Sếp tồi - Thế giới cần những nhân viên hạnh phúc, khỏe mạnh và gắn kết

An Châu25/09/2024 09:00
Sếp tồi - Thế giới cần những nhân viên hạnh phúc, khỏe mạnh và gắn kết

“Sếp tồi” (Bad boss) của Michelle Gibbings không phải là một tuyển tập những lời phàn nàn về các lãnh đạo, hay một bộ sưu tập những câu chuyện tiêu cực về những sếp tồi tệ. Thay vào đó, đây là một quyển sách viết về hi vọng.

Thông điệp mà Michelle Gibbings muốn đưa đến người đọc là “Việc tạo ra một môi trường tích cực để các nhân viên và lãnh đạo có thể “thăng hoa” là một nỗ lực tập thể. Vậy nên bất luận vai trò của bạn là gì - nhân viên, sếp hay lãnh đạo, sếp của sếp hay lãnh đạo của lãnh đạo - quyển sách này khuyến khích bạn làm thật tốt vai trò đó. Nó thúc đẩy bạn nghiêm túc xem xét vai trò của bạn trong guồng máy của tổ chức và chủ động làm những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc”.

Quyển sách giúp bạn xây dựng nhận thức về một môi trường làm việc tích cực, tạo ra và áp dụng những chiến lược làm việc hiệu quả, đồng thời liên tục đánh giá và điều chỉnh các chiến lược đó.

Khi một sếp tồi khiến bạn sợ hãi

Một sếp tồi khiến bạn sợ hãi khi phải đi làm, tổn thương lòng tự trọng của bạn và dần gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn. Đó có lẽ không phải là một hiện trạng cá biệt. Bạn nghĩ gì, làm gì khi lâm vào tình cảnh đó? Với bạn, thế nào là một sếp tồi? Bạn sẽ cam chịu, phàn nàn với người khác, phản ứng, nghỉ việc, hay thậm chí tìm cách trả thù?

Có thể mỗi nơi mỗi khác, nhưng rõ ràng là “Khi nhân viên bị căng thẳng, khi sếp lãnh đạo kém và khi văn hóa doanh nghiệp tệ hại thì tất cả mọi người đều khốn đốn”.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình, Michelle Gibbings đã kể nhiều câu chuyện thực tế về cách ứng xử của nhiều người ở nhiều vị trí khác nhau; các nhân viên đã thay đổi hoàn cảnh của họ, các vị sếp đã thay đổi phương pháp lãnh đạo và các nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã nhận ra vai trò mà họ cần đảm nhận nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.

Ngoài dẫn chứng thực tế, phân tích tình huống, tác giả cũng đặt ra nhiều câu hỏi để người đọc tự suy nghĩ, trả lời, đưa ra kế hoạch và phương án giải quyết của mình. Tác giả cũng khuyến cáo đến ngưỡng nào thì phải rời bỏ môi trường làm việc quá tệ vì người sếp quá tồi mà không cần phải nấn ná thêm; lúc nào cần dứt khoát có những kế hoạch khác tốt hơn cho công việc và cuộc đời mình.

Với tác giả, “nhà lãnh đạo giỏi là những lãnh đạo muốn phát huy hết tiềm năng của các cá nhân trong đội nhóm của mình bởi vì họ biết rằng khi các thành viên đều phát triển thì cả nhóm đều được hưởng lợi. Đồng thời, thế giới cũng cần những nhân viên hạnh phúc, khỏe mạnh và gắn kết, những người mà mỗi ngày đều phát huy tối đa và trọn vẹn khả năng của mình ở nơi làm việc, những người luôn cống hiến hết mình và luôn ở trạng thái tốt nhất”.

Không phải bỏ việc, mà rời bỏ sếp của họ

Nhưng làm thế nào để có được nhân viên và những người lãnh đạo như vậy? Phần lớn được phân tích nhiều là chúng ta phải hiểu về các mối quan hệ và xây dựng tốt các mối quan hệ trong môi trường làm việc, nơi luôn có các mâu thuẫn, xung đột; nơi có một sự thật là “người ta không rời bỏ công việc, họ rời bỏ sếp của họ”.

Lời khuyên là: để trở thành một lãnh đạo giỏi hoặc một nhân viên tốt, bạn phải biết tương tác với người khác, và bạn không thể tương tác hiệu quả mà không có cảm xúc hay tình cảm. Với nhân viên thì phải luôn nhìn lại mình, đánh giá vị trí của mình, xem xét lại hiệu quả công việc của mình và các mối quan hệ; cần thay đổi, hoàn thiện bản thân trước khi nhận định, phán xét và đưa ra các giải pháp cải thiện mối quan hệ với sếp. Và ngưỡng để bạn quyết định việc đi hay ở là “công việc không phải là thứ đáng để bạn bán rẻ linh hồn hay hệ giá trị của mình, vì một khi đánh mất sự chính trực rồi thì bạn rất khó tìm lại nó”.

Còn trong tình huống bạn là sếp của một sếp tồi (cấp dưới trực tiếp của bạn), bạn sẽ nghĩ gì và làm gì để mọi thứ trở lại yên ổn, trật tự, hiệu quả mà không gây tổn thương cho sếp dưới quyền của bạn và không gây bất bình, phản ứng cho đội ngũ bên dưới?

Bạn có thể tham khảo và suy ngẫm về việc tìm ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, xuất phát từ cả ba yếu tố: từ bạn, từ cấp dưới trực tiếp của bạn, từ môi trường làm việc để đề ra chiến lược giải quyết một cách toàn diện. Trong đó, luôn nhớ rằng bạn có trách nhiệm giúp cấp dưới của mình nhận ra và giải quyết các vấn đề trong phương pháp lãnh đạo của họ.

Làm gì khi chính bạn là sếp tồi?

Cuối cùng, bạn sẽ làm gì khi chính bạn là sếp tồi? Thật khó để một người nhận ra và tự đánh giá mình là sếp tồi. Họ có thể nghĩ rằng mình đang làm rất tốt, nhưng đáng buồn là sự thật khác xa điều họ nghĩ. Bởi ngoài bản thân họ, thì có nhiều người chung quanh, trong hệ thống tổ chức, và hiệu quả công việc… minh chứng họ là một sếp tốt hay tồi.

Vì vậy, khi làm sếp bạn có khả năng tự nhận thức bên trong lẫn bên ngoài của bạn không? Bạn có chân thực, khiêm nhường, có lòng trắc ẩn, có trách nhiệm, lòng can đảm, vị tha, tính chính trực, khả năng lắng nghe? Bạn có nhận ra sứ mệnh của mình? Bạn có đang lãnh đạo theo phương pháp “tôi là trên hết”, không khơi nguồn cảm hứng hay tạo động lực cho các thành viên trong nhóm phát huy hết tiềm năng của họ? Và còn hàng loạt câu hỏi khác được tác giả đặt ra để bạn tự đánh giá mình có phải là một sếp tồi và chọn cho mình một chiến lược thay đổi trước khi mọi việc quá muộn.

Khi trở thành sếp tồi, bạn gây tác động tiêu cực đến năng suất và mức độ gắn bó của nhân viên, dẫn đến tỉ lệ nghỉ việc cao và điều đó có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó thu hút được các ứng viên có năng lực phù hợp vào đội ngũ của mình. Để giải quyết vấn đề, quyển sách đã đưa ra một cẩm nang dành riêng cho bạn rất đáng để tham khảo.

Và một lời khuyên trong quyển sách tôi cho rằng luôn luôn đúng là “bạn hãy dành thời gian cho bản thân”, dù bạn ở bất kỳ cương vị nào. Vì bạn khó có thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi nếu phải làm một công việc bạn không thích, chịu đựng văn hóa doanh nghiệp tệ hại hoặc khốn đốn vì một vị sếp đòi hỏi quá mức. Tương tự, nếu bạn không tự chăm sóc bản thân thì bạn sẽ không có đủ khả năng đối phó khi mọi việc trở nên mất kiểm soát, khi đó những hành vi kém hiệu quả sẽ nảy sinh. Khi bạn căng thẳng và không vui, bạn không ở trong trạng thái tốt nhất của mình, và nhiều khả năng là những người xung quanh bạn phải gánh chịu hậu quả.

“Sếp tồi” thật sự có ý nghĩa, vì nó cho ta những nhận thức, đúc kết sâu sắc về một thực trạng mà ai cũng có thể gặp phải; cho chúng ta phương pháp nhìn nhận những người chung quanh và cơ hội nhìn nhận lại bản thân mình để có những thay đổi tích cực nhất.


Gửi bình luận
(0) Bình luận