192 giờ giành giật sự sống - Câu chuyện về cô gái rơi máy bay, tỉnh dậy giữa những xác người

14/03/2019 13:47
192 giờ giành giật sự sống - Câu chuyện về cô gái rơi máy bay, tỉnh dậy giữa những xác người

Trong sách "192 giờ giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh", Annette Herfkens kể lại những giờ phút kinh hoàng cô phải đối diện khi máy bay rơi, vỡ nát.

Tác giả Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Cuối cùng, chỉ một mình Annette sống sót.

Tôi giật mình tỉnh dậy giữa những âm thanh lạ lẫm của khu rừng. Cây rừng hiện lên trong mắt tôi qua những khoảng trống khổng lồ trước thân máy bay. Buồng lái tan nát. Mọi thứ bất động rợn người nhưng ồn ào kỳ lạ.

Tôi vẫn còn trong máy bay, kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gắng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực. Từ dưới thân ghế tôi duỗi chân ra, tưởng chừng như đang xé toạc chúng.

Khi đó, tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi.

Chắc hẳn phải có chấn động gì lớn lắm bởi vì bất thình lình tôi lọt ra khỏi khoang máy bay và ngồi lọt thỏm giữa khu rừng, trên muôn vàn cành cây nhỏ. Tôi không nhúc nhích được, đau đớn khắp người.

Tôi nhìn xuống cặp chân trần. Chiếc váy đắp không còn nữa. Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra.

Cau chuyen ve co gai roi may bay, tinh day giua nhung xac nguoi hinh anh 1
Tác giả Annette Herfkens.

Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Nhìn mọi thứ lúc này cứ như đang lật một trang sách giáo khoa sinh học.

Tôi giật giật cử động và ngay lập tức thấy đau thấu xương ở hông. Tôi cố ngồi dậy nhưng cơn đau ở ngực ngăn lại. Hơi thở thì thật nhẹ và nông. Mọi suy nghĩ tuôn ra cùng một lúc và chỉ xoay vần quanh những câu hỏi: "Chuyện gì đã xảy ra?", "Tôi đang ở đâu thế này?". 

Tôi nhìn quanh. Mình đang ngồi trên dốc núi, dưới nhiều bụi cây thấp ken dày. Mảnh vỡ máy bay vương vãi khắp nơi. Máy bay gãy cánh. Buồng lái nát bét. Một thực tế kỳ dị và hư ảo. Mọi thứ đều hóa xanh. Và những âm thanh kia nữa! Càng lắng tai nghe, dường như những âm thanh ấy càng chói tai hơn.

Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm 3 mét bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết.

Cao hơn một chút là thi thể bất động của một người đàn ông. Bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó - một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi:

- Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!

Người đàn ông nói, cách phát âm âm “r” của ông ta cứ như âm “l”, y hệt đồng nghiệp người Nhật Numachi của tôi. Cũng bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi với độc nhất chiếc quần lót. Tôi ngượng ngùng nhìn xuống chân, nhìn xương mình phơi lồ lộ qua từng thớ thịt.

Người đàn ông Việt Nam mở chiếc va-li ông đang bấu chặt lấy như chính mạng sống của mình, lấy ra chiếc quần dài đưa cho tôi. Nó làm bằng vải polyester, tôi không cưỡng được ý nghĩ này, nhưng cũng không quên cám ơn ông rối rít. Tuy nhiên khi kéo quần tới hông, tôi chợt nhận ra có một cái gì cực kỳ không ổn đang diễn ra.

Một cơn đau khủng khiếp khiến tôi ngừng thở. Xương mông tôi như bị nghiến lại. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ tư cách trước mặt người lạ, dù là trong hoàn cảnh này. Cắn chặt răng, tôi chậm rãi trong vật vã kéo chiếc quần qua khỏi hông, nhanh chóng kéo khóa quần lại và một lần nữa, cám ơn người đàn ông kia. Ông ấy mỉm cười: “Tôi là người quan trọng nên thể nào họ cũng đến cứu tôi”, ông nói.

“Phải rồi!”, tôi trả lời. Và thực lòng mong như vậy. Quả thực tôi cũng thấy an lòng từ những lời trấn an, và từ chính sự hiện diện của người đàn ông này. Sau đó, mạnh ai người ấy thu mình vào vết thương của mình. Một vài tiếng sau đó chúng tôi có nói chuyện vài lần, và đều do tôi bắt chuyện. Nhưng khi nào đội cứu hộ mới tới? Tôi thấy rất rõ là người đàn ông bên cạnh đang yếu dần đi.

- Đừng chết, đừng chết mà! - Tôi nói như van với ông ta. - Tìm một chút nước đi!

- Tôi có nước rồi. - Ông trả lời, nhưng hết sức thều thào.

“À, vậy thì tốt”, tôi nghĩ. Miệng tôi khô đắng, và tệ hơn, vừa hôi vừa nhớp nháp.

- Cho tôi xin miếng nước nhé? - Tôi hỏi.

Người đàn ông nhắm mắt, và cái chết dường như đang đến mỗi lúc một rõ ràng hơn với ông. Tôi khẩn thiết van nài:

- Đừng chết và đừng bỏ tôi, làm ơn đi mà!

Tôi hầu như thét lên. Nhưng hơi thở của ông mỗi lúc mỗi nhọc nhằn. Tôi cảm nhận rất rõ sự sống đang dần lìa khỏi ông. Ông trút hơi thở cuối cùng. Và ra đi. Cô gái người Việt bên cạnh tôi, trước đó ít phút còn rên rỉ thảm thiết, bây giờ cũng im bặt. Xung quanh im lặng đến tê dại. Mọi thứ bất động đến rợn người.

Không còn ai sống sót.

Ngày đầu tiên đau đớn và chờ đợi

Mọi người chết hết rồi. Còn tôi vẫn ngồi đây. Trong khu rừng này. Một mình. Giữa rừng. Tôi đảo mắt nhìn. Chỉ thấy lá, máy bay vỡ, và xác người. Tôi lắng nghe hơi thở của mình, thật nhọc nhằn như chính tôi đang cảm nhận. Ngực thì cứ đau. Đau lắm! Nhưng tôi vẫn đang thở. Rất rõ và rất to!

Tôi lại quan sát mọi vật: âm thanh, khu rừng, lá cây, máy bay, và lại xác người. Và tôi, đang nằm trên một lớp cây bén nhỏ. Lại cảm thấy đau. Tôi nhích người một chút. Lại đau, lần này ở hông. Sao cái gì cũng đau hết thế này! Chúa ơi, xin người hãy giúp con. Hãy giúp con!

Trán tôi đau như thể đang có ai lấy búa nện vào đầu. Chân hầu như không nhúc nhích được. Chúng cứng đơ và bất động. Tôi nhìn vào đôi tay. Đầy máu. Có hai vết thương mở gần cùi chỏ phải. Có vẻ khá lành. Nhưng khi thử sượt ngón tay lên đó, tôi chỉ muốn thét lên.

Cau chuyen ve co gai roi may bay, tinh day giua nhung xac nguoi hinh anh 2
Annette Herfkens về thăm lại Việt Nam.

Tôi lại cố nhìn vào cảnh vật xung quanh. Tập trung vào lá cây. Vào máy bay vỡ. Vào những xác người. Cô gái người Việt chết với nắm tay còn khép chặt. Người đàn ông cạnh tôi trông cứ như đang ngủ thật an lành với nụ cười ngọt ngào. Như Pasje. Không, không được nghĩ đến Pasje. Không được nghĩ đến Pasje.

Tôi lại nhìn người đàn ông đó. Ông không có gì là sợ hãi cả, chỉ là chết mà thôi. Tôi biết người chết thì trông như thế nào. Tôi đã nhìn thấy xác chết. Tôi nghĩ về những xác chết mình đã thấy. Ông Bongaerts. Bà tôi. Manuel ở Chi Lê.

Bạn chỉ cần nhìn một người chết thôi để đơn giản biết rằng chết là chết. Họ không sợ bất cứ cái gì, và cũng chẳng có gì để mà sợ cả. Tôi nhìn đồng hồ trên tay người đàn ông bên cạnh mình. Trớ trêu là nó vẫn chạy. 10 giờ sáng rồi.

Tôi nhìn bầu trời qua tán cây. Trời đầy mây nhưng không có vẻ gì là sắp mưa cả. Chưa vào mùa mưa sao? Phải chi tôi đọc hết cuốn cẩm nang du lịch. Tôi không biết mình đang ở đâu. Chỉ biết rừng là vô tận. Và tôi cũng không thấy chiếc máy bay nào khác.

Chiếc kế tiếp đâu? Nó phải phát hiện ra chúng tôi chứ? Hình như tôi đang ở tận trên núi. Đâu ai biết là bao xa, tính từ cột mốc nào? Tôi thậm chí còn chưa xem bản đồ! Tôi không biết mình đã bay theo hướng nào. Pasje chính là cái la bàn của tôi. Trời ơi, đừng nghĩ đến Pasje nữa mà!

Tôi nhìn ánh mặt trời qua kẽ lá. Màu của ánh sáng và bóng râm thật đẹp. Từng chiếc lá như tỏa sáng lộng lẫy. Mẹ tôi mà có mặt ở đây thì hẳn bà sẽ thích cảnh vật xung quanh lắm. Mẹ tôi luôn nói là bà không phải lo nghĩ gì cho tôi mỗi khi Pasje ở bên tôi.

Bà tin là tôi luôn bình an bởi vì có Pasje ở bên cạnh. Pasje là một người đàn ông mà... Lại nữa rồi. Không được nghĩ tới Pasje, không được nghĩ tới Pasje! Cố nghĩ về mẹ vậy. Bà cũng hẳn sẽ rất vui khi biết tôi đã chích ngừa rồi.

Mẹ tôi thật tinh quái để “gài” tôi phải đi chích ngừa trước khi sang Việt Nam. Cái gì cũng ngừa, kể cả bệnh uốn ván! Mọi thứ được sắp xếp để buộc tôi phải làm, mặc dù tôi chẳng hề muốn.

Mẹ tôi có sự trợ giúp đắc lực của Jaime, và bảo đảm tôi chích ngừa ngay tại sân bay Schiphol, trước khi tôi bay đi Tokyo. Trước khi đi tôi còn hỏi bà: “Chích ngừa làm gì hả mẹ? Tụi con có đi vô rừng đâu”. Đúng là trớ trêu!

Tôi nhìn xuống chân. Chân tôi sưng vù hết rồi, sưng nhiều quá. Đôi giày ưa thích màu xanh xám da cá sấu đang cứa vào các thớ thịt mà bây giờ trông cứ như không còn là của tôi nữa. Tôi chụp lấy túi xách. Lạ kỳ là nó vẫn còn ở đây. Tôi kiểm tra lại trong túi thì không còn gì đáng kể ngoài những thông tin du lịch hết sức cơ bản. Không có bóp ở đây, Pasje giữ tiền rồi. Đồng hồ cũng không, vì Pasje giữ.

Cau chuyen ve co gai roi may bay, tinh day giua nhung xac nguoi hinh anh 3
Annette Herfkens trong bệnh viện sau khi trải qua 7 ngày trong rừng.

Đừng nghĩ đến Pasje nữa. Điện thoại di động cũng không thấy. Tôi luôn mang theo điện thoại di động. Để gọi Jaime. Tôi nghĩ về Jaime. Không biết anh sẽ nói gì khi biết tôi đang ở đây. Thời gian sắp tới sẽ là những ngày làm việc đầu tiên mà tôi không thể gọi cho Jaime kể từ khi chúng tôi làm chung với nhau. Cho tới thứ tư, ngày mà tôi và Pasje sẽ trở lại TP.HCM.

Jaime chờ điện thoại tôi ngay khi tôi về đến khách sạn. Khi đi tới đâu tôi cũng gọi cho anh. Chỉ để nói về thị trường nơi đó và những quyết định tiếp theo. Nếu thứ Năm mà Jaime không thấy tôi gọi, thế nào anh cũng làm ầm lên. Làm rùm beng lên, tôi biết tính anh quá rõ.

Tôi tiếp tục lục giỏ xách. Túi trang điểm, máy ảnh, ba gói thuốc lá Philip Morris loại siêu nhẹ và hộp quẹt. Túi trang điểm hiệu Loewe làm bằng da mềm thật đẹp. Có tiền mua được nó là bằng chứng cho việc thành đạt của tôi ở ngân hàng Banco Santander. Nhưng bây giờ thì nó chẳng có giá trị gì. Chiếc máy ảnh thì tôi mua ở Tokyo, cùng với Numachi. Numachi.

Người đàn ông Việt Nam vừa chết bên cạnh làm tôi nhớ đến Numachi thật nhiều vì những điểm tương đồng trong cái cách mà ông nói, hay nói đúng hơn, cái cách ông không nói. Và cả cái cách ông cẩn trọng khi trao cho tôi chiếc quần dài khi nãy. Ơn Chúa vì chiếc quần đó, nhờ nó mà tôi không bị lũ côn trùng quái quỷ cắn!

Tôi vẫn hy vọng những gì người đàn ông Việt Nam kia nói là đúng. Sẽ có người đến cứu ông ta sớm, và trong hoàn cảnh này, đến cứu tôi sớm. Còn từ bây giờ cho tới thứ tư, sẽ chẳng có ai nhớ tới tôi. Hôm nay là thứ bảy. Thứ bảy. Chủ nhật. Thứ hai. Thứ ba. Còn bốn ngày nữa mới tới thứ tư.

Tôi không có ý định chụp ảnh, hoặc mở chiếc cặp của người đàn ông Việt Nam vắn số kia. Và tôi cũng không biết làm sao quay trở lại phần chính của máy bay, nơi có những xác người đang nằm la liệt, để tìm đồ ăn và thức uống.

Tôi còn không dám nhìn xuống vai mình. Tôi chỉ có thể ở yên một chỗ, nhìn xuống sườn núi, tự nhủ với mình rằng tất cả đang diễn ra không phải là mơ. Đây là nơi tôi đang ở. Tôi không có một giọt nước.

Chúa ơi, làm ơn giúp con vượt qua nghịch cảnh này. Miệng tôi khô đắng. Khô lắm. Để bớt lạt và khô miệng, tôi định hút thuốc. Nhưng không có đồ ăn và thức uống lúc này, tôi quyết định đây cũng là lúc mình bỏ thuốc.

Pasje chắc sẽ tự hào về quyết định này của tôi lắm. Chắc anh không tin đâu. Không được nghĩ đến Pasje! Tôi lại nhìn mặt trời đi xuyên qua kẽ lá. Đẹp làm sao! Thông thường, tôi không thích rừng núi, mà thích nhìn cảnh mặt trời trên mặt nước hơn. Nhưng lúc này cảnh rất đẹp!

Mặt trời lặn dần. Rơi vào một cõi nào đó. Tôi không còn nhìn thấy mặt trời qua những tán cây nữa. Trời sụp tối rất nhanh. Tôi nhìn đồng hồ: đã 6 giờ chiều. Tới giờ đi ngủ rồi sao? Chắc đành vậy. Tôi không thấy sợ, cũng chưa kịp hiểu tại sao.

Tôi chưa bao giờ trơ trọi một mình như vậy.

(Còn nữa)

Cô gái Hà Lan sống sót trong vụ máy bay rơi máy bay rơi 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh Review sách 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025