Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Yochai Benkler là một người cổ vũ nhiệt tình cho tiềm năng của Internet trong việc phân phối quyền lực ở các lĩnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế. Nghiên cứu của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của chúng tôi.
Vào năm 2006 xa xưa ấy, khi Facebook vẫn là còn một “đứa trẻ” chập chững biết đi, Benkler đã tham gia vào một cuộc tranh luận mà sau đó trở thành một vụ cá cược lớn về tương lai (và tên của nó nghe có vẻ giống với tựa đề một cuốn tiểu thuyết của Robert Ludlum). Nó được gọi là “Vụ cá cược giữa Carr và Benkler.”
Tất cả bắt đầu từ những ngôn từ đanh thép. Nicholas Carr, nhà báo và nhà bình luận công nghệ, đã đăng tải một phản hồi đầy mỉa mai cho cuốn sách mới vừa xuất bản của Benkler, The Wealth of Networks, trong đó Benkler dự đoán về làn sóng “hợp tác phi thị trường và hợp tác sản xuất”, có thể hiểu đơn giản là “mọi người tạo ra mọi thứ cùng với nhau vì những lý do khác ngoài quyền lợi về tài chính”. Wikipedia và phần mềm mã nguồn mở là những ví dụ tiêu biểu. Benkler dự đoán rằng hình thức “sản xuất ngang hàng” này sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều trong một thời đại siêu kết nối.
Carr thì không cho là như vậy. Ông đã mô tả cuốn sách của Benkler như là một “kiệt tác kỹ thuật - vô chính phủ - không tưởng”, và bạn gần như có thể nếm trải toàn bộ thái độ khinh thị của ông ấy trong các dấu gạch nối.
Thay vì là viễn cảnh thiên đường của sản xuất ngang hàng như Benkler mô tả, Carr lại dự đoán một tương lai hoàn toàn khác hẳn. Ông nhận thấy các mã nguồn mở và sự hợp tác, cũng như chủ nghĩa cộng đồng siêu thân thiện này, là một phần của quá trình có thể dự đoán và không thể tránh khỏi của “những hoạt động nghiệp dư mọc lên mạnh mẽ trong sự trỗi dậy của sự sáng tạo cho một phương tiện truyền thông mới, chỉ được kéo theo sau đó bởi sự tăng trưởng của chuyên môn hóa và thương mại hóa”.
Cuộc tranh luận là một cuộc xung đột xoay quanh tầm nhìn quyền lực mới của Benkler – rằng những cơ hội khổng lồ trong sản xuất ngang hàng được hỗ trợ bởi sự kết nối sẽ thống trị cộng đồng Internet – và niềm tin quyền lực cũ của Carr là lực lượng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa quản lý sẽ tự khẳng định lại: cộng tác với chiếm lấy. Vì vậy, Benkler đã đề xuất một thách thức để kiểm tra các ý tưởng đối lập của họ.
“Chúng tôi có thể quyết định chỉ định giữa 1 và 3 người, những người mà vào một số ngày nhất định… khảo sát các trang web hoặc cộng đồng blog, và tìm kiếm các trang web có ảnh hưởng nhất trong một số danh mục chính: ví dụ như mức độ liên quan và sự chọn lọc (như Digg); hoặc hình ảnh trực quan (như Flickr). Và sau đó họ sẽ quyết định xem liệu chúng là những quy trình sản xuất ngang hàng hay là những hệ thống được tài trợ bởi giá cả”.
Năm năm sau đó, khoảnh khắc của sự thật đã đến. Ai là người đã giành chiến thắng trong vụ cá cược giữa Carr và Benkler? Bạn có lẽ không ngạc nhiên khi biết rằng cả hai đều nghĩ mình là người chiến thắng.
Vào tháng 5 năm 2012, Carr tuyên bố chiến thắng với bài đăng trên blog có tiêu đề tuyệt vời: “Trả tiền cược nhé, Yochai Benkler!”, nhấn mạnh quan điểm của mình rằng: “Các hệ thống sản xuất thống trị trong hầu hết các loại phương tiện truyền thông trực tuyến đều mang tính thương mại”.
Benkler phản pháo một tuần sau đó bằng một bài đăng của ông: “Đối với các nhà đầu tư, cũng không khác bao nhiêu so với các nhà cải cách và nhà hoạt động xã hội, không gian trên các trang web được xây dựng thành một nền tảng cho việc kết nối và tương tác xã hội, chứ không phải là nơi để tìm ra cách thanh toán cho những nội dung tốt nhất”.
Carr đã phản ứng lại, dẫn chứng rằng việc sản xuất và phân phối âm nhạc, sản xuất tin tức, video, sách điện tử, trò chơi, ứng dụng và nhiều ví dụ khác để minh chứng cho chiến thắng của các tổ chức kiên cố so với sự cộng tác ngang hàng. Ông đã trích các bức ảnh và thông tin từ bách khoa toàn thư cho Benkler, và (có lẽ một cách khôn ngoan) đã che bớt các nội dung khiêu dâm.
Quyền lực mới đã được ứng dụng đầu tiên như thế nào
Hơn một thập kỷ sau khi vụ cá cược bắt đầu, kết quả vẫn chưa được xác định.
Hóa ra cả hai đều đúng một chút. Carr chắc chắn đã đúng khi cho rằng hoạt động ngang hàng trực tuyến sẽ trở nên thương mại hóa và chuyên nghiệp hóa hơn. Phát súng đầu tiên chính là Couchsurfing.com – một nền tảng chia sẻ thông tin thực tế giữa các thành viên đam mê du lịch tuy khá cũ kỹ nhưng vẫn thu hút vì không có sự trao đổi tiền bạc – đã bị đốn ngả sang bên lề với sự gia tăng của các lựa chọn dựa trên giá cả như Airbnb.
Nhưng Benkler đã đi trước thời đại của mình khi dự đoán được việc sản xuất ngang hàng (và chưa yêu cầu phải thanh toán) giúp thúc đẩy các mô hình của mọi thứ từ Facebook đến phong trào hành động.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng các mô hình sản xuất ngang hàng, thậm chí chưa cần phải thanh toán, mà Benkler đã đề cao một cách đầy hy vọng đã trao sự giàu có và quyền lực khổng lồ vào tay những người sở hữu những nền tảng này. Nội dung mà chúng ta sáng tạo đã tạo ra giá trị to lớn cho những bên trung gian nắm quyền lực, họ ngấu nghiến những dữ liệu của chúng ta, quyết định một cách rõ ràng nội dung chúng ta được xem và đòi hỏi nhận được phần lợi ích lớn nhất từ những thành quả đó.
Cũng có những ngoại lệ đáng được tôn vinh như Wikipedia, nhưng các mô hình phi lợi nhuận, phi khai thác như thế này không phải là tiêu biểu. Và trong khi đó, những mô hình được trả tiền mà Carr dự đoán sẽ mang lại cho chúng ta những đóng góp hiệu quả thì ngày càng bị cáo buộc là đang sử dụng quy mô và đòn bẩy của nó để khai thác chính những người đang chi trả cho những nỗ lực đó.
Trong thực tế, các tài xế của Uber hầu như không được huấn luyện chuyên nghiệp, như chúng ta đã thấy, Uber đang làm cách nào đó để hạn chế việc đối xử với họ như là nhân viên của mình. Thi thoảng, bạn sẽ có cảm giác vụ cá cược giữa Carr và Benkler đã trở thành một trò chơi mà cả hai đều thua cuộc.
Khi chúng tôi đến thăm Benkler tại văn phòng của ông ở trường Luật Harvard, ông ấy có vẻ hơi nản chí. “Tôi rất vui khi các bạn viết cuốn sách đầy lạc quan này vào năm 2017”, ông nói với chúng tôi. “Ngày nay, tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn để viết một cuốn sách như thế này so với mười năm trước đó”.
Để giải thích tại sao, ông mô tả một lớp học mà ông đã dạy vài năm trong ngành công nghiệp âm nhạc và sở hữu trí tuệ. “Thật thú vị khi bạn giảng dạy về những bài học kinh nghiệm trong ngành công nghiệp âm nhạc vào cuối những năm 2000, những gì bạn nhận thấy là sự phân cấp triệt để và sự tan rã. Khi bạn dạy về nó vào khoảng 5 năm trước, đó là sự xuất hiện của các cấu trúc ở mức trung bình cho phép các nghệ sĩ kiếm sống. Đó là các khoản đóng góp tự nguyện từ SoundCloud… Sau đó, bạn đề cập đến nó trong những bài giảng vào năm 2016; và về cơ bản, tất cả những gì bạn đề cập đến là về Spotify. Nó hoàn toàn được phân cấp”.
Khi người tiêu dùng được huấn luyện tốt để đánh giá “sự tiện lợi” (frictionless) trên hầu hết mọi thứ, tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc có các dịch vụ dễ sử dụng hơn như Spotify (đặc biệt là với những ai không thể nhớ cách tải xuống những bản nhạc bị ẩn đi của Tracy Chapman trên Napster). Tuy nhiên, cái giá của việc này là tất cả chúng ta bị khóa chặt trong một số ít nền tảng đang tiếp tục được củng cố thêm và khiến cho chúng ta ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc tự giải thoát khỏi chúng (chỉ cần nghĩ về cách Facebook nuốt chửng hết những đối thủ tiềm năng như Instagram và WhatsApp để nó có thể tạo ra một hệ sinh thái lớn mà chúng ta phải lệ thuộc vào). Và những người tạo ra giá trị trên các nền tảng này bị vắt kiệt.
Benkler nhắc nhở chúng ta rằng những người sáng tạo trên YouTube, lúc này phải đăng ký bản quyền cho danh sách các tác phẩm của họ với công ty để họ có thể được chia sẻ nguồn doanh thu từ những nội dung mà họ đã tạo ra. Các mô hình quyền lực mới mà một thập kỷ trước chỉ là một tia sáng lấp lánh trong mắt của Benkler giờ đây đã phát triển lớn mạnh và ngày càng trở nên tách rời khỏi các giá trị quyền lực mới mà những người sáng lập của họ đã tin tưởng. Chúng hữu ích hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng chúng cũng mang lại cảm giác và hành động ngày càng giống như các trang trại cùng tham gia.
Trích sách “Quyền lực mới – New Power”