Quy tắc cụ thể là bạn cần viết từ 1 đến 600 trên giấy kẻ ô vuông do chủ gian hàng đưa. Chỉ cần không mắc sai sót nào, bạn có thể chọn bất kỳ món quà nào tại quầy hàng. Nếu bạn viết sai số hoặc chủ gian hàng phát hiện bạn đã sửa thì thử thách coi như thất bại và bạn sẽ phải trả cho chủ gian hàng 20 ngàn.
Sau khi nghe nói không có giới hạn thời gian, mọi người có mặt đều háo hức muốn thử. Có hai người trẻ xung phong thử, chỉ sau 2 phút ngồi xuống, mỗi người đã phải chuyển cho chủ quán 20 ngàn. Không chịu thua, họ quyết định thử thách lại lần nữa. Nhưng chỉ 3 phút sau, chủ gian hàng đã lại kiếm thêm được 40 ngàn.
Tôi cứ như vậy theo dõi gian hàng gần một tiếng đồng hồ, trong thời gian đó có gần 20 người tham gia thử thách. Cho đến khi tôi rời đi, vẫn chưa có ai vượt qua được thử thách.
Câu hỏi phỏng vấn đại học "dễ nhất"
Sau đó, tôi phát hiện ra có một nguyên mẫu của thử thách này, đó là câu hỏi phỏng vấn do một trường đại học về khoa học công nghệ đặt ra. Thí sinh tham gia phỏng vấn cần viết từ 1 đến 300 trong vòng 7 phút, chỉ cần không mắc lỗi gì, họ sẽ qua cuộc phỏng vấn.
Tuy có giới hạn về thời gian nhưng điều đầu tiên mà phần lớn mọi người đều nghĩ chính là: "Cũng là một ngôi trường danh tiếng, sao có thể đưa ra một câu hỏi đơn giản như vậy?" Kết quả, đây là câu hỏi có tỷ lệ không đạt nhiều nhất trong số tất cả các câu hỏi phỏng vấn năm đó.
Lỗi thường gặp nhất trong câu hỏi này là khi chuyển sang hàng chục hoặc hàng trăm. Ví dụ, nếu ai đó viết từ "51" đến "59", theo quán tính, người đó sẽ tiếp tục viết "5", sau khi viết xong mới nhận ra mình muốn viết "60".
Nhưng như vậy thôi cũng đã tính là thất bại trong thử thách. Trên thực tế thì đây là một nguyên tắc toán học được dạy ở trường mẫu giáo, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua thử thách thành công nếu suy nghĩ kỹ trong nửa giây trước khi viết từng số. Nhưng cái khó là hầu hết mọi người chỉ có đủ kiên nhẫn để hoàn thành một số lượng rất hạn chế những việc nhỏ nhặt nhất.
Khi đã chán những thao tác đơn điệu, lặp đi lặp lại, quán tính trong suy nghĩ sẽ dẫn đến quán tính trong hành động.
Bàn về vấn đề này, một cư dân mạng đã nói: "Câu hỏi này tưởng chừng như là một câu hỏi toán học rất đơn giản nhưng thực chất lại là một câu hỏi mang tâm lý "phản nhân tính"."
Tại sao lại nói là "phản nhân tính"?
Thực tế, bộ não con người là một cơ quan rất giỏi lười biếng, một khi nghĩ việc gì đó dễ dàng, nó sẽ muốn tiêu tốn ít năng lượng nhất có thể, để dành năng lượng cho những việc khác có vẻ khó khăn hơn.
Nhưng những bậc thầy thực sự lại thường "phản nhân tính". Trên thực tế, có không ít các nghiên cứu sinh tiến sĩ gửi sai dữ liệu thực nghiệm hay những sinh viên xuất sắc của các trường đại học danh tiếng nhất gửi sai tài liệu hội nghị.
Trong mắt họ, những gì họ nên làm là những việc lớn như làm dự án và đàm phán kinh doanh, họ không sẵn lòng kiên nhẫn với những việc nhỏ như nhập dữ liệu và gửi tài liệu.
Chỉ là rất nhiều khi, cơ hội trở nên nổi tiếng nhờ làm được điều gì đó lớn lao mà không ai có thể làm được là rất mong manh.
Đằng sau hầu hết những thành công mãn nhãn không gì khác hơn là làm được những việc nhỏ nhặt mà hầu hết mọi người đều bỏ qua.
Đây chính là ẩn dụ sâu sắc của câu hỏi phỏng vấn của ngôi trường đại học phía trên.
Những "ô vuông màu xám" không dễ dàng
Nhà đầu tư Stephen Dunnell từng đưa ra bản phác thảo một bức chân dung trong một bài phát biểu. Sau đó, ông hỏi những người có mặt: "Ai trong số các bạn có thể vẽ được một bức chân dung như vậy?" Không ai giơ tay, mọi người đều cảm thấy khó khăn.
Sau đó Dunnell đưa ra một tờ giấy ô vuông nhỏ thuần màu xám: "Ai trong số các bạn có thể vẽ được cái này?" Mọi người có mặt đều giơ tay.
Dunnell sau đó ghép nhiều ô vuông màu xám giống nhau này lại, sau đó điều chỉnh độ sáng tối của từng ô vuông, chẳng bao lâu sau, toàn bộ bức tranh trông giống như bức chân dung ở phần đầu hiện ra.
Theo lời của Dunnell: "Chỉ cần bạn có thể vẽ tốt một ô vuông nhỏ, bạn sẽ có khả năng hoàn thành bất kỳ công việc mà bạn cho là phức tạp nào."
Rất nhiều khi, điều hạn chế chúng ta không phải là khả năng của chúng ta mà là việc chúng ta không sẵn lòng bắt đầu lại từ đầu và làm những việc cũng như chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Khi nhắc đến Yu Hua, một nhà văn nổi tiếng tại Trung Quốc, nhiều người sẽ ngưỡng mộ thành tích văn học đáng nể của ông.
Trên thực tế, khi mới bắt đầu viết văn, ông luôn nghĩ đến việc làm sao để đạt được thành công như hiện tại. Nhưng càng nghĩ, ông lại càng cảm thấy mình viết không hay, có những bản thảo dù mất cả ngày để viết cũng sẽ có thể bị vò nát.
Kết quả, ông không những không viết ra được một tác phẩm ưng ý mà còn trở nên kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời rơi vào tình trạng thiếu tự tin sâu sắc. Sau đó, ông thay đổi hướng đi, dành nhiều thời gian để đọc "Văn học nhân dân" mỗi ngày.
Ông tham khảo các bài báo trên tạp chí, bắt đầu rèn luyện từ cả một dấu chấm câu. Cho đến khi cảm thấy mình có thể sử dụng dấu câu một cách chính xác, ông sẽ chuyển sang học cách cải thiện việc lựa chọn từ.
Mỗi một dấu phẩy, một từ, một câu, rồi một đoạn văn... tất cả đều được ông dụng tâm nghiên cứu, mài dũa kĩ càng.
Yu Hua đã cải thiện đáng kể khả năng viết của mình nhờ trau chuốt chính những chi tiết này.
Mãi đến năm 1983, Yu Hua, người đã rèn dũa khả năng của bản thân trong suốt 5 năm, mới xuất bản thành công truyện ngắn đầu tiên của mình.
Đối với Yu Hua, cuốn tiểu thuyết này giống như cánh cửa dẫn đến một thế giới mới mà ông đã đạt được sau khi leo hàng vạn bậc thang, kể từ đó sau đó, ông dần trở thành tác giả có sách bán chạy nhất trong suốt gần 40 năm.
Từ Dunnell đến Yu Hua, bạn sẽ thấy rằng những người đạt được thành công có thể không nhất thiết phải có tài năng phi thường, nhưng họ phải có khả năng hành động mạnh mẽ. Họ không ngừng tích lũy những thay đổi nhỏ cho đến khi đạt được trình độ cao hơn. Thay vì tuyên ngôn lớn lao, họ bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất bằng những hành động quyết liệt nhất.
Chính như Yu Hua đã nói sau khi nổi tiếng: "Đừng mong biển vàng đột nhiên chuyển sang màu xanh, hãy bơi xa hơn một chút mỗi ngày, bơi cho đến khi thấy biển chuyển sang màu xanh".
Chuyển đổi 100% không bằng thay đổi 5%
Li Songwei, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh, đã gặp một độc giả như vậy.
Để bỏ thói quen liên tục nhìn vào điện thoại di động, cô quyết định khóa điện thoại di động và để trong ngăn kéo 4 tiếng mỗi ngày. Chẳng bao lâu sau, cô không thể chịu đựng được, cuộc sống của cô lại quay trở lại như trước.
Li Songwei đề nghị cô không nên cố gắng quá mức như vậy, chỉ cần ngừng nhìn vào điện thoại một phút mỗi ngày.
Ban đầu, độc giả hoài nghi vì nghĩ rằng sẽ chẳng thể làm được gì nếu chỉ tập trung trong một phút. Nhưng cô sớm phát hiện ra rằng không khó để không nhìn vào điện thoại trong một phút nhưng rất khó để kiên trì làm như vậy hàng ngày.
Và chỉ cần đạt được mục tiêu nhỏ này, trong một khoảnh khắc tưởng chừng như ngắn ngủi, nó sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự do kiểm soát được thời gian.
Sau một tháng kiên trì, cô đã có thể ngồi đọc báo trong 10 phút, cuối cùng cô thậm chí còn có thể tập trung viết luận văn trong 2 tiếng.
Li Songwei đã viết trong cuốn "Thay đổi 5%" rằng: "Không cần biến đổi 100%, chỉ cần bạn thay đổi 5%, những khả năng mới sẽ xảy ra."
Dù là "viết từ 1 đến 600" hay "thay đổi 5%", chúng đều hướng đến một điều khôn ngoan trong cuộc sống: Tập trung vào một mục tiêu lớn bằng cách làm tốt nhiều mục tiêu nhỏ.
Những người cho rằng những mục tiêu nhỏ là không đáng kể và theo đuổi tốc độ sẽ giống như khi việc quên mất đổi 5 thành 6 khi chuyển từ con số 59 sang 60, khiến mọi nỗ lực trước đó trở nên lãng phí.
Khi người dẫn chương trình nổi tiếng người Đài Loan Betty Wu còn học đại học, cô có một người bạn cùng lớp rất giỏi ngoại ngữ.
Sau khi phát hiện ra người bạn cùng lớp này chỉ học ngoại ngữ nửa giờ mỗi ngày, Betty Wu cảm thấy nếu cô học 2 giờ mỗi ngày, cô sẽ có thể vượt qua người bạn này một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, 2 giờ là một khoảng thời gian dài và Betty Wu luôn không thể hoàn thành kế hoạch tự học ban đầu vì nhiều lý do khác nhau.
Hai năm sau, bạn cùng lớp của Betty Wu nhận được học bổng, còn cô lại chẳng còn tìm thấy những tài liệu học ngoại ngữ của mình.
Chuyên gia nghiên cứu thói quen James Clear cho biết: "Sự cải thiện 1% không phải là điều ngoạn mục nhưng nó lại là thứ có giá trị hơn, đặc biệt là về lâu dài".
Việc theo đuổi một sự chuyển đổi hoàn toàn mới trong cuộc sống thường dẫn đến phản tác dụng.
Đằng sau hầu hết các kết quả lý tưởng là những thay đổi, tiến bộ từ nhỏ đến không đáng kể, và những sự tích lũy không ngừng.