Chân trần chí thép - Lòng kiên trì của đặc công Việt Nam khiến người Mỹ gặp khó

30/04/2019 08:30
Chân trần chí thép - Lòng kiên trì của đặc công Việt Nam khiến người Mỹ gặp khó

Không một nhóm đơn lẻ nào khiến lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lo ngại bằng Đặc công Bắc Việt.

Đối với người Mỹ chiến đấu tại Việt Nam, thời gian là tất cả; với người Việt Nam, thời gian chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi lính Mỹ thường đếm những ngày qua đi để biết rằng mình còn phục vụ tại Việt Nam bao lâu nữa, các binh sĩ Việt Nam không bao giờ biết thời gian tại ngũ của họ sẽ kéo dài tới lúc nào.

Đối với một số người, cái chết hoặc việc mất đi chân tay có thể khiến họ chấm dứt binh nghiệp; nhưng phần lớn vẫn phải lăn lộn trên chiến trường trong năm năm hoặc dài hơn. Quan trọng đối với người Việt Nam lúc này không phải là vấn đề ngày tháng và thời gian. Quan trọng nhất là phải gắng sống sót hôm nay để ngày mai tiếp tục chiến đấu. Điều đó đã tôi luyện cho các binh sĩ Việt Nam lòng kiên nhẫn.

Người lính biết rằng nếu cơ hội không đến ngay hôm nay thì phải chờ; và khi cơ hội đến, cũng cần phải kiên nhẫn trong việc thực hiện một cuộc tấn công để đảm bảo thắng lợi cuối cùng.

Những câu chuyện sau cho ta một cái nhìn xuyên suốt tinh thần của người Việt Nam, về việc họ sử dụng lòng kiên trì như một thứ vũ khí chống lại kẻ thù cũng như họ làm thế nào để phát huy tính kiên nhẫn cho thành công của các trận đánh.

Đặc công Bắc Việt nỗi lo ngại của lính Mỹ

Không một nhóm đơn lẻ nào khiến lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lo ngại bằng Đặc công Bắc Việt.

Các binh sĩ đặc công đã được đối thủ của họ trên chiến trường nể phục. Họ luôn tạo ra nhiều mối đe dọa đột kích nhằm vào quân Mỹ, trong đó đặc biệt đáng chú ý là khả năng siêu việt trong việc âm thầm đột nhập vào những nơi được canh gác cẩn mật nhất. Trong vài trường hợp, lính đặc công mất cả ngày để đột nhập và thoát ra khỏi căn cứ mà kẻ thù không hề hay biết. Họ luôn làm việc theo nhóm với số thành viên tùy thuộc vào nhiệm vụ, và người ta có thể cho rằng, nếu đem ra cân đo đong đếm, đặc công là lực lượng gây ra nhiều tổn thất cho các nỗ lực chiến tranh của người Mỹ hơn bất kỳ một đơn vị chiến đấu đơn lẻ nào khác.

Năm 1972, Đại tá Tống Viết Dương chỉ huy Trung đoàn Đặc công 113 (Ông Dương sinh năm 1924, quê ở xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông nguyên là Tư lệnh cánh Đông chiến dịch Hồ Chí Minh (theo báo Tuổi Trẻ), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 367 đặc công, Quân khu 7) – lực lượng gồm hơn ngàn người – được huấn luyện đặc biệt về chiến tranh phi quy ước. Ông đã phái một nhóm đặc công thực hiện cuộc tấn công nhằm vào kho đạn lớn nhất của kẻ thù, nằm tại Long Bình gần Biên Hòa.

Căn cứ Long Bình nơi cung cấp vũ khí cho toàn Miền Nam của Mỹ

Căn cứ Long Bình rất lớn, bao trùm một diện tích chừng năm cây số vuông. Nhiều loại đạn dược được trữ ở đây, từ đạn súng nhỏ tới đạn pháo và cả vũ khí của máy bay. Tất cả số vũ khí đạn dược này sẽ được phân bổ tới các căn cứ quân sự khắp miền Nam. Ý thức được rằng một kho vũ khí quan trọng như thế rất dễ trở thành mục tiêu tấn công, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã tìm cách làm cho Long Bình trở nên bất khả xâm phạm. Họ nghĩ họ đã thực hiện được điều đó.

Căn cứ được bao bọc bởi chín hàng rào kẽm cao hai mét, bên trên chằng chịt gai. Từ hàng rào thứ nhất (ngoài cùng) tới hàng rào trong cùng trải dài hàng trăm mét. Khoảng giữa là những gò đất và vùng ngập nước. Khoảng cách giữa hàng rào thứ nhất với hàng rào thứ hai lớn hơn nhiều cự ly giữa các hàng rào còn lại. Ngay bên trong vành đai ngoài của doanh trại là các tháp canh nằm cách nhau 200 tới 500 mét.

Cách bố trí này tạo cho phe phòng thủ có thể dễ dàng bắn chéo cánh sẻ vào quân đột nhập. Mỗi chốt đều có người canh gác 24/24. Ban đêm, đèn pha trên tháp canh liên tục quét cả bên ngoài lẫn bên trong vành đai ngoài cùng từ chập tối tới lúc trời sáng. Nhiều hộp thiếc được buộc vào các hàng rào phía trong để kẻ đột nhập nào sơ ý đụng phải sẽ phát ra âm thanh. Giữa các hàng rào còn có vô số mìn sát thương. Vị trí đặt mìn được thay đổi liên tục để đối phương không tài nào đoán biết được. Bẫy pháo sáng cũng được cài nhiều nơi.

Khi bị kích hoạt, ống phóng sẽ bắn pháo sáng lên độ cao hàng trăm mét, rồi một chiếc dù bung ra giúp pháo sáng rơi xuống từ từ, và trong lúc rơi nó soi rọi một vùng rộng lớn. Các kho đạn ở Long Bình được bố trí phân tán trên một khu vực rộng lớn để tránh trường hợp một kho phát nổ sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Binh lính liên tục tuần tra xung quanh bằng xe cơ giới, mỗi đợt tuần tra cách nhau năm phút. Bên cạnh đó, lính tuần đi bộ cùng với chó đánh hơi cũng thường xuyên hỗ trợ lực lượng tuần tra cơ giới.

Mìn bên trong các hàng rào thép gai tạo cảm giác an toàn cho những người phòng thủ, nhưng cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho phe xâm nhập. Do có mìn nằm giữa các hàng rào nên người ta không thể vào đấy để cắt cỏ - thế nên cỏ mọc rất um tùm. Cỏ cao tạo ra tấm ngụy trang lý tưởng cho những kẻ đột nhập vào căn cứ.

Do quá tự tin về mạng lưới bảo vệ, binh tướng ở trong doanh trại để cho cỏ mọc tự do từ vành đai ngoài cùng vào tận trong cùng, giúp cho người đột nhập có thể ẩn nấp trong suốt hành trình của mình. Đại tá Dương biết rõ lối tiếp cận này.

Căn cứ Long Bình nhìn từ trên cao 1968

Đặc công thu thập tin tức về căn cứ Long Bình

Những vụ tấn công vào một căn cứ tầm cỡ như Long Bình hiếm khi đến từ một quyết định tức thời; thông thường, chúng chỉ được tiến hành sau hàng tháng – thậm chí hàng năm trời – tính toán. Suốt giai đoạn lên kế hoạch, thông tin tình báo về các mục tiêu tiềm năng được thu thập. Đối với trường hợp Long Bình, căn cứ này cũng chỉ là một trong rất nhiều mục tiêu được tính đến và quyết định tấn công chỉ được đưa ra sau hai năm do thám.

Ông Dương so sánh việc sử dụng thông tin thu thập được từ một mục tiêu cũng giống như người ta thu hoạch lúa: “Gặt lúa xong thì anh không thể đem ra ăn hết được. Nếu ăn hết thì mai mốt sẽ chết đói. Tin tình báo cũng như lúa gạo, cần phải được thu thập và để dành để có thể dùng trong một thời điểm thích hợp.

Ban ngày, chúng tôi cử người tới căn cứ để lấy tin và họ luôn vào được bên trong. Đôi khi chúng tôi có thể cài người vào căn cứ. Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Chúng tôi cho người giả vờ tới gặp bạn hoặc người thân trong căn cứ nhưng thực ra là để quan sát và thu thập thông tin cần thiết, chẳng hạn cự ly và vị trí các khu nhà kho. Hoặc đôi khi một sĩ quan miền Nam làm việc cho chúng tôi tới Long Bình nhận hàng và chúng tôi gửi kèm nhân viên tình báo theo.

Cũng có lúc người của chúng tôi trà trộn vào công nhân địa phương làm việc ở căn cứ, chẳng hạn tài xế và dân bốc vác, vốn là những cơ sở tin cậy. Những công nhân này còn tự nguyện cung cấp thông tin, chẳng hạn địa điểm nào theo họ là xung yếu nhất. Cũng có khi sĩ quan trung thành của chính quyền Sài Gòn vô tình cung cấp thông tin cho chúng tôi”.

Sau một thời gian đủ dài, tất cả thông tin về tổng kho Long Bình đã được thu thập đủ và căn cứ này được xác định là mục tiêu ưu tiên của Trung đoàn 113.

Cuộc tấn công khu căn cứ Long Bình

Nhiều ngày trước khi cuộc tấn công thực sự diễn ra, một buổi “tập khô” đã được lên kế hoạch và thực hiện. Đây là đòi hỏi cơ bản trong quá trình chuẩn bị tấn công những mục tiêu quan trọng. Cuộc chạy thử do một tổ trinh sát gồm hai người đảm trách, nhằm tránh nguy cơ tổn thất toàn đội đặc công. Việc này có rất nhiều mục tiêu như: thử hệ thống vành đai phòng thủ và an ninh của căn cứ, thiết lập lối vào ra căn cứ và xác định thời gian thực tế có thể tiếp cận các mục tiêu được định sẵn bên trong căn cứ để đặt thuốc nổ.

Để đáp ứng tiến độ, đội đặc công đã khởi sự vào buổi tối trước cuộc tấn công hai ngày, vào lúc tám giờ. Hai trinh sát cũ dẫn đầu cuộc tái đột nhập vào căn cứ Long Bình. Lần này, có năm tổ đặc công theo sau họ - mỗi tổ mang theo thuốc nổ và thiết bị hẹn giờ.

Có hai mươi người tham gia vào chiến dịch. Mỗi tổ gồm ba hoặc bốn người, tùy thuộc vào mục tiêu tấn công được giao. Mục tiêu càng lớn thì càng cần nhiều chất nổ, vì thế cần thiết phải tăng thêm người để mang thêm thuốc nổ.

Khi tới hàng rào ngoài cùng, đội đặc công liền cắt dây thép để tạo ra một lỗ đủ lớn cho một người chui qua. Người chui sau cùng có nhiệm vụ nối lại các dây thép để tránh bị lộ. Nhóm dẫn đầu tiếp tục tiến theo lộ trình mà họ đã thực hiện mấy ngày trước đó, và họ tiếp tục kiểm tra mọi thứ để đảm bảo rằng không có quả mìn nào mới được cài lên trên lối đi ấy.

Sau khi đội đặc nhiệm xuất phát tiến về căn cứ Long Bình, Đại tá Dương không còn liên lạc với họ nữa. Các thành viên của đội trao đổi với nhau bằng cách dùng ngón tay ra hiệu. Khi tới khoảng giữa hàng rào thứ năm và thứ sáu, đội dừng lại và đào hố. Trời vừa hửng sáng, họ đã có chỗ ẩn nấp kín đáo. Đội đặc công nằm im suốt ngày, âm thầm chờ đợi màn đêm buông xuống. Đến khi trời tối, họ lại tiếp tục hành trình.

Chừng nửa đêm, toàn đội lọt qua hàng rào cuối cùng. Giờ đây, mỗi một thành viên sẽ tập trung cho nhiệm vụ của mình và vẫn cẩn trọng không để lọt vào mắt lính gác trong căn cứ. Chất nổ được gắn với thiết bị hẹn giờ MI-8. Thiết bị chỉ bé bằng ngón tay này cho phép cài thời gian phát nổ chậm hàng tiếng đồng hồ để nhóm đặc công có đủ thời giờ rút về nơi an toàn. Sau khi hẹn giờ nổ là ba tiếng đồng hồ, đội đặc công bắt đầu rút.

Toàn đội tập hợp bên ngoài hàng rào trong cùng trước khi cùng nhau rút đi. Thời gian chậm trễ cho phép chỉ là năm phút – không hơn. Những người đã tập hợp trước sẽ không tiếp tục chờ trong trường hợp có một tổ nào đó trở ra chậm.

Chiến dịch diễn ra suôn sẻ - các tổ chiến đấu đều hoàn tất nhiệm vụ và có mặt ở điểm hẹn đúng giờ. Cuộc rút lui bắt đầu với mỗi thành viên bám theo dấu vết người bò ngay trước mình trên đúng lộ trình mà họ đã đột nhập: một người để lại dấu chân hoặc dấu tay và mười chín người còn lại đặt chân và tay đúng vào dấu người đi đầu tiên để lại. Do lộ trình đã được khai thông nhiều lần, giờ đây nhóm rút lui nhanh hơn so với lúc họ đột nhập. Sau khi ra được bên ngoài, các thành viên đội đặc công trực chỉ sở chỉ huy trung đoàn. Tại đây, đội báo cáo với ông Dương rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc công đã chiến thắng hoàn toàn ở Long Bình sau hai năm mai phục

Khi trời vừa hửng sáng, Đại tá Dương cùng người chỉ huy đội đặc công đứng trên một gò đất cao nhìn về căn cứ Long Bình. Cả hai liên tục xem đồng hồ. Không khí yên tĩnh sau đó đã bị phá vỡ. Một tiếng nổ lớn, nối tiếp là những tiếng nổ lớn khác khi các khối chất nổ do nhóm đặc công cài vào phát hỏa – tiếp theo đó là các loạt nổ liên hồi từ đạn dược ở trong kho. Bình minh như đến sớm hơn vào buổi sáng ấy, khi có tới 30.000 tấn chất nổ phát hỏa soi sáng cả bầu trời. Mặt đất dưới chân hai người rung chuyển sau mỗi một tiếng nổ. Sự chấn động lan xa tới ba mươi cây số.

Khi ánh ngày chan hòa, ông Dương thấy một quầng khói lớn cuộn lên từ căn cứ Long Bình. Hài lòng với kết quả đạt được, ông cùng đồng sự nhanh chóng rút vào rừng. Cả hai không nói gì, những chuỗi tiếng nổ không ngớt đã nói thay lời họ. Hai năm lên kế hoạch đã thu được thành công lớn. Kẻ thù đã hứng chịu một đòn nặng nề và điều mà Dương còn hài lòng hơn nữa đó là ông không mất một người lính đặc công nào.

Trích Chân trần chí thép


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025