Hạt giống tâm hồn - Khi ở đáy vực đen tối, thực hiện ngay 4 mục tiêu nhỏ để từng bước gượng dậy

Nguyên Thảo01/11/2023 09:00
Hạt giống tâm hồn - Khi ở đáy vực đen tối, thực hiện ngay 4 mục tiêu nhỏ để từng bước gượng dậy

Mất việc, mất người thân, ly hôn, phá sản, bị ung thư… trong những giai đoạn đen tối cùng cực, khi mà khả năng phục hồi về vật chất và tinh thần dường như là “viễn tưởng”, làm thế nào chúng ta có thể từng bước gượng dậy?

Nếu bạn không may đang trong hoàn cảnh khó khăn, hãy để 4 lời nhắn từ những chân dung đời thực sau đây - trích từ các tập sách của tủ sách “Hạt giống tâm hồn” - tiếp thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần cho bạn.

1. Khi mọi thứ trông quá choáng ngợp, hãy hoàn thành những mục tiêu nhỏ

Vài tháng sau khi xạ trị và hoá trị bệnh ung thư vú, một nữ nhà văn hoàn toàn rơi vào suy sụp và khủng hoảng. Ngay cả những sinh hoạt bình thường mỗi ngày cũng đòi hỏi ở cô một nỗ lực lớn lao. Thế giới quanh cô chỉ còn lại một màu u tối và cô chẳng thiết quan tâm đến bất cứ điều gì trên đời.

Tuy nhiên, tinh thần cô đã khá hơn nhờ lời khuyên của một nhân viên tư vấn từ một trung tâm điều trị ung thư gần nhà: Hãy lập một danh sách những điều cô muốn làm trong tương lai gần.

Nghe theo lời khuyên đó, cô bắt đầu viết ra những mục tiêu nho nhỏ: Đi bộ hai mươi phút mỗi ngày; Tham quan công viên nước; Tham gia các lớp yoga; Hoàn thành cuốn tiểu thuyết vừa khai bút...

Điều kỳ lạ là, chỉ nhờ viết ra những mục tiêu giản đơn đó, cô cảm thấy khá hơn một chút. “Thế giới của tôi cũng trở nên tươi sáng hơn. Đó có lẽ là vì tôi đã nhận ra rằng mình có một điều gì đó để trông đợi”, nữ nhà văn kể lại.

Benjamin E. Mays, nhà lãnh đạo nhân quyền người Mỹ, từng nói: “Trong cuộc sống, bi kịch không nằm ở việc ta không đạt được mục tiêu, mà nằm ở chỗ ta không hề có mục tiêu để vươn đến”.

Thay vì để bản thân chìm trong những ngày tháng vô định, tuyệt vọng, bạn hãy thử đặt ra những mục tiêu nho nhỏ cho bản thân và tiến hành chinh phục từng thứ một. Và bạn có thể như nữ nhà văn kia, vài năm sau nhìn lại, cảm thấy biết ơn những mục tiêu nhỏ đã kéo mình vượt qua một hành trình đầy khó khăn.

2. Hành động nhỏ sẽ tiếp thêm cảm giác chiến thắng

Bên cạnh việc viết các mục tiêu, việc xắn tay áo lên hành động - dù chỉ làm một việc nhỏ nhặt đời thường - cũng có thể tiếp thêm cảm giác chiến thắng cho bạn.

Bạn có biết, một goá phụ đã vượt qua tâm trạng tiêu cực sau khi chồng qua đời chỉ nhờ vào một hành động nhỏ là… dọn tuyết?

Vốn dĩ trong 35 năm kết hôn, mọi công việc nặng nhọc từ cắt cỏ, lau dọn hồ bơi, sửa chữa vật dụng trong nhà… đều được người chồng gánh vác. Người goá phụ bỗng chìm trong cảm giác bi quan sâu sắc khi nghĩ đến việc phải tự mình làm tất cả những nhiệm vụ đó; mà sâu xa hơn, có lẽ đó là cảm giác bất lực vì phải tiếp tục cuộc sống mà không có người chồng thân quen bên cạnh.

Nhưng sau một lần thành công tự vận hành chiếc máy dọn tuyết to lớn, cồng kềnh, và dọn sạch tuyết trong khuôn viên nhà, cảm giác bi quan của bà đã hoàn toàn được chuyển hoá. Bà bỗng nhận ra: “Mình có khả năng làm được nhiều việc hơn mình tưởng”.

“Nếu tôi có thể chế ngự được cỗ máy to lớn màu đỏ đó cùng lớp tuyết trắng xóa dày gần nửa mét bên ngoài, thì tôi tin mình có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn”, người goá phụ tâm sự.

3. Nghịch cảnh thường ẩn chứa cơ hội “hoá bướm”

Tiếp theo, bạn hãy thử tưởng tượng xem, nghịch cảnh hiện tại có thể ẩn chứa điều gì tích cực cho tương lai hay không?

Trong giai đoạn COVID-19, một nhân viên thiết kế đồ hoạ bị sa thải và cô vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, chính vì mất việc mà cô có thời gian xúc tiến công việc bán hàng tự do trên Etsy. Đến nay, đó là công việc toàn thời gian của cô, đem lại thu nhập, niềm vui và sự tự chủ hơn hẳn khi ở công ty cũ.

Một thiếu nữ 16 tuổi vác vali ra khỏi nhà mẹ đẻ trong tình trạng không xu dính túi, chỉ vì cô không chịu nổi những lời chì chiết của người mẹ. Tuy nhiên, theo thời gian, cô thành công gây dựng mọi thứ - vào đại học, có công việc, có một gia đình hạnh phúc - đi ngược lại những lời “tiên đoán” đầy tiêu cực mà mẹ ruột dành cho cô.

Đôi khi, những điểm kết thúc là cần thiết để một cánh cửa mới được mở toang. Những cú chuyển mình vẫn còn chờ đợi bạn ở phía trước, và bạn hoàn toàn có thể bước trên những hành trình mới tươi sáng và tích cực, tương tự như những nhân vật có thật kể trên.

4. Chạy bộ, làm vườn, nấu ăn… có thể “chữa lành”

Cuối cùng, bạn cũng có thể tìm đến những hoạt động có thể tạm thời “ngăn cách” bạn với thế giới áp lực, đau buồn đang vây quanh.

Chẳng hạn, một phụ nữ đã tự cứu thoát bản thân khỏi giai đoạn trầm cảm sau sinh chỉ nhờ vào chạy bộ. Cô từng cô đơn, tự ti, đánh mất bản sắc cá nhân vì bỏ việc sinh con; mệt mỏi đến kiệt sức vì chăm sóc con đến tận đêm khuya… Nhưng khi cô ấy mua một đôi giày và bắt đầu chạy bộ, những cảm giác tiêu cực đó dần bị “đánh bay” theo từng bước chạy.

“Chính những giờ phút chạy bộ đơn độc đó đã cho tôi thời gian để tập trung suy nghĩ, thời gian dành riêng cho bản thân và thời gian để tận hưởng cảm giác không phải chăm bẵm ai cả”, cô kể lại.

Hay như một người vợ đau đớn vì vừa mất chồng, đã tìm thấy sự bình yên trong khi chăm sóc khu vườn mà người chồng quá cố để lại. Khu vườn đã thực sự “chữa lành” cho bà, đúng như lời của nhà thơ người Anh Alfred Austin: “Tay vùi trong đất, đầu vươn trong nắng, hòa làm một với thiên nhiên - Vun bón một khu vườn không chỉ giúp trau dồi thể chất mà còn cả tinh thần”.

Thử nghĩ xem, bạn có thể tìm thấy sự cứu rỗi cho mình từ những thú vui nào? Nấu ăn, đạp xe, làm bánh, viết blog, đọc sách…? Hãy thử đắm chìm vào một sở thích, rồi bạn sẽ dần nhận ra làn sương mù tiêu cực đặc quánh quanh mình đã dần tan biến tự bao giờ…


Gửi bình luận
(0) Bình luận