Theo Michelle Gibbings - người có hàng thập kỷ lãnh đạo và làm việc với hàng trăm thành viên đội nhóm ở nhiều lĩnh vực khác nhau - lãnh đạo là những người giúp định hình mục tiêu của tập thể và dung hòa các cá nhân trong tập thể nhằm đạt được mục tiêu nào đó. Nhưng trong môi trường làm việc ngày nay, những người nắm giữ vai trò lãnh đạo thường được kỳ vọng quá cao từ nhiều phía. Họ phải làm việc suốt nhiều giờ, phải sẵn sàng để xử lý công việc, giải quyết những vấn đề phức tạp, cố gắng phát huy tiềm năng đội ngũ của mình… trong khi phải thường xuyên đối mặt với nỗi sợ bị mất việc. Chính những thách thức này đã tạo nên áp lực đối với các nhà lãnh đạo và đôi khi khiến họ trở thành những người “sếp tồi” trong mắt nhân viên.
Như tác giả Michelle Gibbings đã nhìn nhận: “Tất cả chúng ta đều có những lối mòn tư duy và thói quen hành xử thâm căn cố đế mà chúng ta đã tích lũy trong nhiều năm thông qua trải nghiệm cá nhân. Những trải nghiệm này tạo ra các nhận định chủ quan và các kỳ vọng về cách mọi chuyện diễn ra cũng như về con người chúng ta. Điều này được thể hiện qua những kỳ vọng mà chúng ta dành cho các thành viên thuộc đội nhóm của mình, các đồng nghiệp lẫn sếp mình, và qua nỗi thất vọng của chúng ta khi họ không đáp ứng được những kỳ vọng ấy. Thách thức nằm ở chỗ những kỳ vọng của chúng ta rất có thể không giống với kỳ vọng của người khác, và điều này có thể dẫn đến xung đột cũng như hiểu lầm”.
Nếu bạn đang ở cương vị là một người sếp hoặc lãnh đạo, có thể bạn đang gặp phải những vấn đề: không được trang bị đầy đủ kỹ năng để lãnh đạo; không tự nhận thức được khả năng lãnh đạo của mình; không nhận thấy tác động của mình gây ra cho các nhân viên và đồng nghiệp; đang làm việc trong một môi trường tệ hại… Nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng vì Michelle Gibbings sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hành vi lãnh đạo của mình và xác định xem bạn đã đạt tiêu chuẩn hay chưa thông qua cuốn sách “Sếp tồi” đầy khai mở của cô.
Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn góc nhìn toàn cảnh về môi trường công sở thông qua ba vai trò: làm việc cho một người sếp tồi, quản lý một người sếp tồi và chính mình là một người sếp tồi. Ở mỗi phần, Michelle Gibbings đều định hướng bạn đọc đi qua 4 bước (tương ứng với 4 chương nhỏ trong từng phần): Đánh giá tình hình → Lập chiến lược → Hành động → Chiêm nghiệm.
Theo tác giả, để trở thành một lãnh đạo giỏi, bạn phải đối mặt và giải quyết những khía cạnh có thể bị ẩn giấu hoặc kìm nén trong tâm trí vô thức của bản thân. Điều quan trọng là bạn phải suy ngẫm một cách nghiêm túc và trung thực về những gì đang thật sự diễn ra trong thế giới của bạn, bạn cảm thấy khả năng của mình đang ở mức độ nào và những yếu tố bên trong hay bên ngoài nào đang ảnh hưởng đến bạn.
Không chỉ vậy, bạn cần phải xác định các kiểu hành vi nổi trội của mình, vì chính những kiểu hành vi này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách những người xung quanh đánh giá năng lực lãnh đạo của bạn. Bạn có thể xác định điều này thông qua bảy tiêu chí lãnh đạo chính, bao gồm: nhận thức, tính chân thực, sứ mệnh, tư duy, quyền lực, quan hệ công việc, chuẩn mực tập thể.
“Các nhà lãnh đạo giỏi nhất thường chủ động tìm kiếm phản hồi và liên tục đánh giá hiệu quả lãnh đạo của họ. Việc dành thời gian đánh giá năng lực lãnh đạo của bản thân không tự động biến bạn thành “sếp tốt”, nhưng đó là minh chứng cho thấy bạn có quan tâm và có đầu tư phát triển bản thân thành một nhà lãnh đạo tốt nhất có thể” - Michelle Gibbings nhận định.
Nhìn chung, khả năng lãnh đạo không được thể hiện qua chức danh hay quyền hạn chính thức của bạn mà chính là vai trò của bạn trong tập thể. Điều bạn cần là trang bị cho mình một tư duy cởi mở để đối mặt với nhiều tình huống khác nhau trong môi trường làm việc. Bởi lẽ, dù bất cứ lứa tuổi nào thì các quan niệm cứng nhắc, rập khuôn vẫn cản trở việc thiết lập các mối quan hệ và giao tiếp hiệu quả.