Chân trần, chí thép - Kỳ 3: Bước qua ngưỡng cửa hận thù

26/04/2019 08:30
Chân trần, chí thép - Kỳ 3: Bước qua ngưỡng cửa hận thù

Tên tác giả cuốn sách gắn với một bi kịch của gia đình ông và một “hành trình hòa giải với kẻ thù cũ”, như ông tự giới thiệu: “Tất cả cánh đàn ông trong gia đình tôi đều đã tham gia cuộc chiến…

 

 

 

nJ20lI0R.jpg 

James G. Zumwalt - tác giả Chân trần, chí thép

Tác giả từng phục vụ 26 năm trong hải quân và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, về hưu với cấp hàm trung tá và là cố vấn an ninh cho Chính phủ Mỹ. Ông từng chiến đấu ở Việt Nam, Panama và vùng Vịnh (Trung Đông).

Ông xuất hiện như một trong số 56 nhân vật quân sự hàng đầu Mỹ trong cuốn sách Dẫn đường khá nổi tiếng của nhà văn cựu binh Al Santoli, ghi lại các kinh nghiệm chiến đấu đáng kể nhất từ chiến trường Việt Nam đến Somalia.

Vào năm 1988, người anh của tôi đã chết do tác động của chất độc da cam, bị nhiễm khi còn chiến đấu tại chiến trường Việt Nam. Thật sự là một nỗi trớ trêu của cuộc chiến đối với gia đình tôi, vì chính cha tôi là đô đốc Elmo R. Zumwalt, người chỉ huy tất cả lực lượng hải quân Mỹ ở Việt Nam, đã ra lệnh rải chất độc da cam dọc bờ sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã đưa đến cái chết của người anh tôi.

Nhiều năm sau cái chết của anh mình, tôi vẫn còn chua chát hơn về cuộc chiến và kẻ địch tôi từng đánh nhau ở Việt Nam. Trong khi cha tôi đấu tranh để giành bồi thường cho cựu binh (Mỹ) bị ung thư do nhiễm chất độc da cam - một điều mà chính quyền Mỹ đến thời điểm đó vẫn chưa nhìn nhận - tôi vẫn còn đứng bên lề... Sau nhiều ngày gặp gỡ ở Hà Nội, tôi thú nhận mình càng căm ghét những kẻ thù cũ từng gây ra cái chết của không ít người Mỹ...”.

Đau khổ không chừa một ai ...

* Tuổi Trẻ: Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như toàn thể thành viên gia đình ông đã thay đổi thái độ và hòa giải với Việt Nam, chỉ trừ ông. Đâu là những điều khó khăn ông gặp phải trong tiến trình hòa giải đó?

- James G. Zumwalt: Gia đình của chúng tôi không bị nhiều nỗi ám ảnh về cuộc chiến Việt Nam cho đến ngày người anh tôi lâm bệnh và qua đời (do nhiễm chất độc da cam). Chỉ sau cái chết đó gia đình tôi mới chuyển đổi thái độ.

Bi kịch trong cuộc sống xảy đến mỗi người một khác. Trong trường hợp của cha tôi (đô đốc Mỹ Elmo Zumwalt), ông đã biến bi kịch đó thành sức mạnh hướng thiện. Ông đã hoạt động cật lực để mọi người quan tâm đến vấn đề chất độc da cam, đến tình trạng bi đát của người bị nhiễm độc và đã thành công đòi chính quyền Mỹ bồi thường cho các nạn nhân (Mỹ).

Trớ trêu thay, về phần mình tôi lại biến cái chết của anh tôi thành một sức mạnh tiêu cực, chua chát và thù hận cuộc chiến và kẻ thù cũ của mình. Sẽ rất khó khăn đối với một người mang nặng lòng căm thù và uất hận để có thể nhìn ra sự thật. Cho đến ngày tôi sang Việt Nam sau chiến tranh và gặp gỡ một y sĩ bộ đội miền Bắc đã mất người em ruột của mình trong chiến tranh, để ngộ ra rằng đau khổ và bi kịch xuất hiện ở cả hai phía của cuộc chiến. Đó chính là thời điểm hòa giải xảy ra đối với bản thân tôi.

* Hơn 30 năm đã trôi qua sau cuộc chiến, ông có nghĩ rằng những người từng phạm sai lầm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ví như trung úy Calley (chỉ huy vụ thảm sát Mỹ Lai), nên công khai xin lỗi nạn nhân Việt Nam và tìm cách giúp đỡ họ?

- Tôi không thể trả lời thay trung úy Calley. Riêng tôi nghĩ rằng tự bản chất những ai từng phạm tội ác trên chiến trường đều rất khó nói lời xin lỗi, do họ không cho những điều họ làm là sai trái. Oái oăm thay, những người đó rất khó nhìn thấy mình có lỗi.

Tuy vậy, việc chìa bàn tay hòa giải với kẻ thù cũ và xem như những người anh em sẽ cho họ hiểu rằng cuộc đời con người là quá ngắn để cho lòng hận thù và niềm cay đắng mãi ngự trị. Khi Calley phạm tội ác chống nhân dân Việt Nam, hành động đó cũng để lại một vết nhơ cho quân đội Mỹ. Không thể xem hành động của Calley là tiêu biểu cho cách thức tiến hành chiến tranh của quân đội Mỹ.

Chiến tranh dễ làm lộ rõ hơn những cái xấu xa nhất của con người, như trường hợp Calley, nhưng nó cũng làm cho phần tốt đẹp trong con người xuất hiện, như trường hợp của Hugh Thompson (người lái chiếc trực thăng khi xảy ra vụ thảm sát, đã hạ máy bay xuống giữa toán lính Mỹ và dân làng và dọa sẽ bắn bỏ lính Mỹ nếu họ tiếp tục bắn giết người dân tay không). Như một người lính Mỹ, tôi thật sự xấu hổ cho hành động hèn hạ của Calley vào cái ngày hôm đó và xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì đã xảy ra.

z4ll2E0j.jpg
Bố của James G.Zumwalt (đô đốc Elmo R.Zumwalt) và người anh trai bị nhiễm chất độc da cam (trái)

Để “chân trần” xây nên quốc gia phồn thịnh

* Chất độc da cam hiện vẫn tiếp tục gây tác hại trong xã hội Việt Nam, ông có nghĩ rằng chính quyền và nhân dân Mỹ nên giúp đỡ thiết thực nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cũng như nạn nhân ở Mỹ?

- Cha tôi và bản thân tôi trong các năm qua đã mong được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra vấn đề chất độc da cam, nhưng phải nói là chưa mấy thành công. Muốn giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam trước hết phải nhận dạng được họ.

Năm 1994, khi chúng tôi đưa ra vấn đề này đã xuất hiện hai thái cực giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam - phía Mỹ cho rằng không có mối tương quan nào giữa chất độc da cam và các bệnh ung thư; còn phía Việt Nam lại cho rằng tất cả quái thai và bệnh tật liên quan đều do chất độc da cam gây ra. Thường thì sự thật nằm đâu đó giữa hai thái cực này.

Nhưng bước đầu tiên để giúp được nạn nhân chất độc da cam là làm sao hai bên phải cùng xác định được đâu thật sự là những nạn nhân. Muốn làm được điều đó, hai chính phủ phải lập được một ủy ban xét duyệt y học hỗn hợp để cùng xem xét các chứng cứ xác định được trường hợp ung thư hoặc bệnh hoạn nào liên quan đến chất độc da cam. Có được bước khởi động như vậy mới hi vọng chính quyền Mỹ cùng các công ty hóa chất liên quan nhận ra trách nhiệm của mình và lập một quỹ trợ giúp nạn nhân Việt Nam.

* Là một người từng lãnh đạo doanh nghiệp, ông có lời khuyên nào giúp một đất nước “chân trần” có thể sử dụng hữu hiệu “ý chí thép” của mình để phát triển kinh tế thời bình và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới?

- Có nhiều người tài giỏi hơn tôi để có thể cố vấn cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ một đất nước từng tạo ra một thế hệ những con người thông minh và sáng tạo trong chiến tranh, chắc thừa khả năng biến một đất nước “chân đất” trở thành một quốc gia có nền kinh tế phồn thịnh. Điều này đòi hỏi sự dấn thân bằng “ý chí thép” của mọi người dân và chính quyền phải thúc đẩy được nhân dân mình thể hiện được tư duy sáng tạo đó.

___________________

Câu chuyện về một trong những vị tướng “chân trần” góp phần chỉ huy đánh bại chiến lược “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ. Người mà trung tá James G. Zumwalt từng gặp gỡ sau ngày hòa bình.

Kỳ tới: Tướng Nguyễn Hữu Vị

NGUYỄN HỮU THÁI thực hiện


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024