17 tố chất thiết yếu của Team Player - Thử thách chưa bao giờ là một vấn đề với huyền thoại âm nhạc Quincy Jones

23/08/2022 08:00
17 tố chất thiết yếu của Team Player - Thử thách chưa bao giờ là một vấn đề với huyền thoại âm nhạc Quincy Jones

Bạn bè gọi ông là Q, một huyền thoại trong ngành công nghiệp giải trí. Ông đã cùng làm việc với những tên tuổi nổi tiếng nhất trong ngành giải trí, mở màn cho một kỷ nguyên nhạc bebop.

 Đó là nhữngtên tuổi: Duke Ellington, Count Basie, Lionel Hampton, Frank Sinatra, Ella Fitzgerald, Sarah Vaughan, Ray Charles, Miles Davis.

Ông đã phát hành đĩa đơn We Are the World bán chạy nhất mọi thời đại. Album bán chạy nhất mọi thời đại Michael Jackson’s Thriller cũng do ông phát hành. Ông được đề cử nhiều lần cho giải Grammy hơn bất kỳ ai, và tính tới nay ông đã thắng tổng cộng 27 lần tại giải này. Ông chính là Quincy Jones.

Quincy Jones sinh năm 1933 tại Chicago và đã trải qua mười năm đầu đời ở một trong những khu phố hung hãn nhất của thành phố. Ông từng tự thừa nhận rằng mình và anh trai đã gặp phải rất nhiều rắc rối trong những năm tháng ấy. Sau đó thì gia đình ông chuyển đến Bremerton, Washington.

Không lâu sau, Jones khám phá ra tình yêu của mình đối với âm nhạc. Năm mười một tuổi, ông quyết định sẽ chơi một loại nhạc cụ nào đó. Và ông bắt đầu với trống. Ngay tức thì, ông đã cho thấy những dấu hiệu của một người chơi nhạc chuyên nghiệp – khả năng thích nghi nhanh. Ông bắt đầu ở lại trường sau giờ học và thử nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Ông chơi kèn clarinet và violin, song rốt cuộc lại mê mẩn kèn đồng. Rồi ông thử hết các loại kèn trong bộ kèn đồng: baritone, French horn, sousaphone và trombone. Cuối cùng ông dừng lại với kèn trumpet, và ông đã chơi rất tuyệt.

Năm 14 tuổi, Jones lần đầu tiên kiếm được tiền bằng công việc làm nhạc công. Ở tuổi thiếu niên, ông làm bạn với ca sĩ, nhạc sĩ thiên tài Ray Charles – người lớn hơn ông vài tuổi. Rồi ông học sáng tác và soạn nhạc. Khi những ban nhạc và những ca sĩ nổi tiếng đến Seattle, ông còn đến nghe và chơi nhạc cùng họ. Ở tuổi 18, ông đã có chuyến lưu diễn cùng nghệ sĩ nhạc jazz bậc thầy Lionel Hampton.

Ở tuổi thiếu niên, Q.Jones làm bạn với ca sĩ, nhạc sĩ thiên tài Ray Charles – người lớn hơn ông vài tuổi. Rồi ông học sáng tác và soạn nhạc.

Jones luôn cho thấy ông là người khao khát học hỏi những cái mới, điều mà ông gọi là “sự tò mò ám ảnh” – và một khả năng thích nghi tuyệt vời. Trong suốt nhiều năm, ông dễ dàng chuyển từ làm nhạc công sang làm nhà tổ chức biểu diễn rồi là người quản lý ban nhạc. Trong những năm 1950, ông cộng tác với rất nhiều tay chơi nhạc jazz nổi tiếng nhất thời đó. Năm 1957, ông nghĩ rằng mình cần học thêm lên nữa, và ông sang Paris để được học với Nadia Boulanger, người từng là thầy dạy kèm riêng cho hai nhà soạn nhạc nổi tiếng Aaron Copland (là nhà soạn nhạc, nhà sư phạm nổi tiếng người Mỹ) và Leonard Bernstein (là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm, nhạc trưởng, giảng viên âm nhạc người Mỹ).

Vào thời điểm đó, Jones nhận một công việc tại công ty thu âm Mercury. Đó là nơi ông học về kinh doanh trong ngành công nghiệp âm nhạc. John đã làm việc rất tốt nên đến năm 1964, ông đã thăng tiến đến chức vụ phó chủ tịch. (Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ quan trọng như vậy ở một công ty âm nhạc hàng đầu như Mercury.) Cũng trong thập niên 1960, Jones quyết định đương đầu với một thử thách mới: viết nhạc phim. Ông đã soạn nhạc cho hơn 30 bộ phim và rất nhiều chương trình truyền hình.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Jones đã làm việc với nhiều ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng nhất trên thế giới. Bởi vì ông trải qua quá nhiều thời gian với cộng đồng nhạc jazz, nên khi ông làm việc chung với Michael Jackson vào năm 1982, một số đồng nghiệp của ông đã cáo buộc ông phản bội. Cho rằng điều này thật buồn cười, nên John đã giải thích:

“Từ tuổi 12 đến tuổi 30, tôi đã chơi qua mọi loại nhạc – nhạc strip, R&B, pop, polkas, pousa… Tôi đã chơi nhạc ở mọi câu lạc bộ trong thành phố, dù là câu lạc bộ tennis, da trắng hay da đen. Thế đó, tôi đã luôn nỗ lực tạo ra nhiều phong cách. Làm việc với Michael Jackson hay Frank Sinatra chưa bao giờ là một sự với thêm. Bebop làm tôi cảm thấy gắn bó sâu sắc với âm nhạc, và bebop thật sự ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn đấy. Nó dẫn dắt bạn ra khỏi những ý nghĩ cứng nhắc và làm cho đầu óc bạn trở nên vô cùng rộng mở.”

“Tôi đích thân dẫn dắt từng người một, và tôi thật sự vui sướng vì đã có nhiều mối quan hệ tuyệt vời vượt trên cả quan hệ công việc”.  

Đặc trưng của người dễ thích nghi

Tính linh hoạt và sáng tạo đã làm nên cuộc đời của Jones. Chúng không chỉ giúp cho Jones có khả năng cộng tác với nhiều kiểu nhạc sĩ khác nhau – từ nhạc La-tinh đến nhạc pop, rồi nhạc jazz hay rap – mà còn giúp Jones đem lại những điều tốt nhất cho bất cứ ai ông làm việc cùng. Ông dễ thích nghi với mọi người và với mọi tình huống để tạo ra thành công cho họ. “Mỗi người đều có cách xử sự khác biệt trong các mối quan hệ với những người khác”, theo Jones. “Tôi đích thân dẫn dắt từng người một, và tôi thật sự vui sướng vì đã có nhiều mối quan hệ tuyệt vời vượt trên cả quan hệ công việc”.  

Bản thân Jones vượt trên cả sự chuyên nghiệp. Ông đã dùng khả năng thích nghi của mình để mở rộng trong nhiều ngành khác. Ông bước chân vào lĩnh vực phim ảnh bằng việc trở thành nhà đồng sản xuất phim The Color Purple. Sau đó ông tấn công sang lĩnh vực truyền hình, sản xuất một số chương trình ăn khách như The Fresh Prince of Bel-Air. Jones và một số cộng sự của mình đã đưa lên sóng chương trình truyền hình Qwest nổi tiếng. Ông đồng thời là nhà sáng lập và chủ tịch của tạp chí Vibe.

Với Jones, để điều chỉnh hay đòi hỏi hết mức ở bản thân không phải là điều gì ghê gớm, ông vốn đã là người như thế. Ông cũng soạn kịch cho Broadway. Ông nói rằng việc này làm ông cảm thấy như mình đang trở về tuổi mười lăm. Jones chưa bao giờ e ngại thực hiện một ý tưởng mới, đồng hành với một đội ngũ mới, hay lao vào một ngành kinh doanh mới nào. Thử thách chưa bao giờ là một vấn đề khó khăn với ông, bởi ông là người dễ thích nghi một cách đáng kinh ngạc.

Giáo sư Rosabeth Moss Kanter của trường đại học Harvard cho rằng: “Những cá nhân thành công và phát triển cũng là những bậc thầy về sự thay đổi, họ thành thạo trong việc định hướng lại các hoạt động của bản thân và những người khác theo những cách chưa được thử nghiệm, để mang tới những thành quả ở tầm cao hơn”.  

Những người thể hiện được khả năng dễ thích nghi thường có những đặc điểm tiêu biểu, như có thể đào tạo. Họ là những người có thể đào tạo ở mức đối đa. Hãy nhìn Quincy Jones và bạn sẽ thấy một mẫu người luôn học hỏi. Ông ấy có niềm tin rằng nếu một người làm việc chăm chỉ và có tay nghề cao trong lĩnh vực này thì cũng sẽ có khả năng chuyển mình để thử sức trong lĩnh vực khác. Phương pháp này cũng có thể hiệu quả với bất cứ ai có khả năng học hỏi. Ngược lại, những người không thể đào tạo sẽ gặp khó khăn với sự thay đổi, và kết quả là họ không thể thích nghi.

Một đặc trưng khác của người dễ thích nghi là cảm giác yên ổn. Những người hay cảm thấy lo lắng, bất an hầu như sẽ xem mọi thứ như là khó khăn thách thức hay mối đe dọa. Họ thường tỏ ra cứng nhắc, hay nghi ngờ khi có những thành viên tài năng được bổ sung vào đội ngũ của mình, sợ rằng vị trí của họ bị thay đổi, hoặc sợ phải thay đổi cách làm việc bấy lâu nay. Còn những người có cảm xúc ổn định thì không căng thẳng trước những thay đổi. Họ luôn đánh giá được tình hình mới và sự thay đổi trong trách nhiệm của mình dựa vào phẩm chất này.

Đặc biệt, khi thời điểm khó khăn đến, họ luôn tìm ra giải pháp. Quincy Jones nhận xét: “Có một thành ngữ nói rằng tuổi của một người có thể được xác định bằng mức độ khốn khổ mà anh ta trải qua khi phải tiếp xúc với một ý tưởng mới. Khi ai đó nói: ‘Hãy thử làm theo cách mới này’, bạn đã nhìn thấy nỗi khốn khổ ở sẵn đó rồi. Những người này sẽ vò đầu bứt tai, chịu đựng nỗi đau thể chất khi nghĩ đến chuyện làm những điều khác biệt. Những ai không phản ứng một cách đầy sợ hãi mới là những người thật sự sáng tạo. Họ sẽ nói: ‘Cứ thử xem sao. Hãy bắt tay vào cho dù chúng ta có làm hỏng chuyện đi nữa’.”

Nếu mục tiêu của bạn là phục vụ cho đội ngũ của mình, việc thích nghi để đạt được các mục tiêu ấy sẽ chẳng mấy khó khăn.

Theo 17 tố chất thiết yếu của Team Player


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 29/10/2024