Cảm ơn nhà văn James G.Zumwalt đã trải lòng nói về quá trình ra đời "Chân trân chí thép" trong căn phòng khách ngôi nhà của ông, thành phố Sarasota, Florida...
Năm 2011, tôi được đọc quyển sách "Chân trần chí thép" của ông. Lúc đó, tôi cảm nhận đây là một quyển sách hay, với nhiều chi tiết độc đáo, ấn tượng, như chương viết về người cha của ông với khoảnh khắc xúc động nâng người cựu binh cụt cả hai chân đặt lên chiếc xe lăn thứ 12.000 trong chuyến đi tháng 9 năm 1994, chi tiết về người anh trai Elmo mất vì phơi nhiễm chất độc da cam, về nỗi đau của mẹ ông, về "búp bê tình dục", quân y, đường mòn Hồ Chí Minh... Nhưng lúc ấy, có lẽ do quá bận rộn, tôi đành xếp lại quyển sách, tự nhủ sẽ đọc kỹ lại nhiều lần.
Nhà văn Trầm Hương trong phòng khách của tác giả James G.Zumwalt |
Năm tháng trôi qua rất nhanh. Thấm thoát mà đã hơn 10 năm, Tình cờ, tôi gặp lại anh Nguyễn Văn Phú. Trước khi trở lại Mỹ, anh trao cho tôi "Chân trần chí thép", được tái bản năm 2019. Tôi đọc, lần này thật kỳ lạ. Từng trang sách thấm vào tôi một cách mãnh liệt. Tôi kinh ngạc và quá đỗi thú vị. Nhiều nhân vật trong quyển sách của ông tôi từng được gặp và thân thiết ngoài đời như Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (Tôi đã từng viết và làm phim tài liệu về bà), chị Bình (con gái bà Mè), ông Lê Thành Chơn... qua cách ông cảm nhận đã trở nên thật sống động, mang một chiều sâu khác.
Nhiều sự kiện về quân y, địa đạo Củ Chi, đường mòn Hồ Chí Minh, vụ không kích ở Khâm Thiên... đã được ông nhìn ở một góc nhân văn, mới mẻ, rất con người. Lần này, tôi đọc "Chân trần chí thép" rất kỹ, rất chậm, vừa ngẫm ngợi, vừa hạnh phúc và yêu quý ông biết bao. Thật cảm ơn ông, một người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, bằng sự thấu hiểu, trung thực, dũng cảm đã đưa ra những thông điệp kết nối và hàn gắn hai dân tộc.
Là một người viết, tôi học được ở ông cách khai thác tư liệu, cách nhìn con người ở sự thấu hiểu, khám phá thế giới nội tâm; để tìm ra nỗi đau và vẻ đẹp lấp lánh của con người, ẩn sâu trong bề bộn sự kiện, sự phủ mờ thời gian và sự chi phối của chính trị. Chỉ với trái tim yêu thương con người, ông mới có được những trang viết đẹp và sâu đến thế.
Thật cảm ơn anh Nguyễn Văn Phú đã mang quyển sách "Chân trần chí thép" đến tôi vào những ngày sau dịch covid ở Việt Nam.
Và những ngày đầu tháng 8 này, ông đã đón gia đình chúng tôi ở Sarasota, để chia sẻ về những quyển sách, về những ký ức con người ông đã gặp ở Việt Nam...