2022 là một năm đầy biến động: thế giới bắt đầu thoát khỏi “xiềng xích” của lệnh hạn chế do Covid-19, mạng xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, và Gen Z bắt đầu trở thành nhân tố nổi bật trong thị trường lao động.
Khi năm 2022 sắp kết thúc, chúng ta hãy cùng nhìn lại một số xu hướng hàng đầu đã chiếm lĩnh sự chú ý của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z trong năm nay.
Năm nay, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của #quietquitting - một thuật ngữ khuyến khích mọi người từ bỏ văn hóa hối hả và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra để tìm ra ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này và lý do tại sao nó lại quan trọng đối với Gen Z.
Theo Metro, bỏ việc thầm lặng (quiet quitting) có thể hiểu là nhân viên không cần làm những dự án hay nhiệm vụ không nằm trong mô tả công việc hoặc chỉ đơn giản là không thích làm. Người lao động cần rời văn phòng đúng giờ, từ chối trả lời email hoặc những tin nhắn công việc ngoài giờ làm việc quy định. Nó đi ngược lại với những lời khuyến khích làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình mà Gen Y thường nghe thấy ngày trước.
Chủ đề về việc bỏ việc trong im lặng sau đó đã sinh ra thói quen 9-5 và 5-9. Xu hướng này nhằm khuyến khích mọi người dành thời gian cho bản thân sau một ngày dài làm việc. Nhìn bề ngoài, xu hướng này được coi là lành mạnh vì nó thúc đẩy việc tự chăm sóc và ưu tiên bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quiet quitting và lập luận rằng nó gây ra sự lười biếng, thiếu cố gắng, thiếu ý chí và lên án Gen Z đã đầy đủ về mặt vật chất nên không còn muốn phấn đấu sự nghiệp, kiếm tiền.
Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ tương tự cũng xuất hiện như quiet promotion (thăng chức thầm lặng) - giao nhiều việc hơn cho nhân viên và thuật ngữ đối lập quiet firing (sa thải thầm lặng) - giảm bớt việc, gây khó dễ để nhân viên tự xin nghỉ.
Thậm chí còn có cả #antiwork dành cho những người ghét làm việc, chỉ muốn bỏ việc. Gen Z cũng bị đánh giá là có xu hướng nhảy việc nhiều hơn những thế hệ trước. Tỷ lệ này đưa ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi liệu đó là biểu hiệu của việc Gen Z đang tự tin hơn hay ảo tưởng hơn.
Rõ ràng là không ít các Gen Z có tư tưởng về làm việc khác đi so với thế hệ trước và khuyến khích sự ổn định về tinh thần và mặc dù có một số thất bại, nhưng thật đáng khích lệ khi thấy thế hệ tương lai thúc đẩy sức khỏe tinh thần.
Thế giới 2022 chứng kiến một đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đồng euro đã hạ giá xuống ngang đô la Mỹ và ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... bão giá đã diễn ra một cách rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tất cả mọi người.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã trở thành một vấn đề phổ biến trên khắp thế giới, không chỉ với người trẻ trong năm nay. Và nhiều cuộc thảo luận trên không gian mạng đã diễn ra xung quanh các chủ đề liên quan, nhiều người làm nội dung trên mạng dạy quản lý tài chính xuất hiện và những người giàu có cũng phải tiết chế lại thói quen mua hàng hiệu của mình.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện tại đều đã mở cửa biên giới và đón khách du lịch, dù các biện pháp quản lý nhưng yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine vẫn được thực hiện.
Mặc dù thuật ngữ này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng “du lịch trả thù” đề cập đến nhu cầu mong muốn đi du lịch mãnh liệt của mọi người sau gần 2 năm trời bị “kìm chân” trong nhà vì đại dịch. Theo thống kê của Expedia, 2 phần 3 người trong thế hệ Gen Z được khảo sát có mong muốn và đã “du lịch trả thù”. 8/10 khách du lịch Gen Z và Millennial của Mỹ đang tìm kiếm trải nghiệm độc đáo cho chuyến đi tiếp theo của họ, tức không phải du lịch đến các địa điểm nổi tiếng, theo phong cách thông thường mà có yếu tố phiêu lưu, độc lạ hơn như một cuộc đi săn hay phiêu lưu trong rừng.
Trong nhiều năm trời, lối sống và thẩm mỹ tối giản (Minimalist) cực kỳ thịnh hành. Từ việc sắp xếp gọn gàng và chỉ sử dụng những thứ phục vụ nhu cầu tối thiểu của con người, Gen Z thế giới gần đây chuộng phong cách hoàn toàn ngược lại: lối sống tối đa (Maximalist).
Giống như bất cứ thứ gì trên internet, xu hướng thường có thể thay đổi và Maximalist như một cách "đáp trả" của thế hệ mới với Minimalist của Gen Y.
Đối với Gen Z, mục đích chính của việc sở hữu đồ đạc là để tận hưởng nó, và việc cố gắng trở nên tối giản và có rất ít đồ đạc có vẻ đáng buồn. Một người thích chủ nghĩa tối đa sẽ dùng giấy dán tường có màu sắc rực rỡ và đồ nội thất có hình dạng và hoa văn cầu kỳ, diêm dúa, chóng mặt, nhiều lớp, hay thậm chí lấp lánh và trông như một cung điện hoàng gia. Những người sống tối đa cũng mặc bộ đồ lòe loẹt, cá tính và tuyệt đối không bao giờ đơn giản.
Gen Z không thích bị bảo phải làm gì. Họ không xếp hàng để trở thành một phần của lực lượng lao động 9-5. Những người thuộc thế hệ này rất linh hoạt và tự tin xác định những điều họ thích và không thích. Vì vậy, đối với Gen Z, chủ nghĩa tối đa không chỉ là một lựa chọn về thiết kế nội thất hay thời trang. Đó là một cách tồn tại.
Nguồn: Vox, Cosmopolitan, The Fifth Agency