Một vị thầy đúng nghĩa không phải là người có nhiều kiến thức, hay ăn nói lưu loát, mà phải là người bạn đồng hành của đứa trẻ, dìu dắt nó như một người ngang hàng, chứ không dựa vào một uy quyền nào đó để áp chế nó.
Một vị thầy giỏi phải biết đặt mình vào địa vị của đứa trẻ, phát triển cùng đứa trẻ, hiểu biết đứa trẻ, đi sâu vào những vấn đề khó khăn của nó, quan sát mọi việc xuyên qua con mắt của đứa trẻ, và hoàn toàn hiến mình cho việc giáo dục đứa trẻ ấy.
Nếu một vị thầy không tiếp xúc mật thiết với đứa trẻ như thế, thì mọi sự dạy bảo chỉ là những gì hời hợt bên ngoài, một sự lặp đi lặp lại những kiến thức chết, rồi để mặc cho đứa trẻ loay hoay với những khó khăn, sợ hãi, và từ đó nảy sinh tư tưởng thù hận, tạo ra những hố sâu ngăn cách con người.
Hiện nay, tôn giáo Ai Cập suy đồi vì các giáo sĩ chỉ thích đứng ở vị thế đầy uy quyền, đòi hỏi sự kính trọng của học trò. Họ không biết rằng sự kính trọng chân thành xuất phát từ nội tâm chứ không phải là sự lặp đi lặp lại những nghi thức hay tuân theo một kỷ luật nhất định. Đó chỉ là những lễ nghi bên ngoài, một sự dối trá, hay đóng kịch, xuất phát từ sự sợ hãi mà thôi. Con người không ai thích những cái làm họ sợ hãi, nên sự giáo dục xây dựng trên căn bản những quyền uy, những giáo lệnh, những đe dọa, ... thì không bao giờ là sự giáo dục chân chính được.
Một nền giáo dục dựa trên sự tranh giành, bóc lột lẫn nhau chỉ có thể sản sinh ra những kẻ hành nghề bằng sự đổi chác, mua bán.
Giáo dục là một phần rất quan trọng trong sự phát triển đời sống. Con người nhìn cuộc đời ra sao tùy thuộc rất nhiều ở sự giáo dục của người đó. Một vị thầy giỏi phải biết làm sao để phát triển những đức tính cao thượng, tốt đẹp nhất của học trò, không bao giờ khơi gợi, kích thích những nhược điểm hay tật xấu sẵn có của đứa trẻ.
Bất cứ ai cũng đều có sẵn những tính tốt và xấu, ích kỷ cũng như vị tha. Chỉ cần được khuyến khích là những tính tình này sẽ phát triển mau chóng, giống như các hạt giống được tưới nước sẽ nảy nở, tươi tốt. Vì lý do đó, việc khuyến khích các mầm thiện, chỉ dẫn những điều tốt, để con người biết hướng thượng là điều quan trọng của việc giáo dục.
Trích sách Dấu chân trên cát l Nguyên Phong.
----
Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong bạn có thể tham khảo tại đây: http://fntv.vn/2trDQS