Nắng ấm sau mưa - Những lời nhắn gửi

Quang Thanh26/10/2023 09:00
Nắng ấm sau mưa - Những lời nhắn gửi

Chồng tôi mê sách như cách một số phụ nữ mê giày. Anh đã tích lũy được một thư viện sách khổng lồ với đủ thể loại, từ nghệ thuật bán hàng, tiếp thị, tư vấn, lãnh đạo, cho đến sách tiểu sử, thể thao, tôn giáo và tâm linh.

Sau khi chúng tôi kết hôn, anh vẫn tiếp tục mua thêm sách. Và sau những buổi hội thảo hay những chuyến dạo chơi ở trung tâm thương mại, anh thường về nhà với một túi đầy sách. Anh nhồi nhét những quyển sách mới vào chiếc kệ cao đến trần vốn đã chật ken trong văn phòng mình. Thậm chí, bên trên những quyển sách được xếp đứng, anh còn cố chèn thêm những quyển nằm ngang.

“Dù ta chỉ học được thêm một ý tưởng từ cả một quyển sách”, anh nói, “thì như thế vẫn đáng.”

Sau khi kết hôn, tôi đã học được cách sống chung với bộ sưu tập sách ngày càng đồ sộ của anh, cố kiềm chế những lời nhận xét mỉa mai, kiểu như “Bao giờ anh mới đọc hết chúng?” và thỉnh thoảng vào phủi bụi hoặc xếp lại sách trên kệ cho ngay ngắn.

Sau khi anh qua đời, cuối cùng tôi cũng có đủ dũng khí bước vào văn phòng của anh để dọn dẹp và sắp xếp lại tất cả mọi thứ. Tôi quyết định bắt đầu với mấy chiếc kệ sách.

Trong lúc dọn dẹp, tôi phát hiện ra có rất nhiều quyển sách hay mà tôi chưa từng nhìn thấy trong suốt nhiều năm vợ chồng tôi ở bên nhau. Tôi ngạc nhiên khi tìm thấy một tựa sách lạ về tiếp thị, bán hàng hoặc tâm linh, sau đó là một quyển khác, rồi lại thêm một quyển khác nữa. Thay vì xếp mấy quyển này vào thùng giấy để mang đi cho, tôi chất tất cả vào một góc để sau này lấy ra đọc, hoặc ít nhất là xem lướt qua.

Tôi chọn ra được một chồng sách lớn, và vào giờ ăn trưa, tôi quyết định đọc thử một quyển. Khi mở sách ra, tôi nhìn thấy lại điều mà tôi đã suýt quên mất – thói quen ghi chú vào các trang sách của chồng mình. Sau một thời gian dài, cảm giác khó chịu vì sự quá đà của anh lại nổi lên trong tôi. Anh không chỉ thỉnh thoảng đánh dấu vào sách bằng một vài dấu ngoặc hoặc dấu hoa thị, mà bằng một chuỗi dấu chấm than, dấu sao, dấu gạch nối, mũi tên và rất nhiều ghi chú bên lề: “Quan trọng!”, “Lưu ý!”. Anh thường gạch chân bằng bút màu toàn bộ đoạn văn đến hai lần, ba lần, thậm chí bốn lần. Có nhiều khi tôi hầu như không thể đọc được nội dung trang sách vì chúng hoàn toàn bị che khuất bởi các ghi chú chi chít.

Ghi thêm bằng bút thôi vẫn chưa đủ, anh ấy còn dán kèm giấy ghi chú trên hàng loạt trang. Có quyển được dán nhiều giấy ghi chú đến nỗi cộm lên gấp đôi độ dày ban đầu. Anh cũng có thói quen xếp góc các trang sách – một điều cấm kỵ đối với những người yêu sách.

Với những quyển sách của riêng mình, tôi luôn cố gắng giữ cho những trang giấy sạch sẽ nhất có thể. Thỉnh thoảng, tôi có đánh một dấu ngoặc nhỏ gọn khi bắt gặp một cụm từ hoặc câu văn đặc biệt hay, gợi liên tưởng hoặc đáng nhớ. Cũng có khi tôi sẽ nhẹ nhàng dán một mẩu ghi chú nhỏ, cạnh một đoạn văn đặc biệt có ý nghĩa. Bất cứ khi nào nhìn thấy một trang sách bị quăn góc, ngay cả trong những quyển tạp chí tôi đọc ở phòng khám nha khoa, tôi cũng cố vuốt ra cho thẳng thớm.

Nhưng trước mắt tôi lúc này, trong những quyển sách được chồng tôi mua về từ hai mươi, ba mươi, đôi khi bốn mươi năm trước, tôi thấy những dòng viết tay cẩu thả, một số đã mờ đến mức gần như không thể đọc được. Nhiều tờ giấy ghi chú dán chồng lên nhau làm bung cả gáy sách, các góc trang bị gấp xuống thì sắp rách theo thời gian. Tôi thở dài, cảm thấy khó chịu với những thói quen mà tôi cho là không tôn trọng sách vở.

Tuy nhiên, dù không thật sự thoải mái, tôi vẫn bị thu hút bởi những mẩu ghi chú ấy. Tôi bắt đầu đọc một quyển sách mốc meo, chi chít những dòng viết tay, rồi đọc hết quyển này đến quyển khác. Rồi tôi chợt nhận ra một điều.

Tất cả những dòng viết thêm và những mẩu giấy ghi chú ấy chính là cách chồng tôi tự học. Ngày trước, anh đã luôn hoàn thành xuất sắc vai trò một chủ tọa hội thảo, nhà huấn luyện và đào tạo, giáo viên và người cố vấn cho các công ty cũng như các cá nhân. Đó cũng chính là cách tôi quen biết anh. Một người bạn của tôi đã vực dậy thành công việc kinh doanh của mình một cách thần kỳ nhờ sự tư vấn của anh. Anh ấy đã đề nghị tôi thử liên hệ với anh. Lần gặp mặt đầu tiên của chúng tôi đã trở thành một buổi “tham vấn” nho nhỏ, nơi anh đưa ra những lời khuyên về công việc viết lách và biên tập của tôi.

Thông qua những quyển sách và những dòng ghi chú viết tay xuất hiện ngày một dày đặc, tôi có thể lần theo lối suy nghĩ của anh, sự phát triển và trưởng thành của anh, niềm đam mê cháy bỏng của anh dành cho việc học, khao khát hiểu biết và ý chí phấn đấu vươn lên. Đến tận bây giờ, sau khi anh đã ra đi, tôi mới hiểu được trọn vẹn khía cạnh này của anh.

Tôi tiếp tục đọc, hay nói đúng hơn là mò mẫm từng chữ một trong những trang sách. Chữ viết tay của anh che kín cả nội dung gốc. Anh thậm chí còn ghi lại ngày tháng của lần đọc đầu tiên, lần đọc thứ hai và cả lần thứ ba. Để khắc sâu những nội dung mới đọc, anh luôn tóm tắt lại những gì mình hiểu ở cuối trang hoặc cuối chương. “Tôi xứng đáng với tất cả”, “Tôi thu hút về phía mình những gì tôi cần”, “Hãy tập trung vào những gì mình mong muốn”.

Những dòng ghi chú đập thẳng vào mắt tôi, nhạt nhòa vì năm tháng nhưng nội dung chưa bao giờ cũ, đó là những thông điệp, những lời nhắn nhủ mà tôi đang cần đến. Tôi sững người khi nhận ra bên cạnh thông tin về ngày tháng, một số mẩu ghi chú mà anh để lại còn có cả tên tôi. Khi lật giở trên những trang sách này, anh đã nghĩ về tôi, về những nhu cầu, nỗi lo lắng và mối quan tâm của tôi, cũng như anh muốn an ủi và giúp đỡ tôi từ những gì anh tìm được trong những quyển sách này.

Tôi không kìm được mà bật khóc.

Qua những trang sách cũ, những dòng lưu ý chi chít, những mẩu giấy ghi chú vô tận và cả tên của tôi được viết trên rất nhiều trang giấy, tôi cảm nhận được sự hiện diện của chồng mình. Anh ấy vẫn ở đây, trong những quyển sách của mình, tiếp tục hỗ trợ, dẫn dắt, khích lệ và yêu thương tôi.

"Tình yêu thương trao đi trong đời giúp chúng ta
sống vượt qua tuổi thọ của mình.
Bất cứ ai nhận được yêu thương sẽ sống mãi
trong tim người khác."

Marcus Tullius Cicero


Gửi bình luận
(0) Bình luận