'Dấu chân trên cát': Phiêu lưu về Ai Cập cổ đại

19/01/2020 08:00
'Dấu chân trên cát': Phiêu lưu về Ai Cập cổ đại

Cuốn "Dấu chân trên cát", Nguyên Phong phóng tác, nói về Ai Cập cổ đại, đặt ra những câu hỏi về mối liên hệ giữa đời sống.

Sách tái hiện giai đoạn xa xưa của nền văn minh Ai Cập cổ đại qua lời kể của Sinuhe. Ông là thầy thuốc của người nghèo, y sĩ của hoàng gia, một người con xa xứ của sông Nile và người thầy của nhiều thế hệ triết gia Hy Lạp.

bìa sách

Bìa sách "Dấu chân trên cát". 

Trong lịch sử, Sinuhe là một huyền thoại của Ai Cập và là một bí ẩn mà các sử gia hiện đại chưa thể làm sáng tỏ. Đến nay, một câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: Làm thế nào một người Ai Cập lưu vong có thể mở trường giảng dạy ngay tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp?

Có thể do vậy, cuộc đời của Sinuhe trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm, trong đó có Dấu chân trên cát. Từng trang sách dẫn dắt người đọc bước vào thế giới một trong những nền văn minh cổ xưa và bí ẩn nhất hành tinh: Đất nước Ai Cập dưới thời của các Pharaoh. Cuộc sống của những con người nơi đó, các phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng... của một thời đại được tái hiện trước mắt độc giả dưới ngòi bút phóng tác sinh động và dày dặn kinh nghiệm của dịch giả - tác giả Nguyên Phong.

Cuộc đời của Sinuhe là hành trình phi thường trải dài qua nhiều đời Pharaoh và chiều dài sông Nile. Mỗi vị Pharaoh nói riêng và các nhà cai trị nói chung sẽ có những lý tưởng, triết lý và cách lãnh đạo khác nhau. Sự giằng co giữa chiến tranh và hòa bình, giữa những lựa chọn không chỉ liên quan đến sinh mạng con người mà còn quyết định sự tồn vong của một dân tộc - hay rộng hơn là một nền văn minh - là thử thách đời Pharaoh nào cũng đối mặt. Sinuhe chứng kiến, quan sát, ghi nhận, chiêm nghiệm rồi mô tả những "trận chiến" đó cho thế hệ mai sau học hỏi.

Trên tất cả, hình ảnh của Sinuhe hiện lên là một vị y sĩ với "mười nghìn câu hỏi tại sao". Ông có sự hiếu kỳ vô tận với thế giới và sự vận hành của vũ trụ. Ông nghiên cứu Khoa học của Sự sống và lãnh hội Khoa học của Cái chết. Ông muốn chữa lành không chỉ phần thể xác mà còn cả linh hồn con người. Nếu năng lực chữa lành kỳ diệu đã góp phần đưa ông đến với các Pharaoh (và cả những kẻ địch), tinh thần ham học hỏi và khả năng tiếp nhận tri thức đã đưa ông ra khỏi đất nước Ai Cập và trở thành người thầy của nhiều triết gia Hy Lạp lỗi lạc.

Hơn cả chuyến phiêu lưu về Ai Cập cổ đại, sách là bản ghi chép về sự sống, cái chết và sự vận hành của vũ trụ với ẩn dụ thú vị: Cuộc đời như một cây đàn. Bất kỳ ai cũng có thể gảy các dây đàn để tạo ra âm thanh, nhưng để tấu được một khúc nhạc hay, người đánh đàn phải hiểu nhạc lý và am tường kỹ thuật đánh đàn. Chúng ta có tự do ý chí để sống cuộc đời như bản thân mong muốn, nhưng người am hiểu quy luật của vũ trụ sẽ biết cách thuận theo những quy luật này và phát huy tối đa tiềm năng. Khi đó, cuộc đời họ sẽ giống một bản nhạc hay, tuy có những lúc thăng trầm, âm ba sẽ luôn vang vọng.

Dịch giả Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du. Ông rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle. Ông giảng dạy tại một số đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Song song với vai trò nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông như: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Đường mây qua xứ tuyết...

Yên Du


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024