ không sau bảng nữa.
Để khắc phục việc nội dung bị “lộ tẩy”, tôi nghĩ ra cách che phủ nó bằng một tờ Roky trắng. Giờ đây, trước mắt cả lớp, trên bảng chỉ là tờ giấy không một nét chữ. Khi dạy đến đâu, tờ giấy trắng được từ từ kéo tụt xuống bằng một sợi dây kéo đính với hai đầu tấm giấy.
Cứ thế, những dòng chữ đầy ấn tượng ở tấm giấy bên trong lần lượt xuất hiện trước những đôi mắt tròn xoe ngỡ ngàng của các em.
Tôi mời thầy Châu và cô tổ trưởng L. dự giờ. Ai cũng tỏ ra mừng vui, hỷ hả trước việc tôi sử dụng “mô tuýp” bảng mới.
- Được lắm. Cách này sáng tạo, phù hợp với Ký, lại rất sư phạm và hiệu quả đấy. Đúng là có công mài sắt mới có ngày hôm nay - Thầy Châu ôm chặt tôi nói với giọng xúc động khôn xiết.
- Em thấy cách dùng bảng này rất hay, rất tiện ích. Quan sát, thấy em học sinh nào cũng chăm chú hứng thú. Trong tiết hội giảng cụm trường tới đây, tổ Văn định đề cử anh Ký đấy. Anh cố gắng để thiên hạ biết anh là ai nhé! - L. vừa nói vừa cười rất hồ hởi. Có công mài sắt…