Ngày nay chúng ta nghe nói rất nhiều về tầm quan trọng của sự an toàn về mặt tâm lý và đó chính là nền tảng của một kiểu văn hóa doanh nghiệp tích cực. Một nơi làm việc không an toàn hoặc văn hóa doanh nghiệp tệ hại sẽ gây tổn hại cho cả tâm lý lẫn thể chất của nhân viên.
Vào năm 2017, báo cáo của Gallup cho thấy có 82% nhân viên cho rằng lãnh đạo của họ không truyền được cảm hứng cho họ, chỉ có 15% nhân viên gắn kết với nơi làm việc và chỉ 1/3 nhân viên công ty hoàn toàn đồng ý rằng họ tin tưởng đường lối lãnh đạo của tổ chức.
Một báo cáo của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) về chi phí chăm sóc sức khỏe tâm thần đã kết luận rằng tình trạng nhân viên thường xuyên vắng mặt tại nơi làm việc đã làm các doanh nghiệp ở Úc thất thoát khoảng 4,7 tỷ đô-la mỗi năm; “văn hóa điểm danh” – tình trạng nhân viên giảm năng suất làm việc do đi làm khi không khỏe nhằm chứng tỏ sự hiện diện và cống hiến trong công việc – làm tiêu tốn khoảng 6,1 tỷ đô-la mỗi năm; đồng thời chi phí ước tính cho những yêu cầu bồi thường về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc là khoảng 146 triệu đô-la mỗi năm.
Chẳng cần xem các kết quả nghiên cứu thì bạn cũng thừa biết bạn sẽ thích đi làm hơn rất nhiều nếu được làm việc cùng những người bạn thích và có mối quan hệ tốt đẹp với sếp. Khi bạn vui vẻ, bạn làm được nhiều việc hơn, bạn tập trung hơn và tận tâm hơn với công việc của bạn. Điều đó nghĩa là bạn sẽ ít mắc lỗi hơn và tạo ra những kết quả tốt hơn. Đồng thời, môi trường làm việc của bạn cũng trở nên ổn định hơn, tỷ lệ nghỉ việc và nghỉ bệnh giảm, xung đột giữa các thành viên trong nhóm và các hành vi gây rối cũng giảm theo. Khi bạn vui vẻ, bạn tư duy sáng tạo hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng trở nên kiên cường hơn, có khả năng phục hồi cũng như đương đầu với nghịch cảnh và xung đột tốt hơn, ngay cả khi bạn đang làm một công việc đầy thách thức và phức tạp.
Đáng buồn thay, thực tế là nhiều người trong chúng ta lại chẳng được làm việc trong một môi trường vui vẻ, và thậm chí trong một số trường hợp cực đoan thì nơi làm việc còn thật sự tổn hại đến sức khỏe của chúng ta. Vào tháng Năm năm 2019, 194 thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhất trí sửa đổi “Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe có liên quan” để xếp tình trạng kiệt sức do công việc vào mục bệnh lý được công nhận. WHO định nghĩa tình trạng kiệt sức do công việc là “một hội chứng xảy ra do căng thẳng kéo dài tại nơi làm việc và tình trạng căng thẳng đó không được quản lý tốt”.
Khi nhân viên bị căng thẳng, khi sếp lãnh đạo kém và khi văn hóa doanh nghiệp tệ hại thì tất cả mọi người đều khốn đốn. Vì vậy, việc nuôi dưỡng các mối quan hệ tích cực ở nơi làm việc sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người.
Như tác giả Michelle Gibbings đã chỉ ra trong cuốn sách “Sếp tồi”: “Trong các tổ chức, mọi người kết nối với nhau – thông qua các mối quan hệ, cơ cấu thứ bậc, quy trình làm việc, vai trò, quyết định và trách nhiệm – tạo nên một hệ thống tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Các vị sếp không làm việc đơn độc. Các nhân viên cũng không làm việc đơn độc. Những kết nối giữa họ và cách họ cảm nhận, trải nghiệm cũng như quản lý các áp lực lẫn kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Hành động của bất kỳ cá nhân nào trong hệ thống cũng sẽ tác động và tạo ra các kết quả tích cực hoặc tiêu cực đến những người còn lại. Những tác động dây chuyền này có thể gây ra ảnh hưởng nhẹ nhàng hoặc sâu sắc, tùy thuộc vào mức độ tác động. Bạn càng gây áp lực lên hệ thống này thì phản lực quay trở lại bạn sẽ càng lớn”.
Nhìn chung, mọi người đều muốn làm việc trong một môi trường an toàn cả về thể chất lẫn tâm lý. Việc tạo ra một môi trường tích cực để các nhân viên và lãnh đạo có thể “thăng hoa” là một nỗ lực tập thể. Vậy nên bất luận vai trò của bạn là gì – dù là nhân viên, sếp hay lãnh đạo, sếp của sếp hay lãnh đạo của lãnh đạo – cuốn sách của Michelle Gibbings sẽ khuyến khích bạn làm thật tốt vai trò đó. Nó thúc đẩy bạn nghiêm túc tự xem xét vai trò của bạn trong guồng máy của tổ chức và chủ động làm những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc.
Trọng tâm không phải là thách thức hay trả thù mà là thực hiện những thay đổi một cách hiệu quả và tích cực. Cuốn sách này giúp bạn xây dựng nhận thức về một môi trường làm việc tích cực, tạo ra và áp dụng những chiến lược làm việc hiệu quả, đồng thời liên tục đánh giá và điều chỉnh các chiến lược đó.