Phải chăng con người hiện đại đều đang cuống cuồng tìm cách đứng vững giữa thế giới hỗn loạn với một tâm hồn đầy căng thẳng, mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng? Càng bận rộn, ta càng nỗ lực hết sức để tận dụng những điều tốt đẹp của cuộc sống xô bồ hiện đại, cố gắng đưa tâm đến gần hơn với chữ “yên” và nhận ra điều đó gần như là bất khả thi.
“Chúng ta cần một bộ quy tắc hướng dẫn mới để định hướng cuộc đời mình, để tìm cho mình bình an và trật tự ngay trong thế giới mà ta đang sống” - Pedram Shojai
Đó là những phương pháp thực hành vô giá được tác giả đề cập trong cuốn sách “Tu giữa đời thường” như cẩm nang của một “tu sĩ chốn thị thành”.
Cuốn sách được chia thành mười chương lần lượt đề cập đến những vấn đề chính yếu mà hầu hết chúng ta gặp phải trong thế giới hiện đại bằng cách giới thiệu sơ bộ những trường hợp bệnh nhân cụ thể của Pedram Shojai cùng hành trình vượt qua của họ. Qua đó, độc giả dễ dàng liên hệ đến nhiều người với nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống của mình, nhờ đó có thể đồng cảm hơn với ai đó khi thấy họ đang chật vật.
Không thể phủ nhận rằng cuộc sống lý tưởng hầu hết cư dân trong thành phố mong muốn là “một ngôi nhà khang trang ở khu cao cấp với hồ bơi và bể tắm Jacuzzi” và hàng loạt những thước đo như “một luật sư giỏi thì phải đi xe Lexus” hay “là cha mẹ tốt thì phải cho con học trường tư”. Để rồi ngay cả khi đã “có một mái nhà che đầu, có xe để đi, đồ ăn thức uống luôn sẵn sàng” thì từ trong sâu thẳm họ vẫn thấy vô cùng sợ hãi đến mức cảm thấy mệt mỏi hơn trong chính kì nghỉ của mình.
Giải thích điều này, tác giả Pedram Shojai cho rằng “nguồn cơn là do chúng ta đã trở nên quá thành thạo trong việc nhồi nhét rất nhiều việc phải làm vào thời gian biểu của mình, ta cam kết quá nhiều thứ trong một khung thời gian nhất định, nhiều hơn mức ta có thể hoàn thành một cách hợp lý”. Trong dòng chảy hối hả của đời sống đô thị, nghỉ ngơi và thư giãn là điều không được chấp nhận và được xem như là dấu hiệu của lười biếng và yếu mềm. Năng suất là tất cả. Chúng ta không dành thời gian để hồi phục, mà trái lại còn nhét thêm nhiều việc vào mỗi ngày của mình khi cố đặt chúng vào các mốc thời gian bất khả thi và rồi chúng ta liên tục căng thẳng vì trễ nải và cũng không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả mọi việc như dự tính.
Chúng ta là kẻ ham ngược đãi, chúng ta hy vọng hão huyền rằng đến một lúc nào đó chúng ta bắt kịp tiến độ và khi đó có thể thong thả. Thế nhưng chúng ta không có cách nào làm được như vậy. “Lúc nào đó” mà bạn mơ ước sẽ chẳng bao giờ đến nếu “lúc này” mọi thứ vẫn hỗn loạn.
Sự cạn kiệt năng lượng khiến tình trạng mệt mỏi đứng đầu danh sách những lời than vãn của bệnh nhân ở các phòng mạch của bác sĩ. Cơ thể luôn báo cho chúng ta biết có điều gì đó không ổn nhưng chúng ta thường quá bận rộn để lắng nghe.
Năng lượng giống như tiền mặt vậy. Phương Đông gọi nó là Khí. Nó là một loại “tiền tệ” lưu chuyển. Nó cần phải lưu chuyển tuần hoàn một cách dồi dào khắp cơ thể chúng ta. Nếu chúng ta luôn cân bằng, nguồn năng lượng của ta sẽ khỏe mạnh và không ngừng luân chuyển.
Nếu có thể quản lí quỹ thời gian cá nhân một cách hiệu quả hơn, ta sẽ giúp cơ thể thoát khỏi sự ngột ngạt. Từ đây, tác giả đưa ra đề xuất phương pháp làm việc theo “chu trình hai mươi lăm phút làm việc và năm phút buông xả” như một chìa khóa làm chủ thời gian hay nói cách khác là tận dụng tối đa từng thời khắc trôi qua và làm cho nó trở nên có ý nghĩa thay vì “phung phí ngày giờ vào những chuyện ngớ ngẩn chẳng giúp ích gì cho việc thực hiện hoài bão hay tiếp thêm nguồn sinh lực cho mình”.
Tác giả cho rằng chìa khóa để giải phóng chúng ta chính là “quay về với phút giây hiện tại” vì “có vẻ chúng ta đã trở nên lão luyện trong việc tiêu tốn phần lớn thời gian thực tại của mình vào một “thời điểm khác”, mãi quanh quẩn với một sự kiện đau buồn “hồi đó” hoặc một sự kiện mà chúng ta tiên đoán sẽ “sớm” xảy ra”. Có thể nói, với kiến thức uyên bác của một bác sĩ – tu sĩ Đạo giáo, Pedram Shojai đã đem đến cho độc giả những phương pháp thực hành hữu hiệu từ “Các phương pháp thực hành phương Đông” đến “Các chiêu thức tu tập thời hiện đại”, giúp chúng ta từng bước làm chủ thời gian – giành lại cuộc đời mình.
Suốt hàng ngàn năm, cuộc sống con người luôn gắn liền với vận động, tổ tiên chúng ta đã từng “săn bắt và hái lượm nhiều giờ dưới ánh mặt trời, đương đầu với thời tiết giá lạnh hay phải ngủ trong cái nóng ngột ngạt; chúng ta chiến đấu để sống và đôi khi chạy trối chết để giữ lấy mạng sống”. Ngày nay, tất cả những điều đó đã thay đổi khi chúng ta “mắc kẹt trong văn phòng với ánh sáng nhân tạo, hệ thống lọc không khí tuần hoàn, những tấm thảm trải sàn và chất tẩy rửa độc hại, những tư thế ngồi trái với tự nhiên”.
Đời sống bận rộn với hàng loạt hóa đơn và kế hoạch phải hoàn thành, “chúng ta nằm trên giường trằn trọc rồi thức dậy, đến chỗ làm để lại ngồi suốt cả ngày”. Đó là lý do vì sao tỷ lệ bệnh béo phì, tiểu đường và tim mạch ngày càng tăng – đó rõ ràng là vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết ngay.
Tác giả đi sâu phân tích nguồn cơn của vấn đề để đưa ra giải pháp một cách logic và hiệu quả. Theo ông, chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà “con người tự đưa vào môi trường sống đủ loại chất độc hóa học. Có quá nhiều thứ độc hại như vậy ở ngoài kia đến mức chúng ta khó mà tách biệt xem chính xác thì cái gì là nguyên nhân gây ra sự gia tăng khủng khiếp các bệnh ung thư, bệnh tự miễn, chứng tự kỷ”. Một chế độ ăn theo kiểu “Carbohydrate nuôi sống cả thế giới” cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ lụy sức khỏe này. Bên trong một cơ thể nặng nề chẳng thể tồn tại một tâm hồn tươi mát và phóng khoáng bởi sức khỏe thể chất là nền móng vững chãi cho đời sống tinh thần.
Chúng ta loay hoay với những buổi tập gym và đốt cháy năng lượng, chuyện ăn kiêng và cảm thấy như mình đang “chỉ quay mòng mòng và thử đủ cách linh tinh mà thôi”. Đó là lý do Pedram Shojai cung cấp một lộ trình với từng bước rõ ràng để chúng ta sống “nhẹ như mây”. Bằng việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn các bài tập thiền định phương Đông như “Ăn trong tỉnh thức” hay “Ăn như một tu sĩ” với kỹ thuật tu tập hiện đại, người đọc dễ dàng hình dung và lựa chọn “khung tham chiếu” phù hợp với bản thân để tẩy sạch những “nghiệp quả ăn uống”. Chúng ta không còn loay hoay trong vòng lặp của sự tăng cân mất kiểm soát – chế độ ăn thiếu khoa học, giờ đây ta đã có trong tay tấm bản đồ với đích đến rõ ràng và hành trình cụ thể, từng bước sống với một phiên bản mới mạnh khỏe hơn.
Đã bao giờ bạn thức giấc và nhận ra mình đã hoàn toàn lạc lối trong thế giới kim tiền này khi mà mọi nỗ lực phấn đấu của bản thân không nhằm đi đến một mục đích cao cả, ý nghĩa nào và hai mươi tư giờ trôi qua chỉ như “hoàn thành” chứ không phải là “sống”? Đó là bởi “chúng ta sống trong một nền văn hóa mà lẽ sống đã mai một và ta cứ tìm kiếm nó ở những nơi nó không tồn tại. Ta không còn nghe kể về hành trình của những người anh hùng. Những câu chuyện xưa được kể quanh đống lửa ngày nay đã được thay thế bằng các phim sitcom và chương trình truyền hình thực tế”.
Vì thế, “chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời mình nhưng chỉ thấy trống rỗng hoặc chỉ tạm hài lòng đôi chút, ta tin tưởng hoàn toàn vào một thế giới quan được bày sẵn trước mắt mình nhưng không tìm thấy ở nó ý nghĩa thật sự”. Mọi thứ đều bị phủ một màu xam xám và ta không ngừng thắc mắc rằng “Điều gì đã mất đi?”.
Theo Pedram Shojai, tình trạng này là biểu hiện của một hội chứng mang tên “Chứng rối loạn thiếu thiên nhiên”. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta sống ở những nơi mà toàn bộ mặt đất đã được lát đá, cơ hội duy nhất để thật sự tiếp xúc với đất là ở những “vườn thú tự nhiên” mà chúng ta gọi là công viên.
“Chúng ta ngày càng tự xem mình như một con thú đi ngang qua Vườn Địa Đàng và tàn phá nó. Chỉ trong khoảng thời gian vài thế hệ, chúng ta đã phát triển những công nghệ và hóa chất tổng hợp tự cho phép mình tách rời khỏi thế giới tự nhiên và ngắt kết nối với mạch nguồn của sự sống”.
Tác giả cho rằng sự mất kết nối với tự nhiên và những giá trị thật “tạo ra một khoảng trống trong khả năng tự chữa lành và kết nối với sự sống quanh ta, khiến cho nhân loại bị tan tác thành một lũ ma đói, trôi trong dòng đời chỉ để kiếm tìm xe cộ, tiền tài, thức ăn, thuốc uống hoặc bạn tình để có cảm giác hạnh phúc và đủ đầy”.
Ai đó ngoài kia hoặc có thể là chính chúng ta đang bơ vơ, cô độc, không tìm thấy sợi dây liên kết nào với thế giới thực tại. “Hàng triệu người sống giữa chốn đông người nhưng vẫn cảm thấy đơn độc”. Giống như đang diễn một vở kịch, “họ vẫn đối xử hòa nhã hết mức có thể với mọi người vào ban ngày, nhưng khi trở về nhà, họ lại đối mặt với cuộc sống cô độc trước màn hình tivi hoặc dành vô số thời gian để tìm niềm vui trên mạng. Bạn có thể có hàng ngàn bạn bè trên Facebook nhưng lại chẳng có một ai để gọi điện hàn huyên cuối ngày. Bạn có thể có rất nhiều bạn cũ ở quê nhà nhưng họ không hề biết bạn đang chán nản và khổ sở thế nào”.
Tác giả cho rằng một yếu tố quan trọng góp phần gây nên vấn đề này là nhận thức tự thân. Chúng ta có một ý thức sai lầm về việc chúng ta “nên” là người như thế nào – chúng ta nên có vẻ ngoài thế nào, nên ăn mặc ra sao, nên làm gì, và nên có sở thích ra sao. Đó là lí do vì sao “chúng ta bị ngắt kết nối với bản chất Vĩnh Cửu của mình nên ta phát hoảng với ý nghĩ cuộc đời chỉ có thế - rằng tất cả những vấn đề của chúng ta sẽ càng nặng nề hơn, và theo thời gian, mọi chuyện sẽ ngày càng tồi tệ”.
Vậy làm sao để ta tìm thấy ánh sáng nơi đường hầm tăm tối? Pedram Shojai khẳng định “mỗi chúng ta đều sinh ra để trở thành một ngôi sao” và tìm cách trở về nguồn cội của mình hay bắt đầu xây dựng một cuộc sống gia đình cân bằng là chìa khóa để chúng ta tỏa sáng. Bởi “khi kết nối với những người khác, chúng ta trở nên toàn vẹn”. Phương thức “Thiền định tâm” hay học cách kết nối trở lại với luân xa tim là một cách hiệu quả để đạt đến tâm thức siêu cá nhân. Bên cạnh đó, phương pháp trị liệu tâm lý và những bài luyện tập “Ra khỏi vùng an toàn” phát huy tính hữu ích trong việc giúp bạn không còn đơn độc trên hành trình của mình.
Cùng với Pedram Shojai đi trên hành trình trở thành một người “thầy tu chốn thị thành”, chúng ta sẽ không ngừng tăng tiến và khai thác sức mạnh của bản thân, trở nên “điềm tĩnh, có mặt trong hiện tại, thân thiện, hữu ích, giàu có và tràn đầy sinh lực”. Với lối viết đơn giản và bố cục logic, “Tu giữa đời thường” đánh thức năng lượng tiềm ẩn, khai mở tâm trí bên trong chúng ta – những con người đang chật vật trong đời sống đô thị ngột ngạt.
Hãy để sự thực hành dẫn dắt bạn ra khỏi bế tắc và tìm thấy trạng thái bình yên, mang trạng thái đó đi bất cứ đâu và lan tỏa nó khắp toàn cầu. Hãy khoác chiếc áo “thầy tu” vô hình, bắt đầu hành trình tìm kiếm chính bản thân mình bởi “Chúng ta không cần thêm những người thiện tâm đi tìm lối thoát bên ngoài xã hội. Chúng ta cần bạn ở đây, cần bạn có mặt trong giây phút này. Các thế hệ con cháu chúng ta mong mỏi điều này. Hành tinh của chúng ta cần điều này. Mọi dạng sự sống xung quanh đều cần chúng ta quay trở lại đúng vị trí trên phương trình sự sống”. Và bạn – đừng chần chừ nữa mà hãy bắt đầu ngay bây giờ, bạn nhé.