Nhưng người Việt Nam đã tìm cách bổ khuyết cho sự thiếu thốn nguồn lực vật chất bằng óc sáng tạo tuyệt vời của họ. Họ đã thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc trên chiến trường một cách thường xuyên để đối phó với những lợi thế quân sự của người Mỹ.
Dưới đất, sự khéo léo được thể hiện trong chiến lược “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Cụm từ này có nghĩa đen là: Áp thật sát để chiến đấu, khiến cho kẻ thù không còn sử dụng lợi thế về không quân và pháo binh bởi việc dùng hai loại phương tiện kia có thể gây nguy hiểm cho chính lực lượng của kẻ thù.
Trên trời, sự khéo léo chính là việc áp dụng những chiến thuật và chiến lược đánh trận để giành thắng lợi trước một lực lượng không quân hoàn toàn áp đảo.
Trong những câu chuyện sau đây, điểm nhấn là không chiến. Điểm nhấn này sẽ làm sáng tỏ câu hỏi người Việt Nam đã sử dụng sự khéo léo của mình hiệu quả như thế nào – trong một cuộc chiến mà về mặt công nghệ người Mỹ hoàn toàn vượt trội.
Trong khi Mỹ luôn tìm cách duy trì ưu thế trên bầu trời Bắc Việt, Hà Nội lại quyết tâm biến không phận của mình trở nên đầy bất trắc đối với phi công Mỹ. Người Việt Nam đã thực hiện quyết tâm đó thông qua một hệ thống phòng không độc đáo và ngày càng hiệu quả.
Cuộc cách mạng phòng không bắt đầu bằng một tiền đề giản đơn: Bầu trời dù rộng lớn, nhưng nếu có đủ đạn chì để bắn vào đó, người ta sẽ thu được kết quả. Và trong câu chuyện lạ lùng được kể dưới đây, thậm chí người ta không cần bắn viên đạn nào cũng có thể làm rơi máy bay.
Máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc vào ngày 5 tháng 8 năm 1964.
“Chúng tôi sử dụng mọi thứ để bắn vào máy bay Mỹ”, Đại tá Nguyễn Văn, một lính phòng không lúc bấy giờ mới phục vụ quân đội năm đầu, giải thích. “Chúng tôi dùng súng trường. Sau đó đến loại súng phòng không 57mm. Rồi chúng tôi được trang bị tên lửa đất đối không, và loại vũ khí mới này đã kết hợp rất hiệu quả với các hệ thống phòng không truyền thống. Có tên lửa rồi nhưng chúng tôi vẫn duy trì phương châm là tất cả mọi người – bộ đội, dân quân, bất cứ ai có thể cầm súng – cùng bắn máy bay địch. Người nước ngoài chắc rất khó hình dung được việc dùng súng trường để bắn máy bay. Trên thực tế thì chúng tôi đã làm điều đó lần đầu tiên vào năm 1947 trước người Pháp. Sau khi thu được một số kết quả, chúng tôi tiếp tục dùng súng trường bắn máy bay Mỹ”.
Hệ thống phòng không được bố trí theo từng cụm, phối hợp tác chiến trên không và trên mặt đất. Hai kiểu phối hợp này nhằm tạo ra bức tường lửa ở những nơi mà máy bay địch đi qua. Trên mặt đất, người ta bố trí ba hoặc bốn khẩu súng phối hợp với nhau. Ở trên không, các loại vũ khí khác nhau sẽ bao quát những tầm cao khác nhau, tùy thuộc vào hiệu quả của từng loại: súng trường nhỏ như AK-47 tập trung vào độ cao dưới 300 mét; súng máy thì từ 300 tới 1.000 mét; pháo cao xạ và tên lửa đối không bao quát độ cao trên 1.000 mét.
“Việc bố trí các dàn tên lửa là tùy theo nhiệm vụ trong một khu vực nhất định”, ông Văn giải thích thêm, “nhưng thường thì, nếu tại một khu vực có quá ít dân quân, chúng tôi sẽ bố trí một đơn vị tên lửa để bù lại”.
Ông Văn nhớ lại trận đánh đầu tiên.
“Suốt cuộc đời chinh chiến, có những thứ mà người lính luôn nhớ rõ”, ông Văn nói. “Trận đánh đầu tiên là một trong những thứ đó. Nó luôn để lại ấn tượng mạnh. Trận chiến đầu tiên của tôi là vào ngày 3 tháng 4 năm 1965”.
Lúc bấy giờ, Văn chỉ huy một khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã ở Thanh Hóa là một cây cầu rất khó xây dựng, đòi hỏi những kỹ thuật cầu đường đặc biệt. Cầu được khánh thành năm 1964 với một ít sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Cuộc không kích do 30 máy bay A-1 và A-4 thực hiện, với sự hỗ trợ của chiến đấu cơ F-4 và F-8 từ các tàu sân bay HANCOCK (CVA-19) và USS CORAL SEA (CVA-43). Mặc dù chiếc cầu bị phá hủy nhưng không quân Mỹ cũng bị tổn thất. Hai chiếc máy bay xuất phát từ tàu HANCOCK bị bắn rơi: một chiếc A-1H và một chiếc A-4C.
“Trong suốt cuộc chiến, chúng tôi luôn bám sát trận địa pháo”, ông Văn kể tiếp. “Chúng tôi không bao giờ đi xa hơn mười lăm mét. Chúng tôi ăn tại chỗ; có giá sách ở ngay trận địa pháo để đọc. Chúng tôi luôn ở đó để đảm bảo sẵn sàng nghênh địch.
Gần cầu có một nhà máy điện, xưởng xay xát và một nhà máy phân hóa học. Có nhà máy ở đấy tức là có dân thường ở đấy. Vì có dân thường nên nhiều người cho rằng quân Mỹ sẽ không tấn công. Nhưng chúng tôi lại được chỉ thị rằng những cơ sở này nằm trong danh sách mục tiêu của Mỹ. Trong thời gian gần đấy, địch đã tấn công một khu vực tương tự ở Quảng Bình nên chúng tôi luôn giữ tinh thần sẵn sàng.
Và rồi cuộc không kích diễn ra. Đó không phải là một trận đánh duy nhất; cuộc chiến kéo dài suốt hai ngày, mùng 3 và 4 tháng 4. Tất cả mọi người đều nhằm thẳng máy bay địch mà bắn khi chúng ập tới thả bom. Một phần xưởng xay xát và nhà máy điện bị phá hủy. Bởi đây là trận chiến đầu tiên của đời tôi nên tôi có phần bối rối trước các hoạt động của khẩu đội. Nhưng cảm giác đó sớm biến mất khi giao tranh trở nên dữ dội hơn.
Có tới 43 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong vòng hai ngày. Tôi không biết khẩu đội của mình bắn rơi bao nhiêu chiếc bởi tất cả mọi người đều nhằm bắn vào máy bay”.
“Người Mỹ thường xuyên sử dụng một chiến thuật đặc biệt”, ông Văn kể. “Máy bay của họ cất cánh từ tàu sân bay, sau đó bay dọc bờ biển, tìm đến một cửa sông lớn rồi theo dòng sông xâm nhập vào đất liền, khi bay trên mặt nước họ thường hạ độ cao tới mức thấp nhất. Thế là chúng tôi bố trí các đơn vị phòng không trong một cự ly đủ gần để có thể bắn thẳng vào vùng máy bay bay trên mặt sông. Đơn vị phòng không của chúng tôi đóng bên cạnh khu dân cư địa phương, thường là nằm cả hai bên bờ sông. Người dân địa phương cũng dùng súng trường để bắn máy bay”.
Xác máy bay bị bắn rơi HN. ảnh: Cherrireswriler |
Ông Lê Thành Chơn luôn tỏ ra rất tự tin. Sau khi đã trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, có lẽ ông có quyền tự tin như thế.
Sinh năm 1942, ông gia nhập Việt Minh từ năm mười hai tuổi. Những bạo tàn mà quân Pháp giáng xuống đầu người dân đã nung nấu trong Chơn quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước mình.
Từng tham gia công tác trinh sát, ông Chơn nhớ lại lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp hành động dã man của quân Pháp mà không thể làm gì được do sợ lộ bí mật đơn vị: “Có lần, lính lê dương Pháp trói dựng đứng một phụ nữ Việt Nam rồi mổ bụng bà để moi gan. Lần khác, tôi thấy lính Pháp đá dồn dập vào một phụ nữ mang thai”.
Sau khi quân Pháp thất trận, Chơn ra Hà Nội, để lại một người mẹ và hai em gái ở miền Nam. Sự dịch chuyển này đã dẫn đến những ngả rẽ trong gia đình nhiều năm về sau, tương tự như thời Nội chiến Mỹ, khi anh em ruột chiến đấu cho chính quyền miền Nam còn bản thân Chơn phục vụ miền Bắc. “Nhiều gia đình có con cái ở hai chiến tuyến”, ông Chơn giải thích. “Sự khác biệt ở đây là, trong khi tại miền Bắc, chúng tôi chiến đấu cho lý tưởng thì tại miền Nam, người ta bị ép phải đi lính”.
Năm 1958, Chơn vào Trường Không quân ở Cát Bi, Hải Phòng, học lái YAK-18. Đầu năm 1962, ông được gửi sang Trung Quốc học ba năm về điều hành bay và kỹ thuật chiến đấu hiện đại. Đối với Chơn, đó là khoảng thời gian lãng phí. “Trên thực tế, khi trở về Việt Nam, tôi không thể sử dụng các kỹ thuật của Trung Quốc để chống người Mỹ”, ông nhớ lại. “Chương trình huấn luyện không chiến của Trung Quốc dựa vào những kinh nghiệm chống Mỹ mà họ có được thời chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, thời chiến tranh Triều Tiên thì Mỹ làm gì có công nghệ máy bay tân tiến như tại Việt Nam”. Một trong những khác biệt nữa đó là, trong chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến trên không là sự đối đầu giữa các lực lượng không quân cân bằng, trong khi tại chiến tranh Việt Nam, quân Bắc Việt ít máy bay hơn nhiều so với Mỹ.
Được các đồng minh đào tạo phi công, nhưng chính người Việt Nam đã tự phát triển các chiến thuật đánh Mỹ. Ông Chơn, lúc bấy giờ mới là thiếu tá không quân, dành nhiều thời gian để tìm hiểu chiến thuật của Mỹ và sáng tạo ra các đối pháp. Ông tin rằng chìa khóa thành công trong việc đối đầu với người Mỹ chính là khả năng triển khai đấu pháp “bất kỳ khi nào chúng tôi muốn” chứ không để người Mỹ làm chủ thế trận. Ông đã trở thành một sĩ quan dẫn đường trong chiến thuật không chiến.
Ông Chơn thừa nhận việc không quân miền Bắc tổn thất nặng nề trong thời kỳ đầu “là do phi công được huấn luyện theo cách đánh của người Trung Quốc; nhưng rồi chúng tôi bắt đầu sử dụng chiến thuật của chính mình”.
Chấp nhận đối mặt với cả sự vượt trội về công nghệ lẫn khả năng triển khai quân nhanh chóng của Không lực Mỹ, phi công Việt Nam tập trung áp dụng các chiến thuật vốn đã thu được thành công trên mặt đất – “chiến thuật đánh chớp nhoáng”. Ông Chơn cho biết các phi công được dạy, nếu có thể thì nên tránh lộ diện khi gặp quân địch vượt trội về số lượng, hãy chờ đến lúc được chuẩn bị kỹ càng khả năng chiến đấu cũng như tận dụng yếu tố khách quan để chiếm lợi thế. Phi công được huấn luyện tận dụng các yếu tố như mây, mặt trời, thậm chí núi non trong trường hợp bay thấp. Ông Chơn nói rằng việc triển khai thành công các chiến thuật này đã dẫn tới chiến thắng vào tháng 9 năm 1966 trong cuộc đụng đầu với máy bay Mỹ.
O du kích nhỏ |
Khi toàn bộ máy bay Mỹ tập trung vào sân bay Nội Bài, hai chiếc MIG bốc lên từ sân bay ở Hà Bắc để thực hiện một cú đánh bất ngờ nhằm vào tốp F-105 thứ ba. Chúng tiếp cận tốp thứ ba từ hướng Đông Nam dãy Tam Đảo.
Khi đang đột kích từ phía sau lưng mục tiêu thì những chiếc MIG bị phát hiện. Tốp F-105 liền thả thùng xăng phụ để đón đánh hai chiếc MIG. Nhưng, theo ông Chơn, khi các chiếc F-105 kịp xoay xở thì chiếc MIG thứ nhất đã ở phía trên lưng tốp thứ ba rồi. Đạn của chiếc MIG bắn trúng một máy bay Mỹ, buộc phi công phải nhảy dù.
Tương tự, chiếc MIG thứ hai đưa một chiếc F-105 vào tầm ngắm. Nó cũng lập tức ghi điểm khi chiếc máy bay Mỹ thứ hai bị bắn rơi. Hai chiếc MIG phóng vù đi ngay tức thì. Cả hai viên phi công Mỹ đều bị bắt sống trên mặt đất.
(Ông Chơn cho biết một trong hai phi công là Thiếu tá Jim Cutler; người còn lại chỉ được biết qua cái tên “Damon”).
Ông Chơn nói rằng thành công này là nhờ vào khả năng làm mất thế chủ động của phi công Mỹ, buộc người Mỹ phải đối đầu với những chiếc MIG một cách thụ động.
Trích sách Chân trần chí thép