7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc - Chuyển hóa ước mơ thành mục tiêu

Quìn22/10/2023 08:00
7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc - Chuyển hóa ước mơ thành mục tiêu

Nếu bạn có ước mơ, nhưng chỉ để nó trong đầu thì "ước mơ mãi vẫn chỉ là ước mơ". Nhưng nếu bạn chuyển hóa ước mơ đó thành mục tiêu hành động, ước mơ của bạn sẽ thành hiện thực.

Sau đây là công thức giúp bạn chuyển hóa ước mơ thành mục tiêu:

Những động lực thiết yếu: ước mơ của bạn phải hướng đến sự công nhận, cảm giác chiến thắng, vì gia đình và công việc bác ái (hướng đến việc phục vụ cộng đồng, xã hội). Nhưng có một động lực thiết yếu nhất, mang tính thực tế nhất và là động lực ban đầu đó là giá trị lợi nhuận mà mục tiêu mang lại và thời gian tự do được làm điều bạn muốn.

Khi bạn có ước mơ, hãy mạnh dạn ghi ước mơ ấy ra giấy, từ hành động nhỏ này sẽ giúp bạn cụ thể hóa điều bạn muốn đạt được hoặc người mà bạn muốn trở thành, việc này cũng giúp bạn dễ dàng vạch ra mục tiêu hành động trên con đường đi đến ước mơ.

Thiết lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn: từ ước mơ của bạn, bạn sẽ hình dung ra các mục tiêu cần phải đạt được trong khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn; bạn phải liệt kê tất cả đầu mục, sau đó, gạn lọc đi những mục tiêu chưa phù hợp hoặc không cần thiết hoặc không khả thi, tiếp theo, bạn phải đặt mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu để dự kiến thời gian hoàn thành.

Mục tiêu phải gắn với thời gian vì năng suất và hiệu quả công việc là kết quả của những mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn chỉ đặt ra mục tiêu nhưng không có thời gian thực hiện mục tiêu thì bạn sẽ không kiểm soát được mục tiêu và có thể dẫn tới mục tiêu không hoàn thành.

Cần phân định mục tiêu chính yếu và thứ yếu để phân bổ thời gian hợp lý:

Khi xác định được đâu là mục tiêu chính yếu và đâu là mục tiêu thứ yếu thì bạn sẽ biết cách phân bổ thời gian hợp lý, theo nguyên tắc: không dùng thời gian chính yếu cho việc thứ yếu; không dùng thời gian thứ yếu cho việc chính yếu; hãy dùng thời gian chính yếu cho việc chính yếu, và thời gian thứ yếu cho việc thứ yếu.

Các mục tiêu đặt ra cần phải trên tầm với, đủ để bạn phát triển và tiến xa hơn nữa, chúng phải đủ cao để kích thích trí tưởng tượng và thúc đẩy bạn hành động, nhưng đừng vượt quá xa khả năng thực tế đến mức bạn chưa bắt đầu đã thấy nản lòng.

Chủ đích thật sự của việc thiết lập mục tiêu không phải ở chỗ hoàn thành chúng, mà là buộc bạn phải trở thành người có khả năng tương xứng để hoàn thành những mục tiêu đó. Giá trị lớn nhất nằm ở kỹ năng, kiến thức, kỷ luật và phẩm chất lãnh đạo, là những kinh nghiệm đúc kết được khi bạn hoạch định và phát triển các chiến lược; là nội lực để có được lòng can đảm, sự cam kết và sức mạnh của ý chí đủ để bạn “hấp dẫn” điều bạn mơ ước về chính mình.

Cuối cùng, hãy tập trung tối đa cho mục tiêu của mình. Chỉ khi nào bạn kiên định, kỷ luật và tin tưởng vào những gì chính bạn thiết lập ra thì khi đó bạn mới sẵn sàng và hết mình cho ước mơ của mình. Và một ai đó đã từng nói: hãy theo đuổi ước mơ, thành công sẽ theo đuổi bạn, là có lý do của nó.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có một mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện hóa ước mơ, thì thực tế cuộc sống vẫn có những thứ không lường trước được mà chúng ta cần đón nhận (tôi muốn nói đến thất bại). Nhưng nếu như bạn nhất quán thiết lập và theo đuổi mục tiêu như trên thì chắc chắn tỷ lệ thắng sẽ nhiều hơn thua và thành công sẽ đến với bạn.

Những điều trên mình rút ra được sau khi đọc hết chương 1 của cuốn sách: 7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc của tác giả Jim Rohn. Cuốn sách được trình bày rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu đối với việc cụ thể hóa và thiết lập mục tiêu.


Gửi bình luận
(0) Bình luận