Năm 2012, một cuộc khảo sát tại Mỹ đã cho thấy 65% người Mỹ nghĩ rằng việc thoát khỏi sếp khiến họ trở nên hạnh phúc hơn cả việc được tăng lương. Một nghiên cứu ở Anh phát hiện có 40% người tham gia cho rằng sếp của họ không thể làm tốt công việc của họ, 1/3 số người tham gia nghĩ họ có thể tự hoàn thành công việc tốt hơn người quản lý của họ và 1/5 số người tham gia cho biết điều tồi tệ duy nhất trong công việc của họ chính là người quản lý. Một nghiên cứu khác ở Anh cũng chỉ ra những quan điểm tương tự với 2/5 số người tham gia nói rằng người quản lý của họ đã không góp phần cải thiện tinh thần ở nơi làm việc, trong khi 1/3 số người tham gia cảm thấy không thoải mái khi phải tìm kiếm sự trợ giúp từ sếp của họ.
Nhìn chung, bất kể bạn đứng ở vị trí nào trong hệ thống cấp bậc của tổ chức, bạn đều có một người sếp (có thể là quản lý, giám đốc điều hành hoặc thành viên hội đồng quản trị), và mối quan hệ của bạn với sếp tác động đến năng suất làm việc, mức độ hài lòng, triển vọng nghề nghiệp và sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tâm thần của bạn theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Vậy phải làm sao nếu bạn đang phải làm việc dưới trướng một người sếp tồi?
Việc đầu tiên mà bạn nên biết là tìm cách trả thù sếp không phải là một chiến lược hiệu quả để cải thiện tình hình ở nơi làm việc. Điều này không chỉ khiến mối quan hệ giữa bạn và sếp trở nên tiêu cực hơn mà còn có thể gây tác động ngược đến với cuộc sống và sự nghiệp của bạn .
Dựa trên hàng thập kỷ lãnh đạo và làm việc với hàng trăm thành viên đội nhóm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tác giả Michelle Gibbings đã đúc kết những kinh nghiệm giúp bạn “đối phó” với sếp của mình trong cuốn sách “Sếp tồi”. Trong sách, bạn sẽ được đọc những câu chuyện đời thực về các nhân viên đã thay đổi hoàn cảnh của họ, các vị sếp đã thay đổi phương pháp lãnh đạo của họ và các nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã nhận ra vai trò mà họ cần đảm nhận nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.
Theo Michelle Gibbings, trước hết bạn nên nhìn nhận lại bản thân mình. Bạn cần phải xem mình đã phát huy hết năng lực của bản thân trong tập thể hay chưa. Ngoài ra bạn cũng cần xem xét lại sức khỏe tinh thần của mình bằng việc đặt ra những câu hỏi: Mình có đang làm việc quá sức không? Mình đã ngủ đủ giấc chưa? Mình có đặt mục tiêu quá cao không?...
Tiếp theo, bạn hãy quan sát và đặt mình vào vị trí của sếp. Có thể bạn nghĩ rằng sếp của mình là một người tồi tệ và chẳng có gì để xem xét. Nhưng sự thật là sếp cũng là người bình thường như chúng ta và khả năng của họ cũng có thể bị môi trường làm việc ảnh hưởng. Có thể bạn chưa nhận thức đầy đủ được những yếu tố khác ảnh hưởng đến cách hành xử của sếp vì cái nhìn chủ quan của bạn quyết định điều gì là thực tế và điều gì là hư cấu. Bạn sẽ có cách diễn giải của riêng mình về những gì đang diễn ra, và rất có thể sếp của bạn lại nhìn nhận mọi việc theo cách khác.
Như Michelle Gibbings đã nói: “Chúng ta vội vã phân chia con người ra hai nhóm “chúng ta” và “họ”, rồi chúng ta bị hút về phía những người mà chúng ta cho là “giống với chúng ta” theo một cách hết sức tự nhiên, vì điều đó làm chúng ta cảm thấy thoải mái. Hậu quả là khi một mối quan hệ ở nơi làm việc gặp trục trặc hoặc đổ vỡ, chúng ta có thể vội vàng phán xét và đổ lỗi cho nhóm người “không giống chúng ta”, đặc biệt là những người bị gắn mác ‘sếp tồi’”.
Nếu muốn cải thiện mối quan hệ với sếp, bạn không thể chỉ ngồi yên chờ họ làm điều đó cho bạn. Bạn không thể thay đổi sếp của mình, nhưng bạn có thể tác động đến hành vi của họ và cách họ đối xử với bạn nếu bạn biết áp dụng chiến lược đúng đắn.