Thực tế cho thấy lời Phật dạy rất chí lý. Các sự kiện không đem lại nỗi khổ tinh thần hay cảm xúc – chính bạn tự gây ra nỗi khổ tinh thần và cảm xúc khi đối diện với các sự kiện. Nếu không thì mọi việc vẫn cứ vận hành theo cách của chúng thôi. Hãy luôn nhớ rằng phải mất 13,8 tỷ năm để nhất nhất mọi thứ xảy ra chính xác như đã xảy ra, để rồi khoảnh khắc này mới diễn ra theo cách mà nó đang hiển hiện trước mắt bạn.
Một ví dụ hoàn hảo về việc chúng ta thường tự gây ra những nỗi khổ tinh thần như thế nào là cách chúng ta nhìn nhận về cơ thể mình. Khi còn trẻ, bạn trông như thế; thêm nhiều tuổi, bạn trông khác đi. Điều đó có gì không ổn? Không phải là không ổn mà thật thần kỳ. Bạn nhìn thấy cơ thể bạn tự thay đổi. Đó là một quá trình tự nhiên, và lẽ ra nó không gây ra đau khổ. Tương tự như thế, trong suốt cuộc đời mình, bạn kinh qua nhiều trải nghiệm khác nhau.
Các trải nghiệm vốn không đem lại khổ đau. Trải nghiệm không phải là khổ. Trải nghiệm chỉ là trải nghiệm. Nhưng nếu bạn quyết định chúng xảy ra theo ý muốn của bạn và khi chúng không theo ý bạn, bạn sẽ cảm thấy khổ. Đau khổ phát sinh do sự không tương thích giữa điều mà tinh thần bạn mong muốn đạt được và hiện thực mở ra trước mắt bạn. Sự không tương thích dù ở mức độ nào cũng sẽ khiến bạn đau khổ.
Chúng ta đang đi vào khám phá cuộc sống ở chiều sâu hơn so với mức độ mà phần đông mọi người muốn khám phá, nhưng đó mới là sự thật. Bạn đã thiết lập trong tâm trí điều bạn muốn và không muốn dựa trên những ấn tượng trong quá khứ. Vì vậy, bạn xác tín rằng thế giới nên theo cách đó. Rõ ràng đây không phải là một niềm tin được đặt nền móng trong hiện thực. Chừng nào bạn còn làm như vậy, bạn sẽ còn khốn khổ theo những thăng trầm trong cuộc sống.
--
“Bạn chỉ đang buông bỏ sự phản kháng của bạn đối với cuộc sống”. “Hãy thật sự sống đời sống tâm linh! Đời sống tâm linh không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống mà là trải nghiệm cuộc sống ở cấp độ sâu sắc nhất”, là thông điệp mà tác giả gửi gắm qua quyển sách “Sống đời tự do”.