Tuy nhiên, nhìn tâm trí một cách khách quan khó hơn nhiều so với nhìn cái màn hình tivi. Đó là do sức mạnh của những ấn tượng mà bạn lưu giữ trong tâm trí.
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một bài kiểm tra tâm lý Rorschach, thường được gọi là bài trắc nghiệm vết mực in. Chuyên gia tâm lý đưa ra một tấm thẻ in hình một vết mực và hỏi bạn nhìn thấy gì. Ngay lập tức bạn trả lời rằng bạn nhìn thấy hai người đang âu yếm nhau hoặc người cha và người mẹ đang cãi nhau... Nói cách khác, bài kiểm tra Rorschach kích hoạt những mô thức nội tâm, giúp bạn nhìn thấy được những khái niệm/hình ảnh không thật sự hiện hữu mà bạn cất giữ trong tâm trí.
Thật ra, cả thế giới là một bài kiểm tra Rorschach khổng lồ. Thế giới là dòng nguyên tử đang trôi qua trước mắt bạn. Nó không mang tính cá nhân hơn các vết mực in. Nhưng nó đánh động các samskara (những suy nghĩ tiêu cực, khó phai) của bạn, làm kích hoạt những phản ứng tinh thần và cảm xúc được lưu trữ trước đó. Vì vậy, thay vì trải nghiệm thế giới bên ngoài đang lướt qua, bạn lại sống với những cảm xúc yêu, ghét, niềm tin và định kiến được lưu giữ bên trong.
Những ấn tượng này mạnh đến nỗi bạn thật sự nghĩ rằng chúng là hiện thực ở ngoài kia, giống như cách bạn nhìn những vết mực in. Tâm trí cá nhân chiếm cứ toàn bộ cuộc sống của bạn. Bạn không còn tự do tận hưởng những trải nghiệm đang thật sự diễn ra – bạn bị buộc phải đối phó với những gì mà tâm trí bạn nói rằng đang xảy ra.
Đó là lý do tại sao cuộc sống dường như quá đáng sợ và tại sao nó dường như luôn đánh trúng vào những điểm yếu của bạn. Sự thật là không phải cuộc sống luôn đánh vào những điểm yếu của bạn mà là chính bạn đang phóng chiếu những điểm yếu của bản thân lên cuộc sống.
Đây là điều mà tác giả Michael A. Singer đã chia sẻ trong cuốn sách Sống đời tự do của mình. Cũng trong cuốn sách này, tác giả mong muốn giúp bạn tìm lại được bản ngã sáng suốt của chính mình để nhận ra rằng “Cuộc sống sẽ trở nên đơn giản không ngờ ngay khi nội tâm bạn hoàn toàn an ổn”.