Trên thực tế, có quá nhiều thứ bủa vây xung quanh và nếu không biết cách sắp xếp thì bạn sẽ vô tình trở thành “nô lệ” trong những guồng quay tất bật ấy. Hướng đi và phương án nào để có thể tạo bước đột phá cho thành công, có lẽ đây là câu hỏi mà không ít startup trăn trở.
Nhưng bằng cách nào để có thể thay đổi và trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực, dịch vụ và loại hình kinh doanh mà bạn theo đuổi? Điều này hóa ra có bí quyết riêng của nó và ranh giới giữa thành công và thất bại của những startup lại nằm ở chính “chìa khóa” quan trọng này.
Nhiều người khởi nghiệp đều cho rằng cần phải có rất nhiều vốn, mối quan hệ hay giữ bí mật tuyệt đối bí quyết kinh doanh,... thì mới có thể chạm tới thành công hay chèo lái được cả một doanh nghiệp trẻ.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh họ sai. Ngày nay, ai cũng có thể kinh doanh nhờ sự phát triển của nhiều công cụ và những điều kiện hỗ trợ cũng thay đổi. Một người giờ đây có thể đảm đương được công việc của hai hay nhiều người. Điều đó không có nghĩa là bạn phải lao đầu làm việc tới 60, 80 hay thậm chí là 100 giờ để mọi việc diễn ra có hiệu quả. Thời gian làm việc có thể rút ngắn hơn rất nhiều. Những việc tưởng chừng “bất khả thi” trong nhiều năm trước thì giờ đây đã trở nên đơn giản hơn. Bạn có thể làm việc ở nhà hay bất cứ đâu hoặc thậm chí là hợp tác với cả những người sống cách xa hàng ngàn dặm mà bản thân chưa từng gặp mặt.
Tại sao những startup thành công lại làm được điều đó? Bí mật nằm ở chỗ thay đổi phương thức làm việc.
Thử thách đối với mỗi startup trên con đường khởi nghiệp là không nhỏ. Bên cạnh việc kiên định và tin tưởng vào những mục tiêu, chiến lược đặt ra, việc thay đổi kế hoạch, mô hình kinh doanh, phương thức làm việc đúng lúc trong môi trường kinh doanh năng động như hiện nay, là một trong số các giải pháp có thể giúp cho những doanh nghiệp trẻ đạt được thành công nhiều hơn cả mong đợi.
Một trong những sai lầm “hủy diệt” các startup chính là việc chạy theo các doanh nghiệp lớn hay đặt mục tiêu phát triển quá xa vời. Thay vào đó, startup nên chọn cách phát triển từ từ và xem xét đâu là cái phù hợp mà bạn và doanh nghiệp của mình sẽ theo đuổi.
Để đứng vững trong quá trình khởi nghiệp thì bạn cần phải tạo ra được sự khác biệt hoặc dấu ấn.
Theo cuốn sách “Khác biệt để bứt phá” của Jason Fried và David Heinemeier Hansson, cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để có được một sản phẩm hoặc dịch vụ tuyệt vời đó là làm ra những thứ mà chính bản thân bạn cũng muốn sử dụng. Hiểu một cách nôm na thì đó chính là việc “gãi đúng chỗ ngứa”. Hãy đặt mình vào khách hàng và tạo ra các sản phẩm mà bạn cũng muốn dùng. Doanh nghiệp của bạn không cần phải là những “gã khổng lồ” như Apple hay Amazon, mà mục tiêu là trở thành một công ty tốt nếu có thể tạo ra được sản phẩm hữu dụng cho khách hàng, đối xử và đãi ngộ tốt với các nhân viên,..
Tuy nhiên, các startup sẽ không thể thành công nếu chỉ đứng yên một chỗ mà nuôi ý tưởng, hoài bão. Cách tốt nhất để tiếp cận thành công là phải bắt tay vào làm, nếu chần chừ, bạn có thể đánh mất đi sự hứng thú. Chờ đợi thời điểm hoàn hảo thì chúng sẽ chẳng bao giờ đến cả. Thậm chí, ngay cả khi bạn cứ tiếp tục gặm nhấm những bản kế hoạch, xác định thời gian hoàn hảo cho mọi việc thì chúng cũng sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Đừng mải chạy theo những mục tiêu quá lớn, tiêu tốn quá nhiều nguồn vốn và nhân lực trong quá trình phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ, các startup chọn và tập trung vào một thị trường vừa phải để “nuôi sống” doanh nghiệp còn non trẻ của mình.
Hãy chịu ảnh hưởng từ những mô hình sẵn có, nhưng đừng sao chép hay ăn cắp ý tưởng khi xây dựng công ty.
Đây có thể là một công thức dẫn tới thất bại đối với các startup khi bắt đầu khời nghiệp. Việc sao chép khiến bạn và doanh nghiệp của mình luôn ở thế bị động, luôn đi theo kẻ khác và không bao giờ bứt phá để dẫn dầu.
Hơn nữa, việc tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ mà bạn làm ra cần phải luôn chú trọng vì khi bạn thành công, việc người khác bắt chước hay sao chép là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, để tạo nên sản phẩm khác biệt mà không ai khác có thể làm được là điều cần thiết.
Tuy nhiên, một trong những sai lầm của các startup khi khởi nghiệp đó là ôm đồm quá nhiều việc và cố làm cho chúng thật hoàn hảo. Để thành công và thu được kết quả tốt hơn, bạn cần tập học cách buông bỏ một vài việc và dồn sức tập trung vào những thứ phải làm trước. Hãy cố gắng tạo ra những thứ xuất sắc bằng cách bớt đi các phần chỉ ở mức vừa hay. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng và tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp của bạn bằng cách hoàn thành một việc rồi sau đó chuyển sang việc kế tiếp. Việc đạt được những mục tiêu nhỏ hoặc một sự cải thiện tí hon cũng có thể góp phần tạo ra đà tăng trưởng tốt.
Các startup cũng cần phải quản lý và chú trọng tới việc lắng nghe khách hàng. Đây là cách tốt nhất để có thể biết được thế mạnh và điểm yếu của các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, thay vì qua các khâu trung gian, bạn nên để cho những người trực tiếp làm ra sản phẩm đó tiếp nhận phản hồi từ khách hàng để đảm bảo thông tin nhận được là chính xác nhất.
Startup không đồng nghĩa với việc bạn phải lao vào công việc bằng cách làm suốt ngày đêm, bỏ ngủ hay ăn uống thất thường. Hãy cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc để có thể đưa ra những giải pháp, luôn kiên định, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng, gia tăng động lực và nắm bắt cơ hội cũng như kịp thời thay đổi đúng lúc để gặt hái nhiều thành công trên chặng đường khởi nghiệp.
Sự khác biệt giữa những người thành công và thất bại nằm ở chỗ họ đã và đang nghĩ gì khi gặp phải khó khăn, trở ngại. Khác biệt để tạo nên bứt phá là điều nên làm đối với các startup để nỗ lực hết mình với những đam mê khởi nghiệp, làm việc và vượt qua những rào cản xung quanh.
Hằng Nguyễn