Khi hình dung về thiền định, có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một người đang ngồi khoanh chân và nhắm mắt rất bình thản. Đây là cách mà việc hành thiền thường được miêu tả trên các phương tiện truyền thông, ít nhất là ở phương Tây. Nhưng hình ảnh này lại vô tình khiến người ta hiểu lầm rằng mục đích căn bản của thiền định là nhằm giúp bạn thư giãn. Nhận thức này khác xa với sự thật.
Mỗi khi bạn ngồi im lặng và cố gắng tập trung vào hơi thở, nhiều suy nghĩ, cảm xúc và thôi thúc – thường là rất khó chịu – lại bắt đầu trỗi dậy. Thực hành chánh niệm tức là bạn không để bản thân đắm chìm vào những suy nghĩ, cảm xúc và thôi thúc đó, mà hướng sự tập trung quay lại với hơi thở của mình. Thiền sư Jon Kabat-Zinn đã viết: “Việc của bạn chỉ đơn giản là quan sát và buông bỏ, quan sát và buông bỏ, đôi khi là quan sát và buông bỏ một cách thường xuyên và nghiêm khắc nếu cần… Chỉ quan sát và buông bỏ, quan sát và để mọi việc diễn ra”.
Chánh niệm dạy bạn cứ để cơn ngứa diễn ra mà không đưa tay gãi – dù đó là cơn ngứa theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Bạn nhìn nhận và cảm giác được nó, mỉm cười với nó và tập trung trở lại vào hơi thở. Bạn sẽ nhận ra rằng khi bạn không gãi, hầu hết các cơn ngứa sẽ tự biến mất.
Nếu bạn thường xuyên thực hành chánh niệm, nhiều “cơn ngứa” trong cuộc sống sẽ không còn ảnh hưởng tới bạn nữa, nhờ đó, bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc hướng sự chú ý của mình vào những nơi bạn muốn. Bạn có được khả năng nhận ra các yếu tố gây phân tâm – cả bên ngoài lẫn bên trong – và hướng sự tập trung của mình trở lại với những gì quan trọng mà không phán xét, thay vì phản ứng một cách bị động với mọi điều xảy đến với bản thân. Bạn không thể đạt được điều này trong ngày một ngày hai. Bạn cần phải thực hành thường xuyên.
Nhà sư Bhante Gunaratana đã viết: “Để có thể phá bỏ những khuôn mẫu tư duy đã cắm rễ sâu trong tâm trí, ta phải liên tục thực hành chánh niệm. Các yếu tố gây phân tâm thật ra chỉ là những con cọp giấy. Tự thân những yếu tố này không hề có sức mạnh. Chúng cần được cho ăn liên tục, nếu không chúng sẽ chết”. Khoa học hiện đại đồng ý với kết luận này.
Các nghiên cứu cho thấy năng lực tập trung cũng giống một loại cơ bắp. Sự chú tâm trong hiện tại sẽ giúp củng cố khả năng tập trung trong tương lai. Tương tự như vậy, nếu để mình thường xuyên bị phân tâm ngay lúc này, bạn sẽ dễ có khuynh hướng xao nhãng trong tương lai.
“Nghệ thuật sống vững vàng” - Cuốn sách mang đến một tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn về thành công. Thành công không có nghĩa là phải đi kèm với kiệt sức, sự bận rộn, gấp gáp hay cảm giác cô đơn, lo âu, trống rỗng. “Một quyển sách giúp chúng ta theo đuổi những thành tựu xuất sắc với một tâm trạng thoải mái hơn” - Adam Grant