192 giờ giành giật sự sống - Ký ức kinh hoàng của cô gái Hà Lan bị rơi máy bay ở Việt Nam

13/03/2019 11:30
192 giờ giành giật sự sống - Ký ức kinh hoàng của cô gái Hà Lan bị rơi máy bay ở Việt Nam

Trong sách "192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh", tác giả Annette Herfkens đã kể lại vụ tai nạn máy bay mà bà phải trải qua tại Việt Nam vào năm 1992.

Trong sách "192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh", tác giả Annette Herfkens đã kể lại vụ tai nạn máy bay mà bà phải trải qua tại Việt Nam vào năm 1992.

Tác giả Annette Herfkens và chồng sắp cuới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Cuối cùng, chỉ một mình Annette sống sót.

Được sự đồng ý của nhà phát hành First News và dịch giả An Điền, Zing.vn trích đăng sách 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh.

Buổi sáng ở TP.HCM

- Dậy thôi, em yêu! Năm giờ sáng rồi, phải đi thôi! Nửa tiếng nữa là tài xế của anh sẽ đến đón.

Năm giờ sáng? Tài xế? Tài xế nào? Pasje đang nói gì vậy nhỉ? À, thì ra là cái gã tài xế cứ tò tò theo Pasje như thanh tra!

Tôi thức dậy, quờ quạng và loạng choạng, quan sát xung quanh, và nhìn thấy Pasje đứng ở cuối giường. Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam để thăm Pasje - cách tôi gọi Willem, bạn trai mình từ 13 năm nay.

Pasje đến Việt Nam cách đây sáu tháng để thành lập hai chi nhánh của Ngân hàng ING. Ông Hùng(*), tài xế, đón tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất tối qua và chở chúng tôi đến khách sạn. Pasje gọi ông Hùng là “ông tháo vát”.

Ky uc kinh hoang cua co gai Ha Lan bi roi may bay o Viet Nam hinh anh 1
Tác giả Annette Herfkens.

Pasje đưa tôi tách cà phê với nụ cười ái ngại. Anh biết tỏng là tôi ghét dậy sớm như thế nào. Đó là chưa kể chuyện bị lệch múi giờ. Năm giờ sáng? Nghĩ sao vậy chứ? Tôi nhìn Pasje trong chiếc áo choàng tắm do mẹ anh thêu.

Khi Pasje quay lại, đập vào mắt tôi là mấy chữ Breda, Leiden, Santiago - những thành phố anh đã đi qua - trên lưng áo. Chưa thấy có “Thành phố Hồ Chí Minh”. Chắc là sau này đến đây thăm Pasje, mẹ anh sẽ thêu tay thêm vào dòng chữ đó. Nhưng tặng Pasje cái áo này thì quả là đúng điệu.

Tôi thấy một phần phong cách của Pasje ở chiếc áo ấy. Tôi yêu cái rề rà toát ra từ chiếc áo. Yêu cả cái cách Pasje chậm chạp chuẩn bị cho ngày mới, cách anh ấy pha cà phê - một tách cho tôi trên giường, một cho anh trên bàn. Pasje muốn đến sân bay đúng giờ.

Anh ấy muốn chuẩn bị mọi thứ thật thong thả và kỹ lưỡng. Trong khi đó, tôi thì lại thích nhanh và cẩu thả một chút cũng không sao. Nhất là nhờ vậy mà mình có thêm nửa tiếng để mua sắm hoặc ngủ thêm một chút. Nhưng tôi yêu Pasje. Và yêu cả tách cà phê anh ấy pha.

Tôi dành thời gian nhấm nháp cà phê, và do vậy phải mất tám phút để tắm và mặc quần áo. Pasje cố gắng giấu cảm giác bực bội và cả sự nôn nao thường thấy của anh mỗi khi đi đâu xa. Khi hai chúng tôi rời khỏi phòng đúng giờ, Pasje dịu dàng hôn tôi. “Em giỏi lắm”, Pasje nói với tôi.

Khi chúng tôi đến sảnh khách sạn, ông Hùng đã có mặt ở đó, đúng giờ và kiên nhẫn. Ông ta cười với chúng tôi, một nụ cười lấy lòng. Tại sao tôi không ưa ông này được nhỉ? Pasje vỗ vai ông Hùng thân mật. Thật lạ khi thấy Pasje rất thoải mái trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với tôi. Trông Pasje cứ như đang ở nhà, và chuyện tôi có mặt ở Việt Nam hình như không liên quan gì đến sự thoải mái của anh. Nó làm tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi đang ghen chăng?

Bên ngoài trời vẫn còn tối, giống như lúc tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc này giao thông thưa thớt hơn tối qua, nhưng vẫn có nhiều người trên đường hơn cả giờ cao điểm ở Amsterdam.

Khi ông Hùng thả chúng tôi xuống sân bay, Pasje giao cho ông rất nhiều việc phải làm khi anh đi vắng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên đường, từ một sân bay kiểu thập niên 60. Như mọi khi, Pasje lo phần thủ tục đăng ký, sau khi để tôi ngồi chờ ở một quầy ăn nhỏ. Tôi nhìn xung quanh, cảm thấy dễ chịu khi nghĩ đến việc tôi và Pasje sắp khởi hành. Chúng tôi đi rất nhiều và đã quen như vậy từ lâu. Người đàn ông bàn kế bên đang xì xụp húp một tô cỡ lớn, phong cách không khác gì với những thương lái người Hoa tôi bắt gặp ở New York mỗi khi ăn sáng ở khu phố Tàu.

Pasje trở ra với cặp vé lên máy bay trong tay. Anh nói với tôi: “Chúng ta phải đi bộ ra sân bay thôi, không có xe trung chuyển đâu”. Tôi đi theo Pasje xuống cầu thang, ra đường bay. Chúng tôi đi ngang qua vài chiếc chiến đấu cơ, nằm trong thế có vẻ như lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Khi chúng tôi dừng trước cửa máy bay, tim tôi như ngừng đập. Không thể tin được là nó lại nhỏ như vậy.

- Em không vào đâu! - Tôi kêu lên với Pasje, thảng thốt. - Không thể nào em vào được. Anh biết mà!

Trái lại, Pasje rõ ràng là đã tiên liệu được phản ứng của tôi:

- Anh biết rồi. Nhưng anh biết là em làm được mà. Đây là cách duy nhất để đi tới đó.

- Anh nói vậy là sao, cách duy nhất à? Tại sao không đi xe?

- Rừng còn dày đặc và đường sá thì xấu lắm. Đi tới đó phải mất vài ngày. Đi bằng xe thì lúc đến được đó mình phải quay về ngay. Nghe anh đi mà!

“Thôi để em cố”, tôi trả lời. Buộc mình leo từng bước lên cửa sau máy bay, tôi bước vào. Suýt chút nữa là đầu tôi đã đụng trần máy bay. Tôi quay đầu lại ngay lập tức. “Cho em ra khỏi đây”, tôi nói như van nài với Pasje. Anh bước tới chặn tôi lại. Tôi thực sự hoảng sợ và đấm thùi thụi vào ngực Pasje bằng cả hai tay. “Anh nghe em, em không đi được đâu!”, tôi nói. Pasje siết chặt tay tôi và buộc tôi nhìn thẳng vào mắt anh: “Em làm được, anh biết em làm được. Chỉ cần một chút thôi, 20 phút thôi. Cho anh, cho cả chúng ta”.

Sợ chết khiếp nhưng tôi buộc mình phải quay trở lại máy bay. Không ngờ nó lại nhỏ như vậy. Tim đập thình thịch như muốn văng ra khỏi ngực, tôi rón rén theo Pasje đến ngồi ở hàng ghế thứ ba. Có 15 hàng cả thảy. Tôi ngồi cạnh lối đi. Trong máy bay chật đến nỗi nếu muốn, tôi có thể chạm vào hành khách người Trung Quốc cũng ngồi dọc lối đi bên cạnh.

Tôi có thể đụng trần máy bay mà không cần duỗi thẳng tay. Đầu gối tôi thì đã chạm vào hàng ghế màu xanh phía trước. Pasje thắt dây an toàn, giống như cách ngồi trên xe hơi. Tôi không thèm làm. Ngột ngạt nhiêu đó đủ rồi. Cô tiếp viên, một cô gái người Việt nhỏ nhắn xinh xắn, làm lơ hành động đó của tôi và tiếp tục thị phạm các động tác ứng cứu khẩn cấp quen thuộc.

Tôi cố gắng tập trung, nhưng không tài nào thoát khỏi những suy nghĩ về âm mưu “đào tẩu” khỏi máy bay. Tôi cố gắng nghĩ đến chuyện khác để đầu mình thoát khỏi “âm mưu” đó. Nghĩ về bất cứ cái gì, kể cả bài thơ duy nhất tôi thuộc mà trước đây, cô giáo người Đức của tôi hay dùng đến để phạt học trò. Cuối cùng thì máy bay cũng chuẩn bị cất cánh. Ít ra là chúng tôi cũng đang chuyển động.

Ky uc kinh hoang cua co gai Ha Lan bi roi may bay o Viet Nam hinh anh 2
Annette Herfkens sau khi được tìm thấy và đưa vào bệnh viện điều trị vết thương.

Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ Rolex 1940 trên tay Pasje mà năm ngoái tôi đã mua tặng anh ở Washington DC. Khi đó, tôi 30 tuổi và Pasje cầu hôn tôi, kèm thời hạn suy nghĩ. Tôi thấy nhẹ nhõm phần nào khi Pasje cười và lơ đi chuyện tôi hơi vung tay quá trán cho chiếc đồng hồ. Tôi biết Pasje thích nó thế nào qua ánh nhìn của anh lúc ở cửa hàng.

Tôi cố hướng suy nghĩ về chuyến đi Mỹ năm ngoái. Chúng tôi đến New York để dự một đám cưới. Pasje bay từ Chile, nơi anh làm việc lúc đó; còn tôi đến từ Madrid. Cha mẹ tôi cũng đến đó, chưa kể bà chị đang sống ở DC. Chính chị tôi bày ra chuyện cầu hôn và hạn chót để trả lời. Vốn không có con, chị tôi rất thèm có cháu.

Sau khi Pasje cầu hôn, tôi lo lắng đến rạc người: giảm gần 5 kg, cố gắng nghĩ đến câu trả lời: “Em đồng ý, ngay bây giờ!”. Nhưng quả thực là hoàn cảnh lúc đó chưa khả dĩ lắm. Chúng tôi còn phải có sự nghiệp và bảo đảm tài chính để có thể kết hôn và an cư lạc nghiệp ở cùng một nơi.

Thời gian cứ rờn rợn trôi qua. Hai mươi phút rồi, chưa có dấu hiệu gì cho thấy máy bay sắp hạ cánh.

- Sao chưa hạ cánh? - Tôi hỏi cô tiếp viên.- Bởi vì thời gian bay là 55 phút, thưa cô. - Cô tiếp viên trả lời với nụ cười thường trực. Tôi quay sang Pasje, và anh đang cố tình lảng tránh ánh nhìn của tôi.

- Anh biết đó là cách duy nhất để em chịu lên máy bay.

- Pasje nói, giọng thành khẩn và hối lỗi. Tôi muốn đứng bật dậy nhưng nhận ra làm vậy chỉ tổ bị đụng đầu. Không còn chỗ nào để mà đi, ngoài cái toilet thậm chí còn bé hơn chỗ ngồi này. Tôi nhìn đồng hồ. Tim lại đập thình thịch tới tận mang tai. Pasje xoa cánh tay tôi, nhưng tôi gạt phắt ra.

- Sao anh làm vậy với em? -Tôi nói qua kẽ răng. - Anh gạt em!

Nói xong tôi chỉ còn biết tập trung vào chiếc đồng hồ. Và tiếng động cơ gầm gừ.

49 phút rồi. Còn 6 phút nữa. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Bỗng thình lình có sự chấn động mạnh và chúng tôi như bị hút xuống. Hút xuống rất nhanh. Giờ thì Pasje đã chịu nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Anh không thích như thế này chút nào. - Pasje nói đầy căng thẳng.

- Dĩ nhiên rồi, cái thứ đồ chơi nhỏ xíu như thế này thì khi rơi phải như vậy chứ. - Tôi trả lời. Rồi tôi nhẹ nhàng trấn an, khi nhìn thấy ánh sợ rất rõ trong mắt Pasje. - Chỉ là do đi vào vùng nhiễu động thôi, anh đừng lo!

Máy bay lại va chạm mạnh vào một cái gì đó thêm lần nữa và rơi nhanh hơn. Nhiều người hét lên. Pasje bấu lấy tay tôi. Tôi cũng nắm chặt tay anh.

Bóng đen bao trùm.

YAK - Chiếc máy bay định mệnh

Chiếc Yak, viết đầy đủ là Yakovlev 40, là máy bay chở khách tầm ngắn, nhỏ, ba động cơ, được hãng hàng không Nga Aeroflot đưa vào sử dụng từ tháng 9/1968. Yak 40 tương đương với chiếc Boeing 727, có tốc độ bay ở độ cao bình thường là 341 dặm (550 km) một giờ.

Chuyến bay mang số hiệu VN474 chở 24 hành khách, 3 tiếp viên, 2 phi công và 1 kỹ sư. Trong lúc đang hạ cánh xuống thành phố biển Nha Trang, vì một lý do nào đó máy bay bị lệch khỏi quỹ đạo bay được ấn định. Cụ thể là máy bay hạ cánh dốc hơn phi hành đoàn dự liệu.

Ky uc kinh hoang cua co gai Ha Lan bi roi may bay o Viet Nam hinh anh 3
Annette Herfkens và con gái trở về thăm Việt Nam.

Phi công được cho là đã tính toán sai khoảng cách tới bờ biển khi ước chừng nó chỉ khoảng 20 km, trong khi thực ra phải là 43 km. Theo hồ sơ do Vietnam Airlines cung cấp, thời tiết buổi sáng ngày 14/11/1992 thay đổi đột ngột, tạo ra nhiễu động dữ dội. Phi hành đoàn rất khó khăn để điều khiển chiếc máy bay.

VN474 đang bay ở tốc độ 300 dặm một giờ thì đâm vào đỉnh núi. Tuy nhiên, nó có thể cầm cự được cú va đập này vì chỉ bị gãy một cánh và bay tiếp được. Thế nhưng, một chiếc máy bay mất một cánh thì có khác gì hỏa tiễn (trong trường hợp này tôi tạm gọi đó là bán hỏa tiễn). Do vậy, khi VN474 đâm vào ngọn núi tiếp theo, hậu quả thậm chí còn thảm khốc hơn.

Chỗ tôi đang ngồi – ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay – được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách, với tỉ lệ sống sót thấp nhất. Nhưng chỗ ngồi trong trường hợp của tôi hóa ra lại không quan trọng.

Vì mọi người đều thắt dây an toàn, còn tôi thì lại không. Dây an toàn được thiết kế chịu được lực tác động khoảng 3.000 pounds (1.360 kg). Chuyên gia cho là con người có thể chịu được lực tác động như vậy và sống sót nếu họ nai nịt chặt chẽ. Các hành khách khác thì đúng là như vậy, chỉ trừ tôi. Tôi bay ngay trong khoang máy bay.

Pasje tử nạn vì xương sườn của anh đâm sâu vào trong phổi, trong khi tôi bật ra khỏi ghế của mình. Tôi ngã nháo nhào ngay trong khoang hành khách, như bộ quần áo lẻ loi bị bỏ trong máy sấy. Đầu, mình, tứ chi tôi hết chạm vào trần máy bay lại va vào ngăn đựng hành lý và ghế. Cuối cùng tôi rơi xuống và trượt dưới ghế ngồi, chân xuống trước, rồi mắc kẹt ở đó. Có lẽ tôi đã ở đó vào đúng thời khắc khủng khiếp hơn xảy ra - máy bay bị vỡ ra làm ba: buồng lái, cái cánh còn lại, và thân máy bay.

Chúng tôi còn cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.

Tai nạn máy bay ở Việt Nam năm 1992 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh tai nạn máy bay ở Việt Nam

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025