Loạt câu chuyện đặc biệt này về Alexander Đại đế trích từ sách "Muôn kiếp nhân sinh" (phần 2). Người xưng "tôi" trong bài là nhân vật chính, có nhiều dịp cận kề và dõi theo hành trình chinh phục thế giới của Alexander Đại đế.
Nhà cai trị thực dụng
Tuy đã chinh phạt các nơi, được suy tôn là Vua của Á Châu nhưng đối với dân chúng xứ Ba Tư, Alexander vẫn là người ngoại quốc. Muốn được dân chúng chấp nhận, Alexander đã xin cưới Barsine, con gái lớn của Vua Darius. Sau đó, ông xin cưới luôn cả Parysatis, cô con gái ít tuổi nhất của Vua Ochus.
Với khả năng cầm quan tài tình, Alexander được mệnh danh là hoàng đế "bách chiến bách thắng". (Ảnh: Pinterest)
Qua hai cuộc hôn nhân, làm rể của hai vị cựu hoàng đế, Alexander chính thức trở thành người của dòng họ Achaemenid, dòng họ đã cai trị Ba Tư hơn hai trăm năm. Người trong gia tộc này đều nắm giữ các vị trí quan trọng nên khi là người thuộc dòng họ này, Alexander không sợ bị phản bội. Những người bạn thân tín của Alexander như Hephaestion, Simonides và trước đó là Seleucus, cũng đã lần lượt lập gia đình với những người thuộc dòng họ quý tộc Ba Tư.
Từ đó, triều đình của Đế quốc Hy Lạp tại Babylon bắt đầu chuyển qua một sắc thái mới mẻ, hài hòa, với quan quân, tướng sĩ bao gồm cả hai sắc tộc.
Một hôm, Alexander gọi Cleitus vào triều, phong cho viên tướng này làm thống đốc vùng Bactria. Trong số các bạn thân của Alexander, Cleitus là người đã từng theo Vua Philip đi dẹp loạn, lập nhiều công trạng và là người huấn luyện bộ binh theo đội hình Phalanx nên rất được lòng binh sĩ. Trong cuộc viễn chinh, Cleitus luôn theo sát Alexander trong mọi cuộc chiến và từng cứu mạng nhà vua trong trận Granicus.
Không muốn phiền phức với các nghi thức triều đình cũng như tránh phải đối phó với các bà vợ hay những than phiền trong hậu cung nên Alexander lợi dụng cơ hội tiễn chân Cleitus lên đường, bèn rủ các bạn đến doanh trại cách xa Babylon, tổ chức một buổi tiệc mừng, ca hát với nhau như khi xưa. Đã lâu không được tự do uống rượu nên trong bữa tiệc mọi người đều uống đến quên trời quên đất.
Rượu vào lời ra, những điều chất chứa trong lòng anh em tướng sĩ đều theo men rượu mà tuôn ra hết. Tuy được phong làm thống đốc nhưng Cleitus cho rằng đang làm tướng mà không được chỉ huy quân đội hay tham gia trận mạc, bị đưa đi làm quan cai trị nơi hẻo lánh chính là dấu hiệu thất sủng. Trong lúc say, Cleitus than rằng với công lao vào sinh ra tử của mình mà chỉ được chức thống đốc tại miền biên thùy hoang vu, nơi các bộ lạc thường nổi loạn, với vài ngàn binh lính già yếu thì không công bằng.
Vì những lời chê trách của người bạn, Alexander Đại đế sẵn sàng giết người đó để xử tội hỗn xược. (Ảnh: Wp)
Alexander lúc đó cũng đã say, bèn quát: "Ta đã chinh phục Bactria, dẹp tan các phần tử phản loạn. Đâu còn gì để ngươi phải lo. Ngươi may mắn nhờ ta mới được chức thống đốc, nếu vẫn ở yên tại Pella thì cũng chỉ là tay luyện binh quèn chứ làm sao lên được địa vị này."
Cleitus lúc đó cũng đã bị men rượu dẫn dắt, lớn tiếng cãi lại: "Nếu không có đội hình Phalanx do tôi huấn luyện thì làm sao ngài thắng được quân Ba Tư. Là người Macedonia mà ngài dám mặc quần áo Ba Tư, lấy vợ Ba Tư, cư xử như một người Ba Tư, thật không biết xấu hổ…"
Alexander nổi trận lôi đình, ném bình rượu đang uống vào mặt Cleitus rồi gọi quân sĩ bắt Cleitus lại để hành hình ngay nhưng mọi người vội vã can ngăn. Tất cả tướng lĩnh trong buổi tiệc đó đều là bạn thân, chơi với nhau từ nhỏ, trải bao trận chiến cùng nhau nên không ai muốn sự việc đi xa hơn. Alexander gọi người cho mang vũ khí đến để ngài xử tội kẻ hỗn xược. Perdicas và Philiteus vội vã kéo Cleitus ra khỏi lều nhưng Alexander lập tức đuổi theo, giằng lấy cây giáo của một lính canh gần đó, xông đến đâm thẳng vào Cleitus. Trong lúc giằng co, Cleitus vừa quay lại thì lưỡi giáo đã xuyên qua ngực.
Cái chết của Cleitus gây ra sự hoang mang lớn trong quân đội Macedonia. Mặc dù khi tỉnh rượu Alexander đã rất hối hận, cho chôn cất tử tế và ra lệnh mang một số vàng lớn về cho gia đình của Cleitus nhưng binh sĩ, nhất là đội quân Phalanx vốn trung thành với người chỉ huy của mình đã tỏ ra vô cùng bất mãn.
Không ai đi qua chiến tranh mà vẫn như xưa
Từ lâu những người lính Macedonia không chấp nhận việc hoàng đế của họ thay đổi lễ nghi triều đình, ăn mặc như người Ba Tư, bắt các quan phải quỳ lạy khi vào triều. Sự bất mãn lan rộng hơn khi Alexander phong cho Philiteus lên làm chỉ huy đội hình Phalanx thay cho Cleitus, một số binh sĩ đã nổi loạn. Một trận giao tranh xảy ra trong nội bộ các binh sĩ Macedonia.
Dù ông lãnh đạo quân lính rất giỏi nhưng cách hành xử của ông ngày càng khiến quân lính bất mãn. (Ảnh: Wp)
Nhờ có lực lượng hộ vệ thân tín của Perdicas và Hephaestion, nên những binh sĩ này rốt cuộc đều bị bắt. Thế nhưng, trong trận giao tranh, Leonidas đã bị thương nặng. Được tin, tôi lập tức đến ngay khu bệnh xá và nhìn thấy người bạn cũ nằm đó, khắp thân mình đều là máu. Nhìn thấy tôi, Leonidas thều thào: "Tôi biết mình khó sống tiếp, tôi hy vọng cậu nghĩ đến tình bạn khi xưa giữa chúng ta mà giúp tôi một việc. Tôi lo cho Yasamin... Nàng sắp sinh con, không thể sống ở nơi loạn lạc thế này được. Liệu cậu có thể đưa vợ tôi về Hy Lạp và bảo vệ cho nàng không?"
Đây là một trọng trách nặng nề, hơn nữa sự việc quá bất ngờ, khiến tôi có phần do dự. Tuy nhiên, nhìn thấy thân thể đẫm máu của Leonidas, tôi không muốn người bạn thân phải lo lắng trước khi nhắm mắt nên đã miễn cưỡng gật đầu. Leonidas vui mừng nắm chặt lấy tay tôi, yếu ớt nói lời cảm ơn. Hôm sau, Leonidas qua đời. Sau khi chôn cất bạn mình, tôi đến tìm Yasamin nói về đề nghị của Leonidas nhưng cô từ chối, quyết không chịu rời Babylon.
Khi trở về Pella, tôi báo cho Dimitris biết việc con trai ông đã qua đời nhưng không nói gì về việc Leonidas ủy thác. Dimitris vô cùng đau khổ, bao nhiêu kỳ vọng ông đặt ở đứa con trai duy nhất đã tan thành mây khói. Sophia, người con gái mà ông đã thu xếp cho lấy Philotas, nay cũng trở thành góa phụ. Tài sản của gia đình Parmenion cũng đã bị tịch thu. Quá đau buồn, Dimitris gửi thư cho Antipater xin từ chức và giao mọi việc lại cho Deasius, chồng của Isidora.
Trước khi tôi lên đường trở lại Ba Tư, Melissa đã tìm đến gặp tôi, trông cô tiều tụy hơn trước. Cô hỏi: "Ta biết Leonidas đã được Hoàng đế Alexander cho chôn cất cẩn thận. Nhưng Yasamin ra sao? Ai sẽ lo cho đứa con của Leonidas?"
Một lần nữa, thái độ điềm nhiên và tâm hồn thánh thiện của Melissa khiến tôi ngỡ ngàng. Hiển nhiên, cái chết của Leonidas là nỗi đau rất lớn với cô, nhưng tại sao lúc này cô còn quan tâm đến người phụ nữ kia? Tôi đành thuật lại với Melissa lời trăng trối của Leonidas và cả việc Yasamin từ chối rời Babylon. Melissa liền nói: "Leonidas muốn đưa Yasamin về sống tại đây thì ta cũng muốn vậy. Chính cậu cũng đã hứa với Leonidas như thế mà. Hơn nữa, ta cũng phải lo cho đứa con của Leonidas. Nó không thể sống tại một nơi bất an, loạn lạc như thế được."
Những cuộc dấy binh làm phản của quân lính đều bị Alexander Đại đế đàn áp không kiêng nể. (Ảnh: Greece)
Khi tôi trở lại Babylon thì Yasamin đã sinh được một đứa bé gái. Tôi cố thuyết phục nhưng cô nhất định không chịu rời khỏi đó. Tôi đem sự việc bàn với Antigenidas. Anh ấy suy nghĩ một lúc rồi nói: "Yasamin không muốn đi thì thôi vậy. Nhưng đứa con của Leonidas thì khác, dù nó là con của Leonidas với người phụ nữ khác, nhưng trên danh nghĩa vẫn là cháu ta. Không thể để nó sống vất vưởng nơi đây được. Cậu mang đứa bé về đây, ta có thể tìm trong đám nô lệ một người đàn bà vừa sinh con để trông nom đứa bé."
Tôi không nhẫn tâm làm việc đó nên đã tìm cách thoái thác. Nhưng Antigenidas thì đã quyết. Sau đó Antigenidas cho người bắt đứa con của Leonidas và sai một nô lệ trông nom để giao lại cho Melissa.
Trong lần gặp nhau kế tiếp, chúng tôi cãi nhau một trận kịch liệt về việc này. Cuối cùng, Antigenidas nổi giận: "Ngươi chỉ là một đứa nô lệ trong khi ta chỉ huy binh sĩ, có toàn quyền trong tay. Ta muốn làm gì là việc của ta, ngươi không có quyền phản đối. Nếu không phải vì tình bạn trước nay giữa chúng ta thì lưỡi gươm này đã cắm vào ngực ngươi rồi."
Câu nói đó khiến cho tình bạn của chúng tôi bị sứt mẻ nặng nề. Từ đó tôi tránh không gặp Antigenidas nữa. Vì Leonidas đã qua đời, không còn thư từ qua lại, nên tôi không trở về Pella mà tìm cách ở hẳn tại Athens. Tôi được biết Melissa trở thành người mẹ trông nom đứa con mới được mấy tháng của Leonidas.
Mãi về sau, nhớ lại tôi mới hiểu, họ đã bị chiến tranh bào mòn. Như thi sĩ Homer đã nói trong sử thi Iliad, không ai đi qua chiến tranh mà vẫn như xưa.
* GS John Vũ - Nguyên Phong: Muôn kiếp nhân sinh 2.