Trong trời đất, tất cả đều thay đổi biến chuyển không ngừng. Để tiến hóa, con người cần có một động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ hoạt động mà ta gọi là lòng đam mê. Đây là một yếu tố cần thiết vì thiếu yếu tố này, con người sẽ sống thụ động như cây cỏ, gỗ đá, chẳng có cảm giác và không thể tiến bộ. Nhờ đam mê mà con người hoạt động, thay đổi - đó chính là yếu tố dương, có tính cách hao tán và hướng ngoại.
Để ngươi hiểu rõ hơn, ta lấy một ví dụ cụ thể, chẳng hạn người mẹ dạy con tập đi. Bà mẹ không hề dạy đứa bé về các bắp thịt ở chân hoạt động ra sao, vì đứa nhỏ sẽ chẳng hiểu gì cả. Thay vì giải thích, một bà mẹ khôn ngoan sẽ đưa một món đồ chơi ra trước mặt con và nói: “Con đến lấy đồ chơi này!”. Đứa bé vì thích món đồ chơi sẽ cố gắng đứng dậy lấy đồ chơi và vô tình chập chững đi rồi sau dần dần biết đi.
Sách Bên rặng tuyết sơn. |
Thượng đế đã đặt biết bao “đồ chơi” chung quanh con người để thúc đẩy chúng ta hoạt động và tiến bộ. Có thể ngài đã nói: “Này các con, các con hãy đến lấy những món đồ chơi này đi. Đây là tiền bạc, tài sản, danh vọng, địa vị, tình yêu...”. Cũng như một đứa bé ham đồ chơi, con người hăng hái đi tìm những “đồ chơi” hấp dẫn đó.
Ngươi cần biết, lúc đầu đam mê là điều cần thiết để thúc đẩy hoạt động vì mục đích của cuộc đời là bước đi bằng nỗ lực của chính mình chứ không phải ngồi chờ đợi những gì xảy đến. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết nên đa số con người đã lầm lạc, hoang tưởng phương tiện là cứu cánh, nghĩ rằng các món “đồ chơi” đó là mục đích của cuộc đời và mải tìm kiếm, nắm bắt.
Dĩ nhiên họ sẽ thất vọng vì cái họ muốn luôn ở ngoài tầm tay. Hễ đạt được cái này thì lòng ham muốn lại thúc giục họ đi tìm kiếm thêm cái khác nữa và cứ thế, họ tìm mãi mà chẳng bao giờ toại nguyện. Dần dần họ sẽ học được bài học về sự đau khổ, thất vọng; vì sự đau khổ là một kinh nghiệm quan trọng giúp họ ý thức rõ mục đích của cuộc đời.
Đa số nhân loại vì thiếu hiểu biết nên đã hao tổn năng lực để theo đuổi các điều kiện vật chất. Điều đáng tiếc là một số tu sĩ lẽ ra phải hiểu biết hơn lại sa vào những vết xe đó. Họ dồn tất cả năng lực để chạy đuổi theo các hình tướng bên ngoài như nghi thức, phẩm trật, chức tước hay xây dựng các đền thờ lộng lẫy, coi đó là mục đích chính của tiến trình tu tập. Tệ hơn nữa, họ còn trích dẫn từng câu từng chữ trong kinh văn, tìm trong đó có bao nhiêu dấu chấm, dấu phẩy rồi giải thích chân lý theo con số những dấu chấm, dấu phẩy đó. Hậu quả là chân lý đã biến thành một thứ tôn giáo suy kiệt, thoái hóa, đầy mê tín dị đoan.
Trích sách Bên rặng tuyết sơn.